05/01/2024 - 19:43

Đề nghị nhân rộng mô hình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp

Đại biểu HĐND thành phố đề nghị thực hiện tốt Quyết định số 3592/QĐ-BNN-BVTV ngày 23-9-2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nội dung trả lời của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố như sau:

Thực hiện Quyết định số 3592/QĐ-BNN-BVTV ngày 23-9-2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND thành phố phê duyệt Kế hoạch xây dựng và nhân rộng mô hình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trong sản xuất lúa, cây ăn trái và rau màu trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2030. 

Kế hoạch được xây dựng nhằm mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng, tổng hợp IPHM nhằm chủ động phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng, giảm chi phí đầu vào, giảm hóa chất độc hại, giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, thành phố có trên 80% số xã có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM; có ít nhất 5 giảng viên IPHM quốc gia, 20 giảng viên IPHM cấp thành phố; mỗi xã có ít nhất 2 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng và 5 nông dân IPHM nòng cốt; 70% diện  tích cây ngô, cây công nghiệp và 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, hoa, cây cảnh ứng dụng IPHM và trên 90% số xã thực hiện thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng theo quy định. 

Nội dung Kế hoạch tập trung 5 nhiệm vụ chính gồm tuyên truyền nâng cao nhận thức IPHM; xây dựng tài liệu hướng dẫn về IPHM; đào tạo, tập  huấn, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực IPHM; xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng IPHM trong sản xuất và rà soát bổ sung, hoàn thiện cơ  chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng IPHM. 

Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch do ngân sách địa phương đảm bảo theo quy định (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên); lồng ghép từ các chương trình, dự án có liên quan và kinh phí tự có của các tổ chức kinh tế - xã hội; huy động các nguồn lực tài chính hợp pháp từ các nhà tài trợ, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chia sẻ bài viết