28/10/2014 - 20:45

ĐỂ HOẠT ĐỘNG PHỤ NỮ Ở CƠ SỞ NGÀY CÀNG CÓ SỨC HÚT

* KIM LAN

Bài cuối: Cần phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của tổ chức Hội

Hội LHPN cấp cơ sở là nền tảng của tổ chức Hội. Do đó, để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Hội, nhất là các chi, tổ hội, Nghị quyết đại hội đại biểu phụ nữ thành phố nhiệm kỳ 2011-2016 đã đề ra khâu đột phá là “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội cơ sở và chi tổ hội, trong đó tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ công tác Hội cơ sở”. Tuy nhiên, hiện nay các chi, tổ hội vẫn đang tìm cách phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, thu hút chị em tham gia, vực dậy các phong trào phụ nữ.

Nâng cao chất lượng cán bộ Hội

Hội LHPN cấp cơ sở là nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của Hội LHPN, góp phần vào sự phát triển chung của hệ thống chính trị. Do đó, việc quan tâm nâng chất đội ngũ cán bộ Hội cấp cơ sở là yêu cầu cần thiết và cấp bách hiện nay. Trong nửa nhiệm kỳ qua, Hội LHPN thành phố và quận, huyện đã mở trên 20 lớp bồi dưỡng ngắn hạn về những chính sách, pháp luật, tập huấn về kỹ năng điều hành sinh hoạt chi, tổ hội, cho ban chấp hành chi, tổ hội; cung cấp các loại tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn ghi chép sổ sách tới 100% chi, tổ hội và cơ sở hội. Bên cạnh đó, toàn thành phố đã phát triển 27.539 hội viên, các cấp Hội cũng đã giới thiệu 1.242 cán bộ, hội viên ưu tú cho cấp ủy đảng bồi dưỡng, xem xét, kết nạp Đảng được 680 chị. Cán bộ Hội chủ chốt ở cơ sở là đảng viên đạt 98% và 166/630 chi hội trưởng là đảng viên đạt 26,35%. Theo bà Võ Kim Thoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Cần Thơ, thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức Hội cơ sở” giai đoạn 2013 – 2017, Ban Thường vụ Hội LHPN thành phố đã tích cực và chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo từng năm sát với tình hình thực tế nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng tuyên truyền và nghiệp vụ công tác Hội cho cán bộ Hội các cấp và đặc biệt là chi hội trưởng, tổ trưởng, tổ phó Tổ phụ nữ.

Thông qua các hội thi giúp phụ nữ trên địa bàn TP Cần Thơ nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông
và chất lượng sinh hoạt Hội. Ảnh: XUÂN ĐÀO
 

Thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng này, nhiều chị em đã mạnh dạn hơn trong công tác tuyên truyền, phát huy vai trò quản lý và mạnh dạn đưa ra nhiều cách làm hay. Chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Thúy, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Đông Mỹ, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, ngay lúc chị đang cho cá ăn. Nhìn đàn cá tranh nhau đớp mồi, chị Thúy bộc bạch: “Tôi học được cách nuôi cá lóc vèo mùa nước nổi này từ việc đi tham quan các mô hình làm ăn hiệu quả của các xã lân cận. Nhờ đó mà gia đình tôi có thêm thu nhập mùa nước nổi”. Mô hình này được chị Thúy nhân rộng trong hội viên chi hội. Chị Lê Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Cứ một quý, chúng tôi tổ chức cho Hội LHPN các xã đi tham quan các mô hình hiệu quả trong huyện 1 lần, xoay vòng ở các xã. Chính vì vậy, nhiều mô hình hiệu quả được các chị ứng dụng, nhân rộng đạt kết quả khả quan. Cũng chính nhờ việc đi tham quan, học tập mà các xã phải thường xuyên củng cố các mô hình và sáng kiến nhiều mô hình mới để những xã khác đến học tập, tạo ra một phong trào thi đua sôi nổi, giúp chị em hăng hái tham gia”.

Nhiều nơi các chi, tổ hội cũng tổ chức nhiều phong trào hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Mô hình “Thu gom phế liệu” ở khu vực 4, phường Trà An, quận Bình Thủy, đến nay đã có 267 hội viên tham gia. Từ nguồn kinh phí bán phế liệu, chi hội phụ nữ khu vực 4 đã trao 27 suất học bổng, trị giá 6,3 triệu đồng cho con em của hội viên nghèo. Bà Bùi Thị Thanh Lan, Trưởng Ban công tác Mặt trận khu vực 4, phường Trà An, cho biết: “Việc làm này tác động trực tiếp đến các hội viên nên dễ dàng thu hút chị em tham gia. Đây là mô hình thiết thực không chỉ tiết kiệm chống lãng phí mà còn có tác dụng thu gom rác thải bảo vệ môi trường”. Các cấp Hội LHPN trên địa bàn thành phố còn nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo phù hợp với từng nhóm đối tượng; đổi mới cách thức sinh hoạt chi, tổ hội, như ở quận Ninh Kiều có mô hình “Giúp phụ nữ tàn tật vươn lên trong cuộc sống”, ở phường Lê Bình, quận Cái Răng có mô hình “tạo việc làm sau học nghề”…

Cần sự quan tâm của các cấp ủy đảng

Mặc dù các chi, tổ hội có nhiều cách làm hay, sáng tạo xây dựng nhiều mô hình mới, nhưng từng lúc, từng nơi các phong trào vẫn chưa được phát triển đều khắp và chưa phát huy mạnh mẽ, còn mang tính hình thức. Chị Nguyễn Thị Lệ, ở khu vực Trường Trung, phường Trường Lạc, quận Ô Môn đề nghị các cuộc họp nên có cán bộ phụ nữ ở phường, quận đến tham gia, nói chuyện vì những cán bộ Hội này có cách truyền đạt thuyết phục hơn. Các buổi họp chi hội có hình thức sinh hoạt như hỏi đáp có thưởng, có văn nghệ… thì buổi sinh hoạt sẽ sinh động, hay hơn. Chị Phan Thị Pari, Chủ tịch Hội LHPN quận Ô Môn, cũng tán thành với quan điểm này: “Các cán bộ chuyên trách về công tác nữ của phường, quận nên định kỳ đến sinh hoạt với các chị ở các chi, tổ hội để hỗ trợ về kỹ năng tuyên truyền, tài liệu. Các chi, tổ hội phải biết tận dụng sự hỗ trợ của các chị lớn tuổi, có kỹ năng sống tốt để trao đổi với chị em trong các buổi họp về các chuyên đề phù hợp với tình hình địa phương… thu hút chị em đến sinh hoạt với Hội”.

Trong khi đó, chị Lê Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cờ Đỏ, cho rằng: hiện nay một bộ phận phụ nữ luôn đòi hỏi quyền lợi thiết thực như được vay vốn mới tham gia vào hội, còn một bộ phận bận lo làm kinh tế không chịu tham gia. Do đó, để phong trào phụ nữ ở các chi, tổ hội phát triển mạnh, ngoài việc quan tâm đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng kỹ năng cho các cán bộ Hội, cần tổ chức nhiều phong trào tại địa bàn dân cư để chị em tham gia, rèn luyện thực tiễn. Ngoài ra, hội phụ nữ cơ sở và các chi, tổ hội thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng hội viên, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, hỗ trợ kịp thời những bức xúc trong hội viên, tổ chức nhiều phong trào mang lại lợi ích thiết thực cho chị em. Còn theo Hội LHPN quận Ninh Kiều để nâng cao chất lượng hoạt động các chi, tổ hội thì ngoài việc cán bộ Hội phải tự thân nâng cao kiến thức cho bản thân, còn phải có kinh nghiệm trong công tác vận động phụ nữ, nhiệt tình, ý thức trách nhiệm, sâu sát cơ sở, có uy tín trong cộng đồng, trong giới phụ nữ. Ngoài ra, các chi, tổ hội phụ nữ cần đa dạng các hình thức sinh hoạt như nói chuyện chuyên đề, thảo luận nhóm, tổ chức tham quan, trao đổi kinh nghiệm…

Để làm được những điều này, đòi hỏi sự quan tâm sâu sát của Đảng đối với những hoạt động của các cấp hội LHPN. Theo ông Châu Bách Chiến, Phó Bí thư Đảng ủy phường Ba Láng, quận Cái Răng, Đảng ủy phường thường xuyên quan tâm chỉ đạo Ban Chấp hành Hội LHPN phường tăng cường đi công tác khu vực để hướng dẫn cán bộ khu vực, tập trung củng cố các chi, tổ hội, nhóm phụ nữ tiết kiệm, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công tác Hội và phong trào phụ nữ tại địa phương. Từ năm 2011 đến nay, Đảng ủy phường đã tạo điều kiện để các chị tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị, đã có 2 chị tốt nghiệp đại học Luật; 2 chị tốt nghiệp trung cấp chính trị- hành chính và một số cán bộ Hội cũng được tham dự các lớp tập huấn công tác chuyên môn. Tuy nhiên, do trình độ văn hóa các chị còn hạn chế, không đáp ứng yêu cầu, Đảng ủy phường nhiều lần cân nhắc tìm người để thay thế, nhưng không được vì chị em trẻ tuổi, có bằng cấp thì đi làm ở các công ty, xí nghiệp, do làm ở khu vực không có lương.

Cũng băn khoăn với việc trình độ cán bộ các chi, tổ hội phụ nữ còn hạn chế, phần nào ảnh hưởng đến công tác Hội, Huyện Thới Lai đã chỉ đạo mở lớp học bổ túc văn hóa cho các chị em ở một số xã để chuẩn hóa. Tuy nhiên, các lớp học này không tồn tại lâu được vì các chị em ngoài thời gian chăm lo công tác hội thì còn bận bịu con cái, gia đình… Mặc dù vậy, Huyện ủy Thới Lai cũng đã rất quan tâm đưa cán bộ nữ đi đào tạo về chính trị, yêu cầu cấp ủy địa phương quan tâm đưa cán bộ nữ đi đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, chỉ đạo Hội LHPN các cấp vận động chị em tham gia học tập, nâng cao trình độ. Ông Nguyễn Xuân Hải, Bí thư Huyện ủy Thới Lai, cho biết: “Huyện ủy rất quan tâm đến việc quy hoạch cán bộ nữ. Theo quy hoạch Ban chấp hành Đảng bộ Huyện ủy nhiệm kỳ 2015-2020 thì tỷ lệ nữ chiếm 33,87%. Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng từ vật chất lẫn tinh thần nên hoạt động của các cấp hội LHPN ở huyện tương đối đồng đều, các hội LHPN xã và chi, tổ hội hoạt động đi vào nề nếp. Thời gian tới, Huyện ủy sẽ chỉ đạo cán bộ Hội tập trung một số hoạt động, phong trào để tìm nhân tố tích cực bồi dưỡng phát triển Đảng…”.

Bà Võ Kim Thoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Cần Thơ, cho biết: “Với phương châm hướng về cơ sở, ưu tiên các địa bàn trọng điểm, nơi còn nhiều khó khăn, nửa nhiệm kỳ qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, Hội đã tập trung khai thác, vận động nhiều nguồn lực đưa phong trào và hoạt động Hội đi sâu đến cơ sở. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, trình độ năng lực, kỹ năng tuyên truyền của một số cán bộ Hội cơ sở còn nhiều bất cập, nhất là đối với cán bộ chi, tổ hội, thành phố cũng chưa có chế độ, chính sách phù hợp để khuyến khích, thu hút cán bộ trẻ đến với tổ chức Hội… Từ nay đến cuối nhiệm kỳ, Hội LHPN TP Cần Thơ cố gắng phát huy nội lực của các tầng lớp phụ nữ trong thực hiện các phong trào, nâng cao trình độ, kỹ năng cán bộ Hội, đẩy mạnh phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên…”.

Tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu công tác phụ nữ trong tình hình mới, tổ chức lãnh đạo cũng như xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể để tạo bước chuyển biến rõ rệt về hiệu quả công tác phụ nữ ở từng ngành, địa phương, đơn vị. Tin rằng với nỗ lực thực hiện chỉ đạo này, các cấp Hội LHPN TP Cần Thơ ngày càng phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, lôi cuốn đông đảo chị em tham gia xây dựng Hội, chủ động giải quyết được những vấn đề của chính phụ nữ.

Chia sẻ bài viết