22/07/2025 - 22:26

Đề án nuôi tôm nước lợ “tiếp sức” hộ nuôi tôm 

Tôm nước lợ được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Sóc Trăng (cũ) nay là TP Cần Thơ, với những lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế biển. Địa phương đã triển khai Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án đề ra mục tiêu giữ vững và nâng kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ theo hướng tăng năng suất và chất lượng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập cho người nuôi tôm.

Lợi ích của Đề án nuôi tôm nước lợ

Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được triển khai thực hiện tại một số địa phương nuôi tôm trọng điểm ở các xã: Trần Đề, Cù Lao Dung, Long Phú, Hòa Tú và  phường Khánh Hòa (TP Cần Thơ). Để hỗ trợ người dân tại các địa phương trên phát triển nghề nuôi tôm nước lợ bền vững, giảm chi phí đầu tư mùa vụ, Ban Quản lý Đề án đã triển khai các mô hình hỗ trợ đến hộ nuôi.

Tôm nuôi nước lợ là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Sóc Trăng (cũ) nay là TP Cần Thơ.

Ông Dương Thành Cận, xã Long Phú, chia sẻ: “Tôi đã nuôi tôm hàng chục năm qua và chuyển đổi mô hình từ nuôi ao đất sang nuôi tôm công nghệ cao hơn 10 năm. Tôm nuôi theo quy trình công nghệ cao phát triển rất tốt, tôm lớn nhanh, kiểm soát được dịch bệnh trên tôm nên năng suất cao hơn nhiều so với nuôi bằng ao đất; tôm thả nuôi được nhiều vụ trong năm đem về nguồn thu nhập tốt. Tôi cũng được Ban Quản lý Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ tỉnh hỗ trợ về con giống, thức ăn cho tôm và kỹ thuật nuôi, giúp giảm một phần chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận sau mỗi vụ nuôi tôm”.

Còn ông Ngô Thế Vinh, xã Trần Đề, cho biết: “Tôi có 4ha nuôi tôm, với 7 ao nuôi tôm công nghệ cao, mỗi ao nuôi có diện tích từ 1.200-1.500m2. Tôm thả nuôi 3 vụ/năm, năng suất tôm nuôi thu hoạch được từ 4-5,5 tấn/ao/vụ, bình quân sản lượng tôm 1 ao từ 12-15 tấn/năm, lợi nhuận thu về khoảng 300 triệu đồng/ao nuôi/năm. Tính đến nay tôi đã gắn bó với nghề nuôi tôm hơn 15 năm và nhờ sự hỗ trợ của ngành chuyên môn về kỹ thuật nuôi, tôi nuôi tôm thành công”.

“Đặc biệt trong năm nay, Đề án Phát triển nuôi tôm tỉnh hỗ trợ tôi con giống, thức ăn cho tôm và kỹ thuật chăm sóc tôm, đã giúp tôi giảm một phần chi phí đầu tư vụ nuôi. Số lượng con giống tôm được Đề án hỗ trợ tôi thả nuôi đã hơn 60 ngày, đang phát triển tốt, dự kiến tôm nuôi đến 90-100 ngày sẽ thu hoạch. Tôi mong muốn Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới để nghề nuôi tôm nước lợ phát triển bền vững”- ông Ngô Thế Vinh chia sẻ.

Hướng đi bền vững

Theo Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ, đến năm 2025 diện tích thả nuôi tôm nước lợ của tỉnh đạt 57.000ha, trong đó có 1.500ha mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, 40.500ha mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh; 15.000ha mô hình nuôi tôm lúa, tôm quảng canh cải tiến. Sản lượng nuôi tôm nước lợ đạt 233.800 tấn, kim ngạch xuất khẩu của thành phố duy trì đạt 1 tỉ USD.

Để đạt được kết quả trên trong năm 2025, Ban Quản lý Đề án sẽ tiến hành xây dựng 45 mô hình điểm nuôi tôm phù hợp với từng tiểu vùng sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu; có 100% cơ sở nuôi/hộ nuôi đảm bảo điều kiện về nuôi trồng thủy sản và được cấp mã số ao nuôi đối tượng nuôi chủ lực; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của 20 hợp tác xã để đạt các chứng nhận VietGAP và phát triển các mô hình hợp tác, liên kết dựa trên tổ chức các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo ra các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung. Đồng thời tạo điều kiện kết nối các doanh nghiệp tiếp cận, ký kết hợp đồng liên kết cung cấp các dịch vụ nuôi và tiêu thụ sản phẩm trực tiếp với các tổ hợp tác, hợp tác xã, để giảm giá thành sản xuất, tăng thu nhập cho cả người nuôi và doanh nghiệp.

Bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: “Để Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ triển khai thành công, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiến hành chuyển đổi cơ cấu một số vùng sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Thực nghiệm, xây dựng mô hình quản lý phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, mô hình ứng dụng công nghệ cao nâng cao năng suất và giá trị sản lượng, trong đó ưu tiên mô hình quản lý có sự tham gia và giám sát của các bên có liên quan (đơn vị quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người nuôi tôm)”.

Theo bà Quách Thị Thanh Bình, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ cũng yêu cầu ngành chuyên môn kiểm soát chặt chẽ nước thải, chất thải của các vùng sản xuất tôm giống, vùng nuôi tập trung, cơ sở sản xuất và công ty chế biến tôm trên địa bàn; thường xuyên cảnh báo về diễn biến ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt là vào mùa mưa bão để người dân chủ động bố trí sản xuất và ứng phó hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên tôm nuôi, đặc biệt tại các vùng nuôi tập trung; xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ.

Bà Quách Thị Thanh Bình cho biết, để con tôm nuôi nước lợ có đầu ra tốt, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước, thu thập thông tin về giá tôm thương phẩm để lập kế hoạch phát triển nuôi tôm và khai thác hiệu quả thị trường tiêu thụ sản phẩm tôm; khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, hội, hiệp hội chủ động triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển mở rộng các thị trường mới cho sản phẩm tôm; hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức sản xuất có kiểm soát theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng vùng, cơ sở sản xuất an toàn dịch bệnh, xây dựng thương hiệu các sản phẩm tôm.

Bài, ảnh: THÚY LIỄU

Chia sẻ bài viết