14/12/2020 - 08:16

Dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ 

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), trung bình 8 giờ trôi qua có 1 trẻ bị xâm hại tình dục (XHTD); 93% đối tượng xâm hại trẻ em là người thân quen. Con số trên cho thấy, XHTD ở trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi hơn. Tại TP Cần Thơ, thời gian qua, các cấp, các ngành, đoàn thể chú trọng giáo dục nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc, tự bảo vệ, nhằm đảm bảo cho trẻ em có môi trường sống an toàn, lành mạnh.

Cán bộ, cộng tác viên làm công tác bảo vệ trẻ em quận Bình Thủy được tập huấn kỹ năng phòng, chống XHTD trẻ em.

Thực hiện Dự án phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội năm 2020, Sở LÐ-TB&XH TP Cần Thơ đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng chống XHTD cho người làm công tác bảo vệ trẻ em, các bậc phụ huynh và trẻ em. Trong năm 2020, Sở LÐ-TB&XH thành phố đã tổ chức 9 lớp tập huấn, truyền thông về chuyển đổi hành vi, cung cấp kỹ năng, bảo vệ trẻ em cho cha mẹ; kỹ năng phòng ngừa nguy cơ, tự bảo vệ cho trẻ em; nâng cao năng lực cho cán bộ cung cấp dịch vụ, người làm công tác bảo vệ trẻ em. Qua đó, người làm công tác bảo vệ trẻ em và trẻ em được trang bị kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc, tự bảo vệ trước những hành vi xâm hại nói chung, XHTD nói riêng.

Tham gia lớp tập huấn kỹ năng phòng chống XHTD trẻ em, do Sở LÐ-TB&XH thành phố tổ chức tại quận Bình Thủy vào giữa tháng 11-2020, bà Lê Thị Ðượm, cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở khu vực Thới Ninh, phường Thới An Ðông, cho biết, lớp tập huấn cung cấp nhiều thông tin bổ ích, từ các quy định pháp luật liên quan đến công tác trẻ em, cách nhận diện các hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt là XHTD, đến việc học một số thế võ tự vệ, kỹ năng tuyên truyền. Ðây là những kiến thức, kỹ năng thiết thực, có thể vận dụng vào thực tế thực hiện nhiệm vụ bảo vệ trẻ em tại địa phương. Bà Ðượm chia sẻ: “Một số bậc phụ huynh chưa nhận thức đúng về phòng chống XHTD trẻ em, từ đó lơ là, không cảnh giác, khiến trẻ bị xâm hại. Vì vậy, cán bộ, cộng tác viên ở địa phương cần nỗ lực tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ trẻ em cho bà con hiểu rõ và chấp hành tốt”. Bà Dương Thị Lan, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Trà An, quận Bình Thủy, cho biết: “Ðối tượng bị xâm hại chiếm tỷ lệ lớn là trẻ dưới 10 tuổi, do các em còn quá nhỏ, chưa biết cách nhận diện hành vi của kẻ xấu như: dụ dỗ xem phim, hình ảnh đồi trụy hoặc làm quen bằng cách tặng đồ chơi, sau đó lợi dụng để xâm hại”.

Trẻ em bị XHTD thường bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý, gây tổn hại đến việc phát triển tâm sinh lý. Ðiểm chung của nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại là có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ lo mưu sinh, thiếu sự quan tâm, chăm sóc trẻ. Vì thế, trong năm 2020, các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành LÐ-TB&XH tập huấn chuyên đề về phòng chống XHTD cho cán bộ, cộng tác viên cấp cơ sở nhằm góp phần giúp đội ngũ này cập nhật kiến thức, trau dồi kỹ năng, thực hiện tốt nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Sở LÐ-TB&XH thành phố còn đổi mới công tác truyền thông về phòng, chống xâm hại trẻ em: tổ chức các hoạt động truyền thông, tập huấn kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em tại các địa bàn dân cư và trường học; phát tờ rơi, áp phích tuyên truyền về Luật trẻ em; thi vẽ tranh…

Cuối tháng 11-2020, Sở LÐ-TB&XH thành phố tổ chức hội thi tiểu phẩm phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, với sự tham gia của 8 đội, đại diện cho các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Ðối tượng dự thi là trẻ em ở địa bàn dân cư, học sinh đang học tại các trường học, từ 6 đến 16 tuổi. Hội thi tập trung tuyên truyền về những nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em trong gia đình, nhà trường và cộng đồng; nguy cơ trẻ em với môi trường mạng; các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em. Các sản phẩm tham gia hội thi được Ban tổ chức chọn làm công cụ truyền thông. Ðây là cách làm sáng tạo, tăng tính trực quan, sinh động trong tuyên truyền; qua đó, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các bậc phụ huynh và chính bản thân trẻ em về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, tạo môi trường để những mầm xanh tương lai phát triển toàn diện từ thể chất đến tinh thần.

Bài, ảnh: TÚ ANH

Chia sẻ bài viết