18/05/2015 - 21:06

TP Cần Thơ

Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Bài 3: Tận tụy với công việc

Trong nhiều tấm gương điển hình cá nhân có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị 03 được các cấp biểu dương, khen thưởng hàng năm, có nhiều đảng viên, cán bộ đoàn thể luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy phục vụ nhân dân. Không riêng những gương mặt điển hình mà chúng tôi giới thiệu trong bài, với hàng ngàn cá nhân tiêu biểu ở các địa phương, đơn vị, phần thưởng lớn nhất đối với họ là được nhân dân tin tưởng, quý mến.

Hết lòng vì hội viên

Chị Nguyễn Thị Mai Viên, Chủ tịch Hội LHPN xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh (bìa phải) luôn quan tâm, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: H.Vân.

55 tuổi đời và có đến 37 năm tham gia phong trào Hội Phụ nữ, với chị Nguyễn Thị Mai Viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thạnh An, công tác Hội đã trở thành một phần cuộc sống không thể thiếu với chị. Chị tâm sự: “Công tác Hội đã trở thành một niềm vui lớn với tôi. Còn sức khỏe thì tôi còn cố gắng hoạt động Hội với mong muốn hỗ trợ chị em phát triển kinh tế gia đình, ngày càng tiến bộ...”.

Năm 2008, sau khi chia tách xã Thạnh An, số hội viên trên địa bàn chỉ có khoảng 987 chị em, đời sống rất khó khăn. Trăn trở tìm hướng phát triển đời sống cho hội viên, chị Mai Viên khởi xướng thành lập các tổ, nhóm vay vốn tiết kiệm, giới thiệu chị em tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả,… 5 năm qua, Hội đã nhận ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội tín chấp cho 520 hội viên vay vốn với số tiền trên 10 tỉ đồng. Hưởng ứng phong trào thi đua Ái Quốc với chủ đề “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giảm nghèo bền vững”, Hội đã thành lập được 12 nhóm gửi tiết kiệm mỗi tháng 10.000 đồng; trong năm 2014, đã tiết kiệm 189 triệu đồng, hỗ trợ cho 68 chị vay phát triển kinh tế gia đình. Điển hình như trường hợp chị Phạm Thị Minh Thu, hội viên Chi hội phụ nữ ấp G1, trước đây gia cảnh rất khó khăn, nhờ được Hội, trực tiếp là chị Mai Viên giúp đỡ vay vốn từ một số chương trình của Ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi, phát triển đàn heo, những năm gần đây, bình quân chị có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Năm vừa qua, do giá cả thuận lợi, tiền lãi nuôi heo của chị gần 200 triệu đồng. Nhắc đến chị Mai Viên, chị Thu vui vẻ kể: “Cũng nhờ chị Mai Viên mà tôi được tiếp cận các nguồn vốn vay. Chị Viên thường xuyên đến nhà khích lệ, giới thiệu cho tôi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi”.

Chị Mai Viên tâm sự: “Qua học tập gương Bác, tôi nhận thấy Bác mong mọi người, mọi gia đình đều có cơm ăn, áo mặc, các cháu thiếu nhi đều được đến trường, gia đình ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, tôi nguyện luôn noi theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác”. Trong nhiều việc “làm theo” gương Bác, chị đã và đang thực hiện, nổi bật là việc chị cùng với tập thể Hội vận động các Linh mục, các mạnh thường quân hỗ trợ tổ chức các hoạt động từ thiện. 5 năm qua, Hội đã tổ chức tặng quà cho 565 hộ nghèo, khó khăn với số tiền 635 triệu đồng; tặng 300 lồng đèn, 1.560 phần quà cho các em thiếu nhi vui Tết Trung thu với số tiền trên 52 triệu đồng; thăm hỏi 45 chị đau bệnh với số tiền trên 31 triệu đồng; tặng nhiều phần quà cho các em học sinh vào mỗi đầu năm học mới... Với những hoạt động hỗ trợ thiết thực trên đã làm giảm đáng kể số hội viên phụ nữ nghèo trên toàn xã từ 60 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ ở thời điểm 2008; đến nay chỉ còn 5 hội viên nghèo và Hội đang tích cực hỗ trợ. Với những nỗ lực góp phần đưa phong trào Hội của xã Thạnh An ngày càng vững mạnh, hỗ trợ hội viên xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, hàng năm, chị đều nhận được nhiều Giấy khen của UBND xã, Hội LHPN huyện. Chị Mai Viên cũng là một trong những cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, giai đoạn 2011-2015 vừa được Hội LHPN TP Cần Thơ tuyên dương, khen thưởng tại hội nghị biểu dương phụ nữ điển hình tiên tiến.

Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm

“Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh” – khắc ghi lời dạy của Bác, những năm qua, chú Cao Thành Công, Ủy viên Thường vụ Hội Nông dân kiêm cán bộ giao thông thủy lợi xã Trường Long, huyện Phong Điền, luôn xông xáo vận động nhân dân thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả, những tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn… Chú Công kể, chú tham gia công tác địa phương từ năm 1975, trải qua nhiều chức vụ khác nhau và từ năm 2010 đến nay là cán bộ giao thông thủy lợi kiêm Ủy viên thường vụ Hội Nông dân xã. Chú chia sẻ: “Theo tôi, việc học tập theo tấm gương đạo đức của Bác không có gì cao xa ngoài tinh thần tận tụy, gắn trách nhiệm vào lợi ích của người dân; góp phần cùng địa phương xây dựng, đổi mới diện mạo, bộ mặt nông thôn”.

 Chú Cao Thành Công (bìa trái) thường xuyên động viên các thành viên HTX làm vườn (ấp Trường Thuận A, xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) hăng hái lao động sản xuất. Ảnh: H. VÂN

Bon xe trên tuyến đường ấp Trường Ninh được đổ bê tông thẳng tắp, ven đường hoa lá sum suê, đẹp mắt, chúng tôi được nghe nhiều bà con bày tỏ sự phấn khởi khi tuyến đường này được hoàn thành. Anh Nguyễn Hữu Thưởng, ở ấp Trường Ninh, xã Trường Long, cho biết: “Trước đây, tuyến đường này nhỏ hẹp, xuống cấp nên khó đi. Khi địa phương phát động, anh Công đến nhà vận động, gia đình tôi rất ủng hộ và hiến 25 thước đất để xây dựng tuyến đường. Từ khi hoàn thành, bà con đi lại thuận tiện, việc vận chuyển buôn bán rất dễ dàng…”. Cùng với tuyến đường ấp Trường Ninh, hơn 10 năm qua, chú Công đã cùng với chính quyền địa phương xây dựng, nâng cấp hơn 40 tuyến đường giao thông nông thôn và nhiều tuyến lộ cấp 5 đồng bằng trải qua trên 20 ấp của xã. Chú kể: “Có lần, khi công trình nạo vét kênh thủy lợi tại ấp Trường Thọ A đang thuận lợi thì có chiếc xà lan làm hư ống bọng bơm nước của người dân nên dân cản, không cho công trình tiếp tục tiến hành. Vì việc chung, dù hơn 9 giờ tối lại cách nhà gần 2 cây số nhưng tôi vẫn đến công trình giải quyết. Qua thuyết phục, được bà con đồng tình để công trình tiếp tục, tôi mừng lắm…”.

Chú Công đã cùng với tập thể thực hiện nhiều mô hình, chăm lo đời sống, cùng nông dân phát triển kinh tế bền vững. Một trong những mô hình tiêu biểu là hợp tác xã (HTX) làm vườn tại ấp Trường Thuận A. Theo chú Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc HTX làm vườn, HTX này được thành lập từ năm 1999, với 21 xã viên. 6 năm trước, HTX tưởng chừng thất bại khi mùa màng của xã viên thất bát, có người bỏ vườn để làm ruộng. Trước tình hình đó, chú Công cùng lãnh đạo HTX đi vận động, khuyến khích xã viên đổi mới giống cây trồng. Nhờ kịp thời chuyển đổi mô hình, đến nay mỗi xã viên đều có thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/ha/năm, đời sống ngày càng khấm khá. Chú Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc HTX làm vườn ấp Trường Thuận A, cho biết: “Thành công của HTX có công lớn của anh Công. Lúc HTX khó khăn nhất, anh Công đã quan tâm, động viên các anh em trong HTX hăng hái lao động, đổi mới giống cây trồng…”.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, người cán bộ 61 tuổi đời này luôn lấy tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân làm kim chỉ nam trong hành động. Với thành tích đạt được, chú Công vinh dự được nhận Huy hiệu Bác Hồ, Huy chương Vì sự nghiệp giai cấp nông dân. Mới đây, chú Công là một trong những cá nhân tiêu biểu vinh dự được Chủ tịch UBND TP Cần Thơ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc góp phần phát triển kinh tế - xã hội TP Cần Thơ, giai đoạn 2004-2013.

Dân quý, dân tin

Ông Trần Văn Tư, Chi hội Trưởng Hội Nông dân khu vực 3, phường Bùi Hữu Nghĩa, thăm hỏi đời sống nhân dân. Ảnh: Ngọc Quyên.

 

Đi trên con đường vừa trải đá sạch sẽ tại tổ 10 (Cồn Khương), khu vực 3, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, chúng tôi nhận thấy niềm vui hiện rõ trên gương mặt của nhiều người dân nơi đây. Bà Phạm Thị Thạch, 67 tuổi, người dân tổ 10, phấn khởi nói: “Nhờ ông Tư Cao đứng ra vận động bà con đóng góp ngày công lao động, cộng với sự hỗ trợ đá của phường mà tuyến đường được đổ đá sạch sẽ, không còn cảnh lầy lội khi mùa mưa”. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết ông Tư Cao mà bà Thạch cũng như các hộ dân ở tổ 10 Cồn Khương nhắc đến với tình cảm yêu mến là ông Trần Văn Tư, Chi Hội trưởng Hội Nông dân khu vực 3. Ông đã phối hợp cùng cán bộ phường, khu vực vận động nhân dân hiến đất, hoa màu làm công trình đê ngăn lũ do quận đầu tư, kéo đường điện chiếu sáng ở Cồn Khương dài 780 m, đổ đá đường giao thông dài 1.200 m. Hàng năm, khi lũ về, ông Tư Cao lại đến từng nhà vận động bà con tu sửa đê bao để phục vụ sản xuất trên cồn.

Trăn trở trước cảnh hàng chục hộ dân sống ở Cồn Khương phải sử dụng điện “câu đuôi” giá cao, chập chờn lúc có lúc không, ông Tư Cao trằn trọc suy nghĩ và thấy mình cần phải có trách nhiệm với họ. Năm 2008, ông quyết định “huy động sức dân để chăm lo cuộc sống cho dân” nên tổ chức họp bà con xin ý kiến và vận động bà con đóng góp 150 triệu đồng để kéo điện. Được sự đồng tình của bà con, ông đứng ra liên hệ với ngành điện làm các thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, do thủ tục trở ngại, mất thời gian nên một số bà con rút lại tiền đóng góp. Ông Tư Cao lại tiếp tục phối hợp với các cán bộ phường, quận tìm cách giải quyết những vướng mắc, đồng thời vận động bà con chờ đợi. Tháng 4-2009, điện được kéo qua Cồn Khương và thắp sáng cho 62 hộ dân. Bà Phạm Thị Thạch cho biết: “Lúc trước, do điện “câu đuôi” nên chập chờn lúc sáng lúc tối, giá lại cao. Nhờ ông Tư Cao nhiệt tình vận động bà con đóng góp tiền, chạy lo các thủ tục hồ sơ đúng theo quy định nên bà con mới có điện an toàn để sử dụng. Giờ sử dụng các thiết bị điện trong sinh hoạt gia đình hay bơm, tưới trong sản xuất thoải mái…”.

Ông Tư Cao tâm niệm: muốn vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, bản thân mình phải là tấm gương để họ làm theo. Ông kể, năm 1976, khi vợ chồng ông ra riêng, cha mẹ cho 1 công đất trồng rẫy. Nhờ cần cù lao động, ông mua 7 công luân phiên trồng 3 vụ rẫy, 1 vụ lúa, lãi ròng mỗi năm hơn 50 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Tư Cao còn tận tình hướng dẫn kỹ thuật, chạy lo tìm đầu ra sản phẩm cho các hội viên nông dân, rồi liên hệ với các cơ sở bán giống bao tiêu sản phẩm cho nông hộ,… 5 năm qua, ông Tư Cao luôn đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi. Ông Tư Cao bộc bạch: “Cuộc sống bản thân mình còn khó khăn thì khó nói chuyện với bà con lắm. Không chỉ nói suông mà phải bằng hành động thiết thực, bà con mới tin mà làm theo”.

Với những thành tích đạt được, năm 2009 ông Tư Cao vinh dự được Quận ủy Bình Thủy tuyên dương và trao Huy hiệu Bác Hồ. Ông Tư Cao tâm sự: “Tâm đắc lời Bác dạy cái gì có lợi cho dân, cho nước thì phải hết sức làm. Tôi nghĩ, vì lợi ích chung, mọi người cùng nhau góp sức sẽ xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển”.

NGUYỄN HUY - HỒNG VÂN

Bài cuối: Vì hạnh phúc của nhân dân

Chia sẻ bài viết