10/10/2020 - 07:34

Đáy đại dương ngập tràn vi nhựa 

Nghiên cứu mới đây của các chuyên gia thuộc Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang Úc (CSIRO) phát hiện, ít nhất 14 triệu tấn mảnh vi nhựa có đường kính dưới 5mm có thể đang nằm dưới đáy đại dương trên khắp thế giới.

Một chú rùa bị rác thải nhựa bao vây. Ảnh: Guardian

Một chú rùa bị rác thải nhựa bao vây. Ảnh: Guardian

Các chuyên gia đã thu thập và phân tích lõi đáy đại dương tại 6 địa điểm xa xôi, cách bờ biển phía Nam nước Úc khoảng 380km. Họ phân tích 51 mẫu trầm tích đại dương ở độ sâu 3km và nhận thấy rằng sau khi loại trừ trọng lượng của nước, mỗi gram trầm tích chứa trung bình 1,26 mảnh vi nhựa có đường kính dưới 5mm. Kết hợp với kết quả nghiên cứu của các tổ chức khác, các chuyên gia kết luận rằng có tới 14,4 triệu tấn mảnh vi nhựa đang ở dưới đáy đại dương trên toàn cầu.

Song, Tiến sĩ Denise Hardesty, chuyên gia nghiên cứu tại CSIRO, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết con số trên tương đối nhỏ so với lượng rác thải nhựa được thải vào đại dương mỗi năm. Nghiên cứu hồi tháng 9 ước tính, từ 19 - 23 triệu tấn rác thải nhựa đã được thải ra sông và đại dương hồi năm 2016. Một nghiên cứu khác ước tính, khoảng 250.000 tấn rác thải nhựa trôi nổi trên bề mặt đại dương. Như vậy, lượng mảnh vi nhựa dưới đáy đại dương có thể cao hơn gấp từ 34-57 lần so với lượng nhựa trôi nổi trên bề mặt đại dương.

Tiến sĩ Hardesty cho rằng việc tìm thấy các mảnh vi nhựa ở một nơi xa xôi và ở độ sâu như trên cho thấy nhựa hiện rất phổ biến, bất kể nơi đâu trên thế giới. “Điều này khiến chúng tôi dừng lại để suy nghĩ về thế giới chúng ta đang sống và tác động của thói quen tiêu dùng của chúng ta đối với nơi được coi là hoang sơ nhất. Đây là bằng chứng cho thấy chúng ta cần phải nỗ lực ngăn chặn rác thải ra đại dương và cần đảm bảo rằng đại dương không phải là một hố rác lớn” - bà Hardesty nói.

Tiến sĩ Hardesty cho hay dù không thể xác định được các mảnh vi nhựa đã tồn tại bao lâu cũng như thuộc về loại đồ vật nào nhưng hình dạng của chúng dưới kính hiển vi cho thấy chúng từng là vật tiêu dùng. Theo bà Hardesty, lượng nhựa dưới đáy đại dương tương đối nhỏ so với lượng nhựa được thải ra, qua đó cho thấy trầm tích dưới đáy biển sâu không phải là nơi “dừng chân” chính của rác thải nhựa mà phần lớn lượng nhựa được tích tụ tại các bờ biển. 

Trong bối cảnh trên, Tiến sĩ Julia Reisser, nhà sinh học biển tại Viện Đại dương Đại học Tây Úc, cho rằng cần triển khai nhiều phương pháp khoa học để tìm hiểu tác động tiềm tàng của rác thải nhựa đối với động vật hoang dã trong đại dương, bởi trong khi các mảnh nhựa lớn có thể vướng vào động vật hoang dã, các mảnh vi nhựa hoặc thậm chí nhỏ hơn có thể bị một loạt các loài từ sinh vật phù du đến cá voi tiêu thụ. Mới đây, bà Reisser cũng đã thành lập tổ chức chuyên nghiên cứu các loại nhựa mới, trong đó sử dụng rong biển làm nguyên liệu cơ bản. Hồi tháng rồi, lãnh đạo từ hơn 70 quốc gia cũng đã tự nguyên ký kết cam kết đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học, trong đó có mục tiêu ngăn chặn nhựa xâm nhập vào đại dương vào năm 2050. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là các nước lớn như Mỹ, Brazil, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Úc lại không ký cam kết này.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành như hiện nay, lượng rác thải nhựa thải ra đại dương được cho càng gia tăng, bởi từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) cho đến thành phố New York (Mỹ), lượng rác thải từ khẩu trang, tấm che mặt, găng tay, hộp đựng thức ăn mang đi…tăng mạnh. Với ước tính khoảng 129 tỉ khẩu trang, được sản xuất chủ yếu từ nhựa nhiệt dẻo polypropylene và 65 tỉ găng tay được sử dụng trên toàn thế giới mỗi tháng, việc quản lý chất thải đang trở thành thách thức ngày càng lớn đối với nhiều quốc gia trong nỗ lực đối phó với những hệ quả của COVID-19. 

TRÍ VĂN (Theo Guardian, Reuters, CNN)

Chia sẻ bài viết