Phạm Bội Anh Thuyên
Nhiều người biết Tân Hào- xã của huyện Giồng Trôm, là nơi diễn ra trận đánh lớn tại Lộ Quẹo năm Ất Dậu (1947) vang lừng nhất trong lịch sử của lực lượng vũ trang tỉnh Bến Tre. Nhưng ít ai hay nơi đây trong những ngày đầu giặc Pháp chiếm Bến Tre đã nổ ra trận đánh lớn tại chợ Hương Điểm vào ngày 9 và ngày 13- 11- 1867.
ách "Lịch sử Đảng bộ huyện Giồng Trôm" xuất bản năm 2011, ghi: Lịch sử Nam Kỳ kháng chiến ghi nhận cuộc nổi dậy chống Pháp của nghĩa quân huyện Bảo An (huyện Giồng Trôm ngày nay) là cuộc nổi dậy đầu tiên và lớn nhất ở các tỉnh miền Tây Nam Kỳ kể từ khi giặc Pháp đánh chiếm ba tỉnh ở khu vực này.
Sông Hương Điểm là nhánh phụ của sông Giồng Trôm, chảy vào các xã rộng lớn như Lương Phú, Lương Hòa, Long Mỹ rồi đổ vào Tân Hào và qua nhiều xã khác để xuôi ra dòng Hàm Luông. Giao thông đường thủy rất thuận lợi nên ngày 9- 11- 1867, khoảng bốn mươi lính mã tà do Trung úy Hải quân Palasme de Champeaux chỉ huy đi bằng đường thủy tới chợ Hương Điểm. Ngoài ra còn có Trung úy Edouard Pottier cùng nhiều thủy quân khác đi tàu chiến men theo dòng sông Hương Điểm đổ quân lên chợ này rồi lấy ngôi chùa làm nơi trú quân. Họ dự tính sáng hôm sau sẽ mở cuộc hành quân càn quét nghĩa quân ta. Tuy nhiên, nghĩa quân ta bấy giờ lợi dụng đêm tối, lại trời đổ mưa lớn, bất ngờ tấn công phủ đầu giặc. Hàng trăm nghĩa quân đã bao vây quân Pháp, khiến Palasme de Champeaux trọng thương. Được báo tin, mấy ngày sau từ Vĩnh Long và Gia Định, quan tư Ansart chỉ huy ba thuyền chiến chở 150 lính tới tiếp viện, thêm hai trăm lính mã tà bao vây trận địa Hương Điểm. Được nhân dân báo tin, nghĩa quân ta tăng cường ba trăm người, mai phục bên bờ sông Hương Điểm và bất ngờ đánh úp khi tàu giặc vừa đổ quân lên bờ. Bị tấn công bất ngờ, giặc càng thêm hiếu chiến, ngày hôm sau chúng xua quân đi ruồng bố, đốt phá, cướp bóc để trả thù trước khi xuống tàu quay về trung tâm phủ Hoằng Trị (Bến Tre ngày nay). Hành động trả thù của chúng càng khiến nghĩa quân và nhân dân ta thêm ý chí chiến đấu.
 |
Chợ Hương Điểm ngày nay. Ảnh: Anh Thuyên. |
Tuy là buổi đầu vũ khí còn thô sơ, nhưng trận đánh cận chiến, mưu trí, anh dũng của nghĩa quân và nhân dân Tân Hào và các làng lân cận như Hưng Thạnh, Hưng Phú, Hưng Lễ, Tân Thanh
như những ngọn cờ tập hợp nghĩa quân, mở đầu cho cuộc kháng chiến trên khắp chiến trường của dãy đất ba cù lao, khiến bước chân thực dân đến đây không khỏi hoang mang, lo sợ. Dù vậy, chúng vẫn không từ bỏ mưu đồ xâm lược, đánh chiếm mảnh đất lợi thế về chiến lược của Nam kỳ. Chẳng bao lâu sau chúng quay trở lại Tân Hào, ra sức xây dựng đồn lũy. Đêm 5- 2- 1868, nghĩa quân ta lại một lần nữa nhất tề nổi dậy đánh đồn Hương Điểm. Trận này để lại nhiều tấm gương anh dũng, tiêu biểu nhất là nghĩa sĩ Trương Tấn Chí (cháu của Phó tướng Long Vân hầu Trương Tấn Bửu) mang cờ xông lên, bị trúng đạn hy sinh. Hiện bài vị của ông được trân trọng thờ phụng, hương khói nơi đình thần Bình Hòa.
Sau đó không lâu, đến ngày 10- 4- 1868, nghĩa quân của hai anh em Phan Liêm và Phan Tôn (con của quan Đại thần Phan Thanh Giản) dẫn nghĩa quân đến tấn công tiếp đồn Hương Điểm. Ta khiến nhiều tướng giặc bị thương, tiêu diệt nhiều lính lệ và tay sai, nhưng cũng không tránh khỏi tổn thất bởi yếu hơn về vũ khí. Cảm kích và tiếc thương những nghĩa quân tử trận trong trận đánh lớn này, nhà thơ mù yêu nước Nguyễn Đình Chiểu từng viết văn tế nghĩa sĩ Hương Điểm. Ngoài ra, nhà thơ bút chiến Phan Văn Trị, người con của mảnh đất này, cũng sáng tác hai câu thơ ca ngợi:
Bao thuở đem về cơ nhất thống
Nghìn năm bia tạc đấng trung trinh.
Những sự kiện này đều được sử sách ghi lại. Theo sách "Địa phương chí" do người Pháp biên soạn 1929, "Bọn họ (chỉ nghĩa quân ta) xây dựng những trại trong lùm bụi rậm rất khó vào, dùng làm nơi trú ẩn, đề kháng và cũng là nơi tàng trữ lương thực. Tháng 7- 1868, người ta (chỉ Pháp) lấy được 1 trại vừa mới xây dựng nơi hoang rú Cái Mít (giáp Tân Hào). Hai đề đốc ở đó mà chỉ có 1 bị bắt và bị hành quyết".
Những ngày đầu trong công cuộc kháng chiến chống Pháp của nghĩa quân và "dân ấp, dân lân" ở Tân Hào đã thổi bùng và lan tỏa khí thế quật cường, bất khuất của dân ta. Không lâu sau, các làng như Phong Nẫm, Phong Mỹ, Châu Bình, Châu Hòa
lại nổ ra cuộc khởi nghĩa của Tán Kế- Lê Quang Quan, khiến giặc từng lúc hoang mang, chùn bước. Đồng thời nghĩa quân và nhân dân khắp nơi của phủ Hoằng Trị tham gia, giúp vũ khí, tiền bạc, lương thực cho cuộc khởi nghĩa của thủ khoa Nguyễn Hữu Huân ở Định Tường (tỉnh Tiền Giang ngày nay) suốt nhiều năm.
Do bấy giờ vũ khí của nghĩa quân ta thô sơ, không thể chống lại với tàu to súng lớn và đội quân tinh nhuệ của Pháp, nhưng tinh thần bất khuất ấy đã để lại những bài học lịch sử, những giai thoại, niềm tự hào về sự quả cảm và lòng yêu nước của những con người trên mảnh đất anh hùng Tân Hào.
---------------------------------
Sách và tài liệu tham khảo:
- Sách Nam Kỳ khởi nghĩa, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh của tác giả Nguyễn Duy Oanh.
- Sách Lịch sử Đảng bộ huyện Giồng Trôm- Sở Thông tin & Truyền thông cấp giấy phép số 10/GPXB- STTTT- 2011.
- Tài liệu Phòng Nghiên cứu lịch sử Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre.