22/10/2017 - 18:20

Dập dịch sốt xuất huyết ở “điểm nóng” 

Tính từ đầu năm đến ngày 17-10-2017, toàn thành phố có 1.035 ca sốt xuất huyết (SXH), tăng 60% so với cùng kỳ 2016. Để ngăn dịch bùng phát, thành phố xác định cần huy động kinh phí, nhân lực để dập dịch ở các “điểm nóng”.

“Căng” ở khu vực đô thị

Tính đến ngày 17-10-2017, quận Ninh Kiều có 340 ca SXH, chiếm 33% tổng số ca SXH toàn thành phố, tăng trên 75% so với cùng kỳ. Kế đến là huyện Phong Điền có 133 ca và quận Bình Thủy 111 ca. Trong tháng 9-2017, Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP Cần Thơ tăng cường công tác giám sát, kiểm tra tình hình dịch bệnh tại các xã, phường là điểm “nóng”. Đoàn của trung tâm cũng đi kiểm tra ngẫu nhiên tại nhà các hộ dân, các khu vực kém vệ sinh môi trường… để vận động người dân diệt lăng quăng, dọn vệ sinh.

Sau khi được nhóm vãng gia nhắc nhở, người dân ở khu vực 5, phường An Thới đổ dụng cụ có lăng quăng. 

Bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc TTYTDP TP Cần Thơ, cho biết: “Trong tháng 8-2017, toàn thành phố triển khai chiến dịch lần 5 (đợt I). Lãnh đạo thành phố trực tiếp chỉ đạo, giám sát nên tất cả các xã, phường ra quân đồng loạt. Sau đó, tình hình SXH có hạ nhiệt nhưng ở một vài phường còn diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát thành dịch. Trung tâm đã hỗ trợ kinh phí tiếp tục triển khai cho 6 phường của quận Ninh Kiều và 3 phường của quận Bình Thủy trong tháng 9. Trung tâm cũng cấp hóa chất cho các đơn vị này để bỏ vào cống rãnh, vật phế thải… diệt lăng quăng”.

Tại quận Ninh Kiều, số ca SXH tập trung phần lớn ở các phường: Cái Khế (40 ca),  An Hòa (43 ca), An Khánh (48 ca), Xuân Khánh (45 ca) và Hưng Lợi (49 ca). Ông Hà Thúc Nguyện, Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều, cho biết: “Ở chiến dịch lần 5, thành phố chia làm 2 đợt vào tháng 8 và 10, riêng quận Ninh Kiều làm 3 đợt (thêm 1 đợt tháng 9). Ngoài lực lượng của quận, phường và khu vực, Trường Đại học Y dược và Cao đẳng Y tế Cần Thơ đưa trên 200 sinh viên hỗ trợ quận đến các hộ dân vãng gia, phát tờ rơi, kiểm tra dụng cụ chứa nước, đổ bỏ lăng quăng, dọn dẹp vật phế thải...”.

Ngoài ra, quận Ninh Kiều cũng tổ chức phun thuốc diệt muỗi ở các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch bệnh. TTYTDP thành phố hỗ trợ kinh phí 3 phường trọng điểm là An Khánh, An Bình và Xuân Khánh. Các phường còn lại tập trung nhân lực, kinh phí cho các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Dồn sức cho “điểm nóng”

Theo bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, kinh nghiệm ở quận Thốt Nốt và huyện Cờ Đỏ, khi xã, phường nào số ca SXH tăng cao, sẽ huy động các trạm y tế ở các xã, phường lân cận, có số ca mắc SXH thấp đến “chi viện”. Họ thành lập đoàn vãng gia, kiểm tra dụng cụ chứa nước… Do lực lượng đông nên phủ hết được địa bàn. Ngoài ra, quận Thốt Nốt đầu tư trang bị hệ thống thùng loa di động để tuyên truyền ở các khu vực đông dân cư: chợ, trường học, khu vực có ca bệnh…

Theo các thành viên đoàn vãng gia, khi kiểm tra khu vực đô thị, lăng quăng thường tập trung ở các vật phế thải xung quanh nhà; còn khi kiểm tra ở nông thôn, lăng quăng thường trong các dụng cụ chứa nước và vật phế thải. Ngoài ra, những nơi người dân ít ngờ thì lại có nhiều lăng quăng như hộc nước phía sau tủ lạnh; bình cắm hoa tươi; vỏ xe (dằn trên mái nhà)… Theo cán bộ y tế, muỗi vằn hoạt động mạnh trong khoảng thời gian từ 7 giờ - 9 giờ và từ 17 giờ - 19 giờ, vì thế, phun thuốc diệt muỗi thời điểm này, hiệu quả diệt muỗi cao hơn.

Bác sĩ Huỳnh Minh Trúc cho biết: “Các năm trước, thành phố chỉ tổ chức 4 đợt chiến dịch, năm nay đến thời điểm này đã tổ chức 5 đợt chiến dịch. Mỗi chiến dịch có 2 đợt, mỗi đợt có 2 lần ra quân vãng gia. Ngoài các chiến dịch, tùy theo diễn biến của dịch, TTYTDP thành phố tăng cường giám sát, hỗ trợ kinh phí cho các địa phương nguy cơ cao tổ chức thêm các đợt vãng gia, diệt muỗi, lăng quăng”.

Đợt tháng 10 này, do số ca bệnh nằm rải rác trong cộng đồng nên TTYTDP thành phố không tổ chức phun thuốc diệt muỗi. TTYTDP thành phố cũng đang đặt mua thêm hóa chất diệt lăng quăng để cấp cho các địa phương xử lý ổ dịch SXH. Đồng thời, Trung tâm yêu cầu các quận, huyện phối hợp trạm y tế thực hiện truyền thông phòng, chống SXH vào buổi sinh hoạt dưới cờ ở các trường THCS và THPT.

Bài, ảnh: H.HOA 

Chia sẻ bài viết