15/10/2017 - 17:25

Sốt xuất huyết ở quận Bình Thủy chưa “hạ nhiệt” 

Từ đầu năm 2017 đến nay, quận Bình Thủy đã tổ chức 4 đợt chiến dịch diệt lăng quăng, muỗi, phòng, chống sốt xuất huyết (SXH) nhưng đến nay, bệnh chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. 

Cán bộ Trung tâm Y tế quận Bình Thủy tuyên truyền về bệnh SXH cho người dân.

Dập dịch ở “điểm nóng”

Ngày 12-10, toàn quận Bình Thủy ra quân chiến dịch diệt lăng quăng, diệt muỗi phòng bệnh SXH. Đợt I kéo dài từ 12 đến 14-10, đợt II từ ngày 26 đến 28-10. Đợt này, thành phố hỗ trợ kinh phí vãng gia cho 3 phường: An Thới, Bùi Hữu Nghĩa và Long Hòa.

Tại “điểm nóng” An Thới với 25 ca mắc SXH, thành viên Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe ban đầu của phường (gọi tắt là Ban chỉ đạo) đến các khu vực, cùng các lực lượng hữu quan chia thành nhiều nhóm đi vãng gia. Đoàn đến các hộ dân tuyên truyền về bệnh SXH, đổ bỏ các dụng cụ chứa nước, vật phế thải có lăng quăng. Trong thời gian này, cán bộ Trung tâm Y tế (TTYT) quận cũng đến giám sát ra quân chiến dịch ở các phường, các khu vực và ngẫu nhiên một số hộ dân. Theo một hộ dân ở khu vực 4, cán bộ phường đến tuyên truyền, phát tờ rơi phòng bệnh SXH. Gia đình có con nhỏ nên rất cẩn thận, sử dụng nhang muỗi, thoa thuốc cho các cháu nhỏ để phòng ngữa muỗi đốt.

Khi vãng gia, các thành viên Ban chỉ đạo phường An Thới sử dụng muối rải vào các vật phế thải có đọng nước để làm chết lăng quăng. Tuy nhiên, qua kiểm tra, một số hộ dân ở khu vực 5 vẫn còn chủ quan với dịch SXH, dù khu vực này có đến 9 ca SXH. Một thành viên của đoàn cho biết: “Hai tháng nay, khu vực phát sinh nhiều ca SXH, nên chúng tôi đi vãng gia liên tục. Khó khăn là nhắc đến SXH, bà con ai cũng hiểu nhưng một số hộ dân không chủ động phòng dịch; để vật phế thải như muỗng dừa, vỏ xe, lon… xung quanh nhà nhiều. Dọn hôm trước, mấy hôm sau lại tái diễn; phế thải nhiều nên chỉ một cơn mưa là đầy lăng quăng. Nhiều gia đình đi vắng hoặc chỉ có người già ở nhà, họ sợ, không dám mở cửa cho đoàn”.

Với “điểm nóng” ở phường An Thới, TTYT dự phòng TP Cần Thơ đã đến kiểm tra. Địa phương huy động lực lượng để vệ sinh môi trường, khai thông đường nước, giảm ngập nghẹt. Trung tâm tổ chức phun thuốc diệt muỗi diện rộng bằng xe cơ giới trên địa bàn phường. UBND phường hỗ trợ kinh phí thuê người phun thuốc, xăng chạy máy phun thuốc… Lý giải nguyên nhân bệnh SXH tăng, bà Vũ Thị Hoài Thanh, Phó Trưởng Trạm y tế phường An Thới cho biết: “Địa bàn rộng, dân đông. Nhiều hộ dân mua đất rồi để không, cỏ mọc, người dân quăng rác, mưa xuống, ứ đọng nước… Từ đó, phát sinh lăng quăng, muỗi, truyền bệnh SXH”.

Đẩy mạnh truyền thông học đường

Từ đầu năm 2017 đến ngày 6-10, trên địa bàn quận có 104 ca SXH, tăng 27 ca so với cùng kỳ 2016. Số ca bệnh tập trung ở các phường: An Thới, Long Hòa (22 ca), Bình Thủy (15 ca). Toàn quận có 21 ổ dịch đều được xử lý kịp thời và đúng qui định 100%. Thành phố và quận phối hợp phun thuốc diện rộng tại phường An Thới và Bình Thủy.

Theo bác sĩ Khưu Thị Thu Hoa, Phó Giám đốc TTYT quận, để ứng phó với tình hình dịch, quận đã tổ chức 4 chiến dịch diệt lăng quăng, diệt muỗi ở tất cả các phường trên địa bàn và đang triển khai chiến dịch lần 5. Lãnh đạo UBND quận, TTYT trực tiếp đến cơ sở kiểm tra ra quân chiến dịch. Khi phát hiện ca bệnh mới, lãnh đạo Trung tâm đến tận cơ sở giám sát quá trình xử lý ca bệnh, ổ dịch. Ở các phường trọng điểm, có nguy cơ bùng phát dịch SXH, TTYT dự phòng TP Cần Thơ  kiểm tra chiến dịch, đến các hộ dân kiểm tra chỉ số Breatau (dụng cụ chứa nước có lăng quăng), nếu không đạt, phải làm lại.

Cũng theo bác sĩ Khưu Thị Thu Hoa, quận Bình Thủy đẩy mạnh truyền thông về SXH trong đối tượng học sinh... Gần đây, Trung tâm phối hợp với các phường cử cán bộ đến các trường THCS và THPT trên toàn quận để tuyên truyền, phát tờ rơi về bệnh SXH. “Phòng, chống SXH chỉ thực sự hiệu quả khi người dân chủ động dọn vệ sinh trong và ngoài nhà, kiểm tra các dụng cụ chứa nước, diệt lăng quăng, diệt muỗi. Nếu người làm, người không làm thì lăng quăng, muỗi tiếp tục phát triển”. - bác sĩ Khưu Thị Thu Hoa nhấn mạnh.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết