17/08/2011 - 15:59

Đằng sau "Phiên tòa thế kỷ"

Hình ảnh ông Mubarak nằm trên giường bệnh để hầu tòa hôm 15-8. Ảnh: Reuters

Phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak tại Học viện Cảnh sát từng mang tên ông ở ngoại ô Thủ đô Cairo ngày 15-8 đã một lần nữa bị hoãn lại (lần hoãn trước hôm 3-8) tới ngày 5-9 sau khi diễn ra được vài tiếng đồng hồ. Theo chánh án Admed Refaar, tòa chấp nhận yêu cầu từ luật sư của bị cáo được phép tiếp cận và có thêm thời gian tham khảo các bằng chứng chống ông Mubarak. Tuy nhiên, ông Refaat đồng thời thông báo phiên xét xử lại lần sau sẽ không được phép truyền hình trực tiếp nữa nhằm cái mà ông gọi là “để bảo vệ lợi ích công chúng”.

Theo Tân Hoa Xã của Trung Quốc, thông báo trên của Refaat trái với những đòi hỏi của những người biểu tình vốn yêu cầu nhanh chóng xét xử công khai và minh bạch cựu Tổng thống Mubarak và thuộc cấp một thời của ông để đảm bảo tính nghiêm minh và công bằng của pháp luật. Vậy có điều gì mắc mứu đằng sau phiên tòa mà nhiều người cho là “phiên tòa thế kỷ” này?

Như nhiều nguồn tin đã đưa, Mubarak và một số người dưới trướng ông đang đối mặt với cáo buộc giết người và tham nhũng. Trong 18 ngày diễn ra các cuộc biểu tình nổi dậy chống chính phủ Mubarak từ ngày 25-1 năm nay, khoảng 846 người đã thiệt mạng và hơn 6.000 người bị thương. Những người biểu tình chống Mubarak tin rằng Mubarak và những thuộc cấp của ông phải chịu trách nhiệm cho tình trạng bạo lực đẫm máu này. Thế nhưng, Mubarak vẫn một mực chối bỏ trách nhiệm, thậm chí tuyệt thực để phản đối các cáo buộc chống lại ông và các thành viên trong gia đình của ông.

Hãng tin Pháp AFP ngày 15-8 cho biết các cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ và chống ông Mubarak đã xảy ra trước nơi xét xử ông. Họ đã ném đá vào nhau làm ít nhất 35 người bị thương. Có dấu hiệu cho thấy các cuộc đụng độ ấy ngày càng dữ dội, buộc cảnh sát phải triển khai trấn áp. Những người ủng hộ Mubarak tuyên bố họ sẽ bảo vệ cựu Tổng thống. Tân Hoa Xã số ra ngày 15-8 viết: “Mubarak 83 tuổi đã làm trỗi dậy những cảm xúc bị xáo trộn của người dân Ai Cập. Ông ấy từng được tôn xưng là anh hùng dân tộc trong cuộc chiến chống Israel vào những năm cuối thập niên 1970. Nhưng ông ấy cũng bị chỉ trích vì mối quan hệ giữa Ai Cập với Israel”.

Trong khi đó, báo Pháp Le Figaro nhận định việc xét xử Mubarak là “đánh vào biểu tượng đồng minh một thời của Mỹ và Israel trong thế giới A-rập”, đòi hỏi giới chức trách Ai Cập phải hết sức thận trọng. Có điều bất kỳ sự trì hoãn nào trong việc xét xử ông Mubarak cũng sẽ có thể làm tăng thêm căng thẳng giữa Hội đồng quân sự cầm quyền tại Ai Cập kể từ sau khi ông Mubarak từ chức và những người biểu tình đang phẫn nộ với tiến độ thay đổi mà họ cho là “chậm chạp” ở quốc gia ven sông Nile này.

KIẾN HÒA (Theo Xinhua, AFP)

Chia sẻ bài viết