12/08/2015 - 21:12

Đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài

Hỏi: Trước đây, tôi kết hôn với chồng là người nước ngoài. Vừa qua, tôi về Việt Nam sinh con. Nay, tôi muốn làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con thì liên hệ ở đâu, cần những giấy tờ nào?

Thu Thủy (ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ)

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phương Thu, Trưởng Phòng Hành chính - Tư pháp, Sở Tư pháp TP Cần Thơ, cho biết:

Thẩm quyền đăng ký khai sinh: Tại khoản 3 Điều 49 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP (ngày 27-12-2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định), việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha hoặc mẹ là người nước ngoài, còn người kia là công dân Việt Nam đang cư trú tại Việt Nam, được thực hiện tại Sở Tư pháp, nơi cư trú của người mẹ hoặc người cha là công dân Việt Nam.

Thủ tục đăng ký khai sinh: Căn cứ Điều 50 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP (trong đó có khoản 2 Điều 50 đã được sửa đổi theo quy định tại khoản 14 Điều 1 Nghị định số 06/2012/NĐ-CP ngày 2/2/2012 của Chính phủ), hồ sơ đăng ký khai sinh lập thành 1 bộ, gồm:

- Giấy tờ phải nộp:

+ Bản chính Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp hoặc giấy tờ thay thế Giấy Chứng sinh (nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực).

+ Giấy thỏa thuận của cha và mẹ đứa trẻ về việc chọn quốc tịch trong trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con. Giấy thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước mà người nước ngoài là công dân về việc chọn quốc tịch cho con là phù hợp với pháp luật của nước đó (đã được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch sang tiếng Việt).

Trong trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là người nước ngoài; nếu cha, mẹ lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con, thì cũng phải có thỏa thuận bằng văn bản của cha, mẹ theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam; trường hợp không có thỏa thuận của cha, mẹ về việc lựa chọn quốc tịch cho con (vì lý do cha, mẹ không liên hệ được với nhau), thì quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam theo quốc tịch của người cha hoặc người mẹ là công dân Việt Nam. (Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 02/6/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch).

- Giấy tờ phải xuất trình (Bản sao kèm bản chính đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực các loại giấy tờ sau):

+ Giấy Chứng nhận kết hôn của cha mẹ (nếu cha, mẹ trẻ có đăng ký kết hôn); Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu;

+ Sổ Hộ khẩu hoặc Sổ đăng ký tạm trú (đối với công dân Việt Nam ở trong nước);

+ Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú hoặc chứng nhận tạm trú (đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam).

- Văn bản ủy quyền khai sinh cho trẻ hoặc giấy tờ chứng minh mối quan hệ nhân thân (trong trường hợp ủy quyền).

Về thời hạn tiến hành: Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, cán bộ hộ tịch của Sở Tư pháp ghi vào Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, Giám đốc Sở Tư pháp ký và cấp một bản chính Giấy khai sinh cho người đi khai sinh. Bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh. Trong trường hợp cần xác minh, thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 3 ngày.

Về tên của người được đăng ký khai sinh:

Tên của trẻ em là tên Việt Nam hoặc tên nước ngoài theo sự lựa chọn của cha mẹ.

Trong trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch Việt Nam cho con, thì tên của trẻ em là tên Việt Nam (Ví dụ: Đỗ Nhật Thành) hoặc tên ghép giữa tên Việt Nam và tên nước ngoài (Ví dụ: Đỗ Nhật Randy Thành) theo sự lựa chọn của cha, mẹ. (Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 02/6/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch).

C.H (thực hiện)

Chia sẻ bài viết