24/02/2023 - 08:03

Đẳng cấp xã hội và nỗ lực xóa bỏ định kiến 

MAI QUYÊN (Theo AP, CNN)

Việc một thành phố ở Mỹ thông qua luật chống phân biệt đẳng cấp đang khiến nhiều người chú ý hơn tới một vấn nạn nhức nhối vốn bị cho là rào cản lớn ảnh hưởng quá trình phát triển của một số quốc gia và cộng đồng tôn giáo ở Nam Á, đặc biệt là Ấn Độ.

Những người ủng hộ bổ sung đẳng cấp vào luật chống phân biệt đối xử hoan nghênh khi hội đồng thành phố Seattle thông qua sắc lệnh. Ảnh: AP

Những người ủng hộ bổ sung đẳng cấp vào luật chống phân biệt đối xử hoan nghênh khi hội đồng thành phố Seattle thông qua sắc lệnh. Ảnh: AP

Đầu tuần này, Hội đồng Thành phố Seattle thông qua một sắc lệnh sửa đổi luật đô thị, trong đó thêm đẳng cấp vào luật chống phân biệt đối xử bên cạnh các danh mục như chủng tộc, tôn giáo và bản dạng giới. Đây là thành phố đầu tiên ở Mỹ cấm phân biệt đối xử dựa trên thứ bậc xã hội. Ngoài việc bảo vệ cư dân khỏi tình trạng bị áp bức dựa trên đẳng cấp ngay tại nơi làm việc, chỗ công cộng hay nhà riêng, luật mới còn cho phép mọi người khiếu nại về sự phân biệt đối xử.

Theo nhà vận động Thenmozhi Soundararajan, đây là chiến thắng và bằng chứng cho thấy cộng đồng Nam Á muốn hàn gắn cũng như thoát khỏi vấn nạn đẳng cấp. Phát biểu trong cuộc họp hội đồng thành phố, Nghị viên Kshama Sawant hy vọng những thành phố khác sẽ noi gương Seattle và đưa ra biện pháp tương tự.

Vậy chủ nghĩa đẳng cấp là gì? Đây là hình thức phân biệt đối xử ngấm ngầm thường diễn ra trong các cộng đồng Nam Á, điển hình là Ấn Độ. Từ “đẳng cấp” có nguồn gốc từ tiếng Latinh (castus), có nghĩa là “trong sạch hoặc thuần khiết”. Vào những năm 1700, “đẳng cấp” được ghi nhận trong kho từ của Ấn Độ với sự xuất hiện của người Bồ Đào Nha khi họ dùng từ “casta” để chỉ hệ thống phân cấp xã hội ở tiểu lục địa Ấn Độ.

Trải qua nhiều thế kỷ, hầu hết các học giả Ấn Độ lẫn phương Tây đều nhất trí hệ thống đẳng cấp hiện nay là một đặc trưng của Hindu giáo. Trong đó, người Hindu được chia thành 4 cấp bậc là Brahmins (đẳng cấp tu sĩ hay còn gọi đẳng cấp Bà La Môn), Kshatriyas (còn được gọi là Rajanyas, là đẳng cấp của những vương công quý tộc, chiến binh), Vaishyas (thợ thủ công, thương nhân, nông dân) và Shudras (đẳng cấp nô lệ, những người làm công việc nặng nhọc). Tuy vậy, vẫn còn một đẳng cấp thứ 5 không được công nhận chính thức là Dalit (tiện dân). Những người thuộc đẳng cấp này bị coi là “nằm ngoài xã hội”, không được vào giáo đường, uống nước giếng hay dùng chung nguồn nước với những người Hindu lớp trên; phải làm các công việc bị cho là hạ tiện như đổ phân, nhặt rác…

Vấn nạn nhức nhối

Bất kể việc phân biệt đẳng cấp đã bị cấm ở Ấn Độ kể từ năm 1948, tức một năm sau khi nước này giành độc lập khỏi ách thống trị của Anh, những người ở dưới cùng của kim tự tháp đẳng cấp vẫn bị coi thường cho đến ngày nay. Vấn nạn này cũng tồn tại ở nhiều quốc gia khác như Bangladesh, Bhutan, Maldives, Nepal, Pakistan, Sri Lanka và cộng đồng người Nam Á hải ngoại trên toàn thế giới. Nó thậm chí len lỏi trong hoạt động tín ngưỡng tôn giáo khác bao gồm Phật giáo, Cơ đốc giáo, Hồi giáo và Sikh. Theo đó, người Dalit cho biết tuy đã cải đạo sang Phật giáo, Cơ đốc giáo, Hồi giáo hoặc đạo Sikh, họ vẫn tiếp tục bị phân biệt đối xử trên khắp khu vực.

Tại Mỹ, với việc người Nam Á là một trong những nhóm nhập cư phát triển nhanh nhất, tình trạng thành kiến ​​và phân biệt đối xử theo đẳng cấp có vẻ như bắt đầu phổ biến ở xứ cờ hoa. Tuy những người bị áp bức giai cấp ở Mỹ là một phần nhỏ trong nhóm thiểu số, nhưng cách nó thể hiện không khác gì các hình thức áp bức khác dưới chủ nghĩa tư bản. Điều này đã thôi thúc những lời kêu gọi đẩy lùi sự phân biệt đối xử dựa trên đẳng cấp ngày càng lớn hơn trong cộng đồng người Mỹ gốc Nam Á và cả những người lao động nhập cư từ khu vực này.

Chia sẻ bài viết