18/10/2022 - 09:37

Dân Pháp xuống đường phản đối giá cả tăng cao 

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters, AFP)

Hàng chục ngàn người ngày 16-10 đã đổ ra đường phố ở thủ đô Paris của Pháp để phản đối tình trạng giá cả tăng vọt, trong bối cảnh đình công đòi tăng lương nhiều tuần qua tại các cơ sở lọc dầu đang thổi bùng lời kêu gọi bãi công trên cả nước.

Ông Jean-Luc Melenchon (giữa) trong cuộc tuần hành ngày 16-10. Ảnh: AP

Do ông Jean-Luc Melenchon, lãnh đạo đảng cực tả Nước Pháp bất khuất (LFI) tổ chức, cuộc tuần hành ngày 16-10 còn có sự tham gia của tác giả đoạt giải Nobel văn học 2022, bà Annie Ernaux. Ông Melenchon cho biết có hơn 140.000 người tham gia sự kiện này, trong khi phía cảnh sát đưa ra con số khoảng 30.000. Các nhà tổ chức gọi cuộc tuần hành là hoạt động “chống lại tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao và không thích ứng với khí hậu”.

Phó Chủ tịch đảng LFI Manon Aubry cho rằng tình trạng giá cả leo thang hiện nay “không thể chịu đựng được” và dẫn tới việc mất sức mua lớn nhất trong 40 năm qua ở nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu. Từng là chủ đề chính trong cuộc chạy đua tranh cử tổng thống Pháp hồi đầu năm, giờ đây chi phí sinh hoạt tăng cao đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của người dân, vượt xa các vấn đề truyền thống hơn như biến đổi khí hậu, an ninh hay nhập cư.

Mặc dù thấp hơn so với phần còn lại của châu Âu (trung bình là l0%), lạm phát của Pháp hiện ở mức 6%, nhưng vẫn làm tăng giá các mặt hàng chủ lực như thịt và mì ống. Hầu hết các lĩnh vực công nghiệp của nước này đều ghi nhận sự sụt giảm hoạt động do chi phí năng lượng tăng, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) áp lệnh trừng phạt nhiên liệu hóa thạch của Nga liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Mát-xcơ-va tại Ukraine.

Ðể đối phó, hồi hè vừa rồi, Quốc hội Pháp đã thông qua gói giảm lạm phát nhưng giải pháp này không hoàn toàn bù đắp được chi phí năng lượng tăng vọt do xung đột Nga - Ukraine. Ngoài ra, thay vì tăng lãi suất, Pháp đã quyết định sử dụng ngân sách chính phủ để người dân đối phó tình trạng lạm phát tăng cao. Phát biểu trước Quốc hội ngày 10-10, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire tuyên bố: “Trong các năm 2021, 2022 và 2023, chúng ta sẽ chi 100 tỉ euro để hỗ trợ người dân ứng phó với tình trạng giá cả leo thang”. Ðể tiếp sức người dân trong ngắn hạn, Paris cũng trợ cấp 200 euro cho các hộ gia đình dễ tổn thương. Tuy nhiên, phe chỉ trích “chê” biện pháp này không hiệu quả trong việc bù đắp những ảnh hưởng của lạm phát.

Mang động cơ chính trị?

Ông Melenchon cũng đã nối gót 4 công đoàn Pháp, kêu gọi đình công và biểu tình đòi tăng lương vào ngày 18-10.

Biểu tình ở Paris diễn ra giữa lúc CGT, nghiệp đoàn lớn nhất trong lĩnh vực công, tiếp tục tiến hành đình công đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc tại các nhà máy lọc dầu, khiến nhiều trạm bán xăng trên toàn quốc phải tạm đóng cửa. Các cuộc đình công kéo dài 3 tuần qua đã gây ra tình trạng thiếu hụt, đẩy giá nhiên liệu lên cao. GCT hôm 15-10 cho biết đã bác bỏ một đề nghị tăng lương từ “ông lớn” dầu khí TotalEnergies. Nghiệp đoàn ngành lọc dầu đã đề xuất mức tăng lương 6% từ năm tới, thấp hơn mức yêu cầu tăng 10% của CGT.

Chuyên gia kinh tế Philippe Crevel nhận định GDP của Pháp dự báo sẽ tăng 1% trong năm tới, trong khi suy thoái kinh tế đang lù lù hiện ra tại những quốc gia láng giềng, chẳng hạn như Ðức. Do vậy, ông Crevel nghĩ rằng các cuộc biểu tình hiện nay chủ yếu mang động cơ chính trị, khi cánh tả và các nghiệp đoàn muốn chống lại các chính sách của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, bao gồm kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 65.

Chia sẻ bài viết