06/05/2009 - 08:35

Dân Mỹ sống có trách nhiệm hơn

Người dân New York chọn cách thư giãn miễn phí tại Công viên Trung tâm ở khu Manhattan.
Ảnh: AP

Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế kéo dài từ gần một năm qua đã làm thay đổi sâu sắc nhận thức của dân Mỹ và nó có thể đang hình thành nên một lối sống mới ngay cả khi giai đoạn đầy khó khăn hiện nay qua đi.

Tiêu xài chừng mực, sử dụng xe ít tiêu hao năng lượng, giảm giờ làm, dành nhiều thời gian rảnh rỗi, quan tâm đến xã hội hơn tiền bạc và lợi nhuận là những thói quen mới của người dân ở đất nước có nền kinh tế lớn nhất hành tinh. Một cựu nhân viên ngân hàng HSBC cho biết trước khi bị sa thải hồi tháng 11 năm ngoái, ngoài giờ làm, anh còn “chạy xô” làm bồi bàn vào các buổi tối và ngày nghỉ cuối tuần để có thêm tiền chi trả 80.000 USD nợ trong 6 thẻ tín dụng. Trước đây, anh ăn cơm trưa và tối ở nhà hàng, đi mua sắm vào thứ bảy hàng tuần. Nhưng hiện nay, anh hài lòng với 2.256 USD/tháng trợ cấp thất nghiệp của nhà nước trong vòng một năm, trong khi dành nhiều thời gian làm chuyện vặt ở nhà và theo các lớp học xã hội ngắn hạn. Đi xin các phiếu mua hàng giảm giá, chấm dứt bỏ tiền túi cho việc giải trí và chọn các địa điểm tham quan miễn phí, hạn chế sử dụng xe hơi cũng là “tiêu chí” sinh hoạt của anh. Ở tuổi 33, anh đang nghiêm túc nghĩ đến việc đi học lại và quên đi 12 năm nghề nghiệp đã qua.

Là “xương sống” chiếm tới 70% GDP của nền kinh tế, nhưng tiêu dùng nội địa ở Mỹ đã bị giảm sút nghiêm trọng. Doanh thu bán lẻ trong tháng 3 giảm tới 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái và 61% số người được hỏi cho biết họ sẽ chi tiêu ít hơn ngay cả khi kinh tế hồi phục. Theo ông Paco Underhill, chủ tịch hội đồng cố vấn thương mại tại New York, không chỉ những người bị tác động bởi cuộc khủng hoảng mà phần lớn dân nước này đều ý thức rằng kỷ nguyên tiêu dùng vô tội vạ đã kết thúc và xu hướng chi tiêu có đắn đo đang bắt đầu. Dĩ nhiên, thói quen mới đã gây ra hậu quả lớn cho ngành công nghiệp bán lẻ. Chỉ tính riêng năm 2008, trên toàn nước Mỹ có 148.000 cửa hàng phải đóng cửa, trong đó có cả các “đại gia”. Chẳng hạn, General Growth, tập đoàn sở hữu 200 trung tâm thương mại trên toàn quốc, đã tuyên bố ngưng hoạt động.

Theo Dmitry Orlov, nhà tư tưởng Mỹ gốc Nga từng dự báo sự sụp đổ của “đế chế” Mỹ, lối sống mới của dân xứ cờ hoa đang dần dần giống với các quốc gia nghèo là ít phụ thuộc vào vật chất. Vì thế, quan niệm phải sở hữu một căn nhà lớn hơn cứ sau mỗi hai năm và mua sắm nhiều tiện nghi càng tốt bất chấp phải ôm nợ cả đời đã trở nên lạc hậu. Dòng xe hơi Mercedes được thay bằng xe lai Prius tiêu hao năng lượng thấp hơn 3 lần. Sử dụng máy bay đi gặp khách hàng được thay thế bằng cuộc họp từ xa.

Trong nỗ lực tránh sa thải lao động, nhiều công ty Mỹ bắt buộc các nhân viên của mình chấp nhận kế hoạch “thất nghiệp bán thời gian” hoặc nghỉ một ngày trong tuần hay một ngày trong tháng. Cho nên, tuần làm việc trung bình tại Mỹ đã giảm xuống còn 33,2 giờ, thấp nhất kể từ năm 1964. Nhà kinh tế ở Trung tâm vì sự tiến bộ của Mỹ, ông Heather Boushaey, cho rằng đây là cơ hội làm thay đổi mối quan hệ gia đình, giúp tái cân bằng trách nhiệm giữa các thành viên trong tổ ấm, tức là buộc họ phải học cách phụ thuộc lẫn nhau trước nguồn thu nhập cá nhân bị suy giảm. Và như vậy, người dân Mỹ có thể khám phá ra rằng tiền bạc không phải lúc nào cũng mang lại hạnh phúc.

PHÚC GIA AN (Theo Le Figaro)

Chia sẻ bài viết