29/03/2020 - 07:13

Đại học phương Tây đau đầu vì COVID-19 

Các trường đại học ở các nước nói tiếng Anh như Anh, Úc và Mỹ ngày càng phụ thuộc vào nguồn thu do sinh viên Trung Quốc mang lại. Song, trong bối cảnh các kỳ thi bị hoãn, lệnh cấm nhập cảnh được áp đặt tại nhiều nước do COVID-19, cũng như sự bất mãn của sinh viên và phụ huynh Trung Quốc trước lối hành xử của các nước phương Tây, số sinh viên Trung Quốc ghi danh theo học tại các nước này có thể giảm mạnh trong những năm tới.

Sinh viên Trung Quốc chụp ảnh khi tốt nghiệp tại Đại học Sydney hồi năm 2017. Ảnh: AFP

Tại Anh, một số sinh viên Trung Quốc tỏ ra không hài lòng trước việc các trường đại học xứ sương mù không dứt khoát chuyển sang hình thức giảng dạy trực tuyến cũng như hủy bỏ các sự kiện đông người giữa lúc đại dịch hoành hành. Trong các cuộc phỏng vấn, họ cho biết sợ bị phân biệt chủng tộc hoặc thậm chí bị tấn công khi đến lớp như trường hợp của một sinh viên Singapore hồi tháng 2 ở thủ đô Luân Đôn.

Tại Úc, nơi năm học mới bắt đầu vào khoảng cuối tháng 2, lệnh cấm nhập cảnh đối với bất kỳ ai đã đến Trung Quốc trước đó khiến hàng chục ngàn sinh viên Trung Quốc không thể sang nhập học. Giờ đây, khi Trung Quốc đã kiểm soát được COVID-19 và dịch bệnh lại bùng phát tại Úc, giới phân tích lo ngại Bắc Kinh có thể áp đặt lệnh cấm đi lại, yêu cầu sinh viên nước này không đến học tại các quốc gia dễ bị nhiễm COVID-19.

Còn tại Mỹ, khi các trường đại học xứ cờ hoa đóng cửa mà không có bất kỳ trợ giúp nào đối với sinh viên quốc tế, các sinh viên Trung Quốc phải khăn gói tìm kiếm các chuyến bay thích hợp về nước. 

Giới phân tích cho rằng cách hành xử của các trường đại học phương Tây trong đại dịch COVID-19  đã khiến danh tiếng của họ bị sứt mẻ đối với sinh viên và phụ huynh quốc tế. Hiện ở Anh, các trường đại học đang ra sức thu hút sinh viên Trung Quốc khi mà nguồn tài chính của chính phủ dành cho các trường đại học đang giảm dần giữa lúc lượng lớn sinh viên Ấn Độ chuyển sang theo học tại các trường đại học ở Mỹ. Năm ngoái, hơn 120.000 sinh viên Trung Quốc theo học tại Anh, mang về cho các trường đại học ở đây khoảng 1,75 tỉ USD. Còn tại Mỹ, khoảng 400.000 sinh viên Trung Quốc theo học tại các trường đại học nước này hồi năm ngoái. Trong khi đó, lệnh cấm nhập cảnh của Canberra có thể khiến khoảng 200.000 sinh viên Trung Quốc không thể đến học tại các trường đại học Úc, khiến họ mất khoảng 4 tỉ USD doanh thu.

Để cải thiện tình hình, một số trường đại học ở Anh đang cân nhắc triển khai các khóa học tiếng Anh trực tuyến, đồng thời cho phép sinh viên Trung Quốc hoãn việc ghi danh theo học cho đến đầu năm sau. Trong khi đó, chính quyền Anh tuyên bố sẽ gia hạn thị thực của sinh viên quốc tế trong nỗ lực nhằm thuyết phục họ ở lại nước này. Còn tại Úc, Đại học Tây Sydney cho biết sẽ trợ cấp một lần cho mỗi sinh viên Trung Quốc 1.500 AUD (tương đương 993 USD) nếu sinh viên đó quay lại Úc thông qua một quốc gia thứ ba. Đặc biệt, Đại học Quốc gia Úc tuyên bố tất cả các sinh viên Trung Quốc theo học trường này bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm nhập cảnh của Úc sẽ được hoàn trả 5.000 AUD nếu như họ vẫn đăng ký theo học sau tháng 3. Trường cũng sẽ hỗ trợ tài chính cho những sinh viên đăng ký học trực tuyến. 

Những năm gần đây, các khóa học quốc tế ngắn hạn vào mùa hè rất được các gia đình giàu có Trung Quốc ưa chuộng. Năm 2019, thị trường du lịch giáo dục trị giá lên tới 33 tỉ nhân dân tệ (4,6 tỉ USD), với khoảng 1,3 triệu trẻ em Trung Quốc tham gia kỳ nghỉ hè học tập ở nước ngoài. Tuy nhiên, kỳ nghỉ hè năm nay sẽ ngắn hơn nên học sinh Trung Quốc khó có thể có kỳ học hè ở hải ngoại.

TRÍ VĂN (Theo NYT, CNBC)

Chia sẻ bài viết