14/11/2023 - 14:51

"Đài hoa tím" về những bông hoa đẹp nhất Ngã Ba Đồng Lộc 

CÁT ÐẰNG

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm chiến thắng Ðồng Lộc (1968-2023), NXB Văn học phối hợp Công ty Sách và Truyền thông Việt Nam phát hành ấn bản đặc biệt "Ðài hoa tím" của tác giả Nghiêm Văn Tân. Ðây là tác phẩm viết về 10 cô gái Thanh niên xung phong đã hy sinh ở Ngã Ba Ðồng Lộc vào lúc 16 giờ 40 ngày 24-7-1968.

Tập truyện ký "Ðài hoa tím" lần đầu được NXB Phụ nữ xuất bản năm 1978, in 11.200 bản, tạo tiếng vang trên văn đàn. Năm 2005, NXB Phụ nữ in lại tác phẩm với tên gọi "Mười cô gái Ngã Ba Ðồng Lộc", có bổ sung thêm 2 phần vĩ thanh "Ðêm"
và "Ngày".

Ở lần phát hành này, Ban Biên tập liên hệ với gia đình tác giả in lại bản thảo nguyên bản ban đầu, lược đi 2 phần vĩ thanh, bổ sung thêm phần phụ lục hình ảnh cùng một số bài viết bình về tác phẩm, phỏng vấn tác giả, thư của gia đình Liệt sĩ…

Không chỉ là câu chuyện về cuộc sống chiến đấu bám trụ trên con đường được mệnh danh "tọa độ chết" ngày đêm oằn mình dưới "mưa bom, bão đạn", tác phẩm còn nói lên tâm tư tuổi trẻ, tình yêu và cuộc sống của những cô gái đang độ tuổi đôi mươi.

Câu chuyện bắt đầu với Tiểu đội A4, C552, P18 được điều từ Phú Lộc về Ngã Ba Ðồng Lộc. Tiểu đội gồm 16 cô gái Thanh niên xung phong do Võ Thị Tần làm đội trưởng, làm nhiệm vụ mở đường cho các đoàn xe của quân ta đi qua. Tác giả đã khắc họa lại hành trình của các cô gái trước và sau khi đến Ngã Ba Ðồng Lộc. Dù làm nhiệm vụ ở đâu, họ cũng tràn đầy sức sống, nhiệt huyết của tuổi trẻ và ý chí bất khuất kiên cường.

Ở phần đầu tác phẩm, lần lượt hoàn cảnh, chân dung, tâm tư của những cô gái hiện lên chân thực, gần gũi. Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần giỏi giang, nhanh nhẹn, thân thiện, được đồng đội yêu quý. Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc tính tình trầm lặng, ít nói nhưng giàu tình cảm với mọi người. Cô có tuổi thơ bất hạnh, lấy chồng năm 18 tuổi nhưng sớm góa bụa khi chồng mất sau một tai nạn trên sông. Nguyễn Thị Xuân, thường gọi Xuân Vĩnh Lộc có mối tình đẹp nhưng đầy trắc trở với anh công binh tên Vĩnh. Nguyễn Thị Nhỏ có số phận kém may mắn nên lúc nào cũng khao khát hạnh phúc. Ngày cô hy sinh, cũng là lúc cô vừa có rung động đầu đời với anh tài xế xe xích ngay trên đoạn đường tiểu đội cô làm nhiệm vụ. Cứ thế, lần lượt các cô gái được giới thiệu về tính cách, hoàn cảnh sống. Mỗi người một vẻ nhưng tất cả chung một chiến hào, chung một lý tưởng, chung một ý chí. Họ giúp đỡ và che chở lẫn nhau, sẻ chia tâm sự cùng nhau, tạo nên một gia đình thứ hai trên chiến trường khốc liệt.

Ngày được cấp trên điều về Ngã Ba Ðồng Lộc, dù biết là nơi đi dễ khó về, nhưng cả Tiểu đội A4 đều đồng tâm nhất trí nhận nhiệm vụ, không ngại khó, ngại khổ. Tinh thần chiến đấu luôn dâng cao, các cô không nghỉ ngơi dù được cấp trên tạo điều kiện, các chị em đều đề nghị được ra tiền tuyến ngay… Hoặc khi được yêu cầu phải thông đường ngay trong buổi chiều để đoàn xe đi gấp, thay vì làm vào ban đêm như mọi khi, Tiểu đội ngay lập tức lên đường dù không đủ quân số vì 6 người đang thực hiện nhiệm vụ nơi khác.

Trong buổi chiều định mệnh ấy, 10 cô gái: Tần, Cúc, Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh trên đường ra vị trí làm nhiệm vụ còn vui vẻ trêu đùa nhau. Thế mà, chỉ ít lâu sau, khi đang san lấp mặt đường, máy bay Mỹ thả bom ác liệt, các cô gái vào hầm trú ẩn và dưới sự công phá dữ dội của các quả bom, họ đã bị vùi lấp hoàn toàn trong đất. Các cô ra đi mãi mãi trong sự tiếc thương vô bờ của đồng đội, của quê hương, đất nước. Sự hy sinh và câu chuyện về lòng can đảm của các cô đã truyền lửa cho những thế hệ sau, trở thành sức mạnh và động lực để những lớp trẻ sau không ngừng phấn đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những trang viết chân thực, sinh động của tác giả đã góp phần khắc họa nên những tượng đài bất tử của 10 cô gái trong lòng người đọc qua bao thế hệ, tạo nên một bản tráng ca hào hùng về những bông hoa đẹp nhất nơi địa danh lịch sử đã đi vào huyền thoại của dân tộc.

Chia sẻ bài viết