22/10/2023 - 10:47

Dã quỳ ươm nắng 

Truyện ngắn: Tuyết Luôn Võ

Tôi lên chuyến xe khách đến với thành phố ngàn hoa cùng chiếc máy ảnh và balo có vài bộ quần áo. Gió lạnh từ cửa sổ phả vào mặt đánh thức tôi đang mơ màng. Không khí mát mẻ thông báo cho tôi biết đã đến xứ sở mộng mơ. Niềm vui và sự háo hức của những người cùng chuyến xe cũng làm tôi rộn ràng theo.

“Anh ơi! Mua vé số không anh”, đang loay hoay chụp ảnh giữa sắc hoa dã quỳ vàng rực rỡ, bất chợt một giọng nói trong trẻo ngây thơ vang lên làm tôi quay người lại. Một cậu bé trên tay cầm xấp vé số dày cộm nhìn tôi mỉm cười. Tôi bị thu hút bởi đôi mắt tròn xoe và vẻ ngoài sạch sẽ đáng yêu của cậu nhóc. Tôi không có thói quen mua vé số vì vậy tôi lấy từ trong ví ra vài tờ mười ngàn đồng cùng vài viên kẹo trong túi áo, đặt vào bàn tay nhỏ của cậu nhóc: “Anh không mua vé số nhưng anh tặng em này”. Cậu nhóc nhìn tôi trân trân rồi tắt hẳn nụ cười, ỉu xìu dúi tiền lại vào tay tôi: “Em bán vé số mà. Không phải ăn xin ạ”.

Tôi ngẩn người nhìn theo bóng dáng cậu nhóc khuất dần theo dòng người trên phố. Nhìn mấy viên kẹo và tờ tiền trong tay, tôi cười khổ. Vì công việc, tôi đi nhiều nơi, gặp qua biết bao người bán vé số rong ruổi khắp phố, cả lúc nắng chang chang hay những đêm mưa gió bão bùng. Tôi cũng thường tặng ít kẹo bánh cùng chút tiền lẻ cho những người mời tôi mua vé số. Có những người lớn tuổi, họ sẽ nhận rồi mỉm cười cảm ơn, cũng có những người nhất quyết từ chối rồi quay người đi rất nhanh. Nhưng với những đứa trẻ ngây thơ thì đa phần đều nhận rồi mỉm cười rạng rỡ với tôi. Trường hợp của cậu nhóc ban nãy là lần đầu tôi gặp, nên tôi hụt hẫng và có chút gì đó khó tin một đứa trẻ có thể nói ra những lời xót xa như thế.

*

*      *

“Nãy có người cho tiền Tí mà nó không lấy”, Thiện kéo thằng Tâm lại kể. Cả ba cùng xóm, cùng trường, cùng hoàn cảnh khó khăn, nên sau giờ học thì đi bán vé số phụ giúp gia đình. Nhưng nhà Thiện và Tâm có phần đầy đủ và hạnh phúc hơn nhà Tí. Nhà Tí chỉ có hai mẹ con nương tựa nhau trong căn nhà nhỏ lụp xụp. Tâm tới gần nhìn xấp vé số trước mặt Tí, nói: “Tí chia qua hai đứa tui đi bán tiếp cho. Còn một đống vầy lại lỗ vốn của mẹ Tí nữa cho coi”.

Tí cúi đầu, những giọt nước mắt lăn dài trên gò má, xa xa mây đen kéo đến giăng màn u ám trên đỉnh đầu, giọng nức nở: “Tâm với Thiện còn chưa bán hết vé số của mình mà...”. Gió nhẹ nổi lên, những hạt mưa đầu tiên rơi xuống hòa vào giọt nước mặn chát trên gương mặt trẻ thơ của Tí. Tí đứng phắt dậy, nhét xấp vé số vào túi nhỏ đeo trước ngực rồi chạy ù đi tìm chỗ trú mưa. Thiện cũng lo lắng chạy theo Tí.

Tí đứng nép người bên cạnh trụ rút tiền ở ngân hàng, để tránh tạm cơn mưa bất thình lình của Ðà Lạt. Tí len lén nhìn người thanh niên trẻ tuổi đang đưa tấm thẻ nhỏ vào máy rồi chỉ vài giây sau tiền từ cái máy đó nhả ra. Tí ước sau này mình cũng có cái thẻ như vậy tặng mẹ, mẹ cần gì cứ ra đây chìa thẻ vào cái máy để lấy tiền, không cần phải làm lụng vất vả phơi nắng phơi sương dẫu đêm hay ngày nữa.

*

*      *

Tôi bước ra khỏi trụ ATM, ngạc nhiên khi lần nữa gặp lại cậu nhóc bán vé số lúc nãy. Ðà Lạt không lớn nhưng để hai người xa lạ gặp nhau lần nữa giữa dòng người thì phải có cái duyên. Tôi nghĩ mình có duyên với cậu nhóc đáng yêu này. Mưa nặng hạt hơn và dường như phải rất lâu nữa mưa mới tạnh được.

Tôi ngồi chồm hổm bên cạnh cậu nhóc lân la trò chuyện. “Chào em, lại gặp em nữa nhé. Em đã bán hết vé số chưa?”. Cậu nhóc không trả lời tôi, nhưng cậu bạn bên cạnh nhanh miệng trả lời thay: “Tí còn nhiều vé số lắm anh. Trời còn mưa lớn nữa. Chút nữa là đến giờ xổ rồi. Hôm nay mẹ Tí lỗ vốn nữa là chắc. Anh mua giúp vé số cho Tí đi, sẵn mua giúp em với...”, cậu bạn cười hì hì rồi cầm tay Tí đưa xấp vé số đến trước mặt tôi, tay còn lại không quên chìa mấy tờ của mình ra.

Tôi mỉm cười nhìn cậu bạn lém lỉnh, giúp bạn cũng không quên tự giúp mình. Tôi mua giúp cậu bạn hết mấy tờ vé số còn lại. Rồi tôi lại nhìn Tí. Cậu bé giờ ôm xấp vé số vào lòng, vẫn cúi đầu không quan tâm gì đến tôi: “Tí đưa vé số anh mua giúp cho, lần này anh mua thật”.

Tí ngẩng đầu nhìn tôi, đôi mắt đỏ hoe, trên khóe mi vẫn còn đọng vài giọt nước. Tí lí nhí hỏi tôi: “Anh mua thật không ạ?”. “Thật”, tôi gật và xoa đầu Tí. Tí lấy trong túi ra xấp vé số dày cộp đưa cho tôi, tôi sững sờ, vé số của Tí còn quá nhiều vào giờ này. Cậu bạn Tí có lẽ thấy tôi ngạc nhiên, nên giải thích: “Hôm nay Tí ra bán trễ hơn em vì Tí đi học tăng cường để thi học sinh giỏi đó anh. Tí học giỏi dữ lắm”.

Tôi lấy mười lăm tờ vé số, rồi cầm tờ hai trăm ngàn đồng đưa cho Tí, nói không cần thối lại. Nhưng cậu nhóc lắc đầu lục lọi trong chiếc túi nhỏ một lúc, gom đủ năm mươi ngàn kiên quyết trả lại tôi. Tôi cười khổ, lấy thêm năm tờ vé số nữa rồi trả lại tiền cho Tí. Ðây là lần đầu tiên tôi mua vé số và mua nhiều như vậy. Mấy người đang trú mưa bên cạnh nhìn thấy hành động của Tí đều tấm tắc khen, rồi mọi người cũng chung tay mua giúp Tí hết số vé số còn lại. Tí mừng rỡ xếp mấy tờ tiền lại cho gọn gàng rồi cất kỹ vào chiếc túi nhỏ đeo trước ngực.

“Tí ơi! Ra về với mẹ này”. Theo hướng tiếng gọi, qua màn mưa tôi nhìn thấy người phụ nữ bên chiếc xe đạp cũ, phía sau chở một thúng gì đó được bao bọc bởi tấm cao su cho khỏi ướt mưa. Người phụ nữ đang vẫy tay mỉm cười gọi Tí. Tôi nghe tiếng Tí gọi mẹ đầy vui vẻ rồi chạy nhanh ra chỗ người phụ nữ. Người phụ nữ lấy một chiếc áo mưa màu xanh ra mặc cho Tí. Chiếc áo mưa vừa mới vừa đẹp, đối nghịch hoàn toàn với chiếc áo mưa đã có vài chỗ rách, bạc màu của người phụ nữ. Tí được người phụ nữ đỡ lên yên trước xe ngồi rồi bà dắt xe cùng Tí tiến về phía trước. Giữa gió lạnh mưa rào, tôi lại thấy ấm áp vì Tí tuy phải sớm mưu sinh, nhưng cậu nhóc có mẹ thương yêu, được dạy dỗ và học hành.

*

*      *

“Khi nào con về? Trên Ðà Lạt có mưa không con? Gặp mưa thì nhớ đụt mưa, đừng có ham công tiếc việc này kia để rồi bệnh nữa nghe không?”, mẹ tôi liên tục căn dặn nhắc nhở qua điện thoại, tôi thì liên hồi vâng dạ. Công việc khiến tôi thường xuyên phải xa nhà rong ruổi làm việc khắp các tỉnh thành. Mấy lần phơi nắng dầm mưa bị sốt nằm vật vã ở phòng trọ hay khách sạn, mẹ tôi không biết thì thôi, biết là bằng mọi giá bắt xe tìm đến nơi chăm sóc tôi. Tôi đã gần ba mươi tuổi, nhưng mẹ vẫn nghĩ tôi còn nhỏ dại, khờ khạo không biết tự chăm sóc mình.

“Anh ơi! Mẹ em kêu em tặng anh cái này. Cảm ơn anh hôm qua đã giúp đỡ em”, Tí không biết khi nào đã đi đến bên cạnh tôi, cậu nhóc nhìn tôi với nụ cười ngây thơ trong sáng. Tôi hít nhẹ mùi hương thoang thoảng từ giỏ hoa nhỏ Tí đưa cho tôi. “Giỏ hoa em làm đúng không?”, tôi hỏi. “Xấu hả anh? Mẹ nói em phải tự làm để bày tỏ tấm lòng của mình”, Tí lí nhí trả lời. Tôi cười xoa đầu cậu nhóc. Tôi đoán mẹ cậu nhóc là người hiền lành và sống rất tình cảm. Bởi vì bà ấy đã dạy dỗ tỉ mỉ những điều hay qua những việc rất nhỏ cho đứa con bé bỏng của mình.

“Mẹ em còn dặn nếu anh không nhận vì ngại là đàn ông mà cầm giỏ hoa giữa phố, thì nói đem về tặng mẹ anh. Mẹ em nói anh tốt bụng như vậy, chắc chắn mẹ của anh hiền và thương người lắm”. Tôi mỉm cười nhận lấy giỏ hoa. Tí cười tít mắt vụt chạy đi, tôi dõi mắt nhìn theo. Xa xa giữa hai bên hoa dã quỳ ngập lối, có người phụ nữ mỉm cười dang tay đón Tí.

Tôi tự nhủ, mùa hoa dã quỳ năm sau nhất định tôi sẽ đưa mẹ cùng lên Ðà Lạt để thưởng thức vẻ đẹp vàng ươm này.

Chia sẻ bài viết