|
Chân dung hải tặc Somalie.
Ảnh: ForeignPolicyJournal |
Kỳ 2: Con đường trở thành hải tặc
Kỳ 1: Có một “thủ đô” hải tặc ở Somalie
Cuộc sống gian khổ đẩy nhiều ngư dân Somalie đến với nghề cướp biển - đó là thực tế không thể bàn cãi. Nhưng nguyên nhân người dân Somalie trở thành hải tặc đâu chỉ có vậy...
Hải tặc từ lâu đã trở thành sự chọn lựa hấp dẫn đối với một bộ phận giới trẻ Somalie, lớn lên ở đất nước xung đột, thiên tai triền miên, đói kém khắp nơi, không biết một chữ bẻ đôi mà chỉ thạo dùng súng đạn. Gần 20 năm qua, Somalie đã trải qua 14 đời chính phủ lâm thời, và đó cũng là ngần ấy thời gian người dân chứng kiến những cuộc giao tranh ác liệt giữa quân chính phủ và lực lượng Hồi giáo nổi dậy. Chính phủ không ngừng tuyển mộ thanh niên tham gia nội chiến. “Thanh niên Somalie không có công ăn việc làm lẫn trình độ học vấn, vì thế họ tìm cách để xoay xở cuộc sống và trở thành hải tặc là cách kiếm tiền dễ nhất”, Salim Saeed - phóng viên thường trú ở tỉnh Puntland gần “thủ đô hải tặc” Eyl ở miền Bắc Somalie - nhận xét.
Trên 2/3 lực lượng lao động Somalie làm trong ngành nông nghiệp nhưng hạn hán và đói kém liên tục suốt 2 thập niên qua khiến họ không còn đất và nguồn nước để canh tác, buộc hàng nghìn người phải tha phương cầu thực. Trong khi đó, với đường bờ biển dài 3.000 km, đánh bắt hải sản mặc nhiên trở thành nghề lý tưởng của người dân Somalie, đặc biệt khi đại đa số người dân sinh sống ở vùng duyên hải. Thế nhưng các vùng biển của Somalie luôn bị tàu đánh cá nước ngoài xâm chiếm, tước đi nguồn sống của hàng vạn ngư dân.
Các quan chức Liên Hiệp Quốc cho rằng chính tình trạng khai thác trái phép bừa bãi của các công ty đánh bắt nước ngoài trên vùng biển Somalie đã khai sinh ra nạn cướp biển ở đất nước vùng Sừng châu Phi này. Đó là phản ứng cực đoan của ngư dân khi thấy “nồi cơm” của mình bị tàu đánh cá nước ngoài cướp mất. Theo Lực lượng Đặc nhiệm Biển khơi - tổ chức phi chính phủ về chống đánh bắt trái phép trên biển khơi, có trụ sở tại Luân Đôn (Anh), các tàu thuyền đánh bắt trái phép mỗi năm khai thác nguồn lợi hải sản trị giá 450 triệu USD ở hải phận Somalie.
“Chúng tôi thường thả lưới trên biển vào ban đêm và sáng hôm sau quay trở lại thu hoạch, nhưng tới nơi chúng tôi chứng kiến tàu đánh cá lớn đang phá bỏ lưới của mình”, Ali, ngư dân Somalie từng theo nghề cướp biển năm 2004 sau nhiều lần đụng độ với tàu đánh cá nước ngoài, kể lại. Khi Ali và đồng nghiệp tiến gần tàu đòi lại lưới thì bị người trên tàu tạt nước sôi và nổ súng làm chìm thuyền. Rút kinh nghiệm, từ đó về sau khi ra biển, Ali và các ngư dân khác đều mang theo khẩu AK-47 và súng phóng lựu để tấn công tàu thuyền đánh bắt trái phép. “Lúc đầu chúng tôi chỉ cướp tàu đánh cá trái phép và đòi tiền chuộc để trang trải chi phí điều trị cho những người bị thương. Tổng cộng chúng tôi đã cướp 16 chiếc tàu”, Ali, 24 tuổi, kể tiếp.
Thời gian đầu, Ali và đồng bọn rọi đèn pin vào tàu mà chúng định cướp nhưng sau đó, chúng bắt đầu chuyển sang sử dụng điện thoại vệ tinh. Không lâu sau đó, băng nhóm của Ali được các nhà đầu tư tài trợ thực phẩm và nhiên liệu để thực hiện các phi vụ đánh cướp. Ali cho biết, tiền kiếm được rất nhiều nhưng anh quyết định buông súng, bởi việc ngăn chặn tàu thuyền nước ngoài đánh bắt trái phép “đã trở nên dơ bẩn”. “Bạn bè của tôi bắt đầu chuyển sang tấn công cả tàu chở hàng của LHQ đến cứu trợ cho chính đồng bào của mình, và tàu chở hàng hóa, thậm chí là tàu của chính người Somalie. Hành động đó thật vô lương tâm”. Sau khi từ bỏ nghề hải tặc, Ali sang Thủ đô Nairobi (Kenya) mở cửa hiệu buôn bán nhỏ.
Điều cần lưu ý là kể từ khi xuất hiện hải tặc thì vùng biển Somalie đã thôi không còn là ngư trường công cộng, cũng như bãi rác thải hạt nhân và công nghiệp toàn cầu. Trước đây, tình trạng vùng biển ngoài khơi Somalie trở thành bãi đổ rác độc hại công cộng từng được ngư dân và các tổ chức xã hội ở nước này nhiều lần lên tiếng nhưng chỉ nhận được sự im lặng của cộng đồng quốc tế.
VIỆT QUỐC
(Theo ForeignPolicyJournal, HuffingtonPost, The Times, Washington Post)
(Kỳ tới: Mắt xích ở Luân Đôn)