08/03/2021 - 08:15

Cuộc sống vất vưởng của hàng triệu trẻ di cư châu Á 

Trong nhiều thập kỷ qua, các nền kinh tế châu Á chủ yếu dựa vào lực lượng lao động nhập cư giá rẻ để làm những công việc chân tay. Từ những người lái xe kéo đến công nhân xây dựng, hàng triệu công nhân nhập cư đang ra sức làm việc tại các nền kinh tế mới nổi, đổi lại họ gửi về quê nhà hàng tỉ USD kiều hối. Tuy nhiên, họ cũng dễ bị lạm dụng và bóc lột khi không được quyền tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong khi phải sống trong những chỗ ở chật chội.

Trẻ nhập cư Myanmar tại Thái Lan. Ảnh: Nikkei

Đối tượng dễ bị tổn thương nhất

Và hàng triệu trẻ em đã bị ảnh hưởng bởi làn sóng di cư trên. Một số phải vượt biên một mình hoặc cùng gia đình, số khác thì bị cha mẹ bỏ lại nhà. Ðối với những đứa trẻ theo cha mẹ ra nước ngoài, cuộc sống của chúng gặp không ít khó khăn, bởi hầu hết các em không được mạng lưới an sinh xã hội bảo vệ, từ đó đối mặt với nhiều rào cản trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, thậm chí đối mặt với rào cản ngôn ngữ cũng như bị kỳ thị. Giờ đây, những đứa trẻ này và gia đình phải đương đầu với một mối đe dọa mới từ đại dịch COVID-19.

Trước khi đại dịch bùng phát, trẻ em di cư ở châu Á là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất hành tinh. Chúng đã phải bôn ba theo cha mẹ trong nỗ lực tìm kiếm việc làm để thoát khỏi cảnh khốn cùng. Ða phần các em tồn tại trong bóng tối xã hội, gặp phải nhiều khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, thường xuyên có nguy cơ bị lạm dụng và bóc lột. Và sau khi đại dịch nổ ra, nhiều thị trường lao động sụp đổ, khiến người lao động nhập cư và gia đình lâm vào cảnh nghèo đói, một số trường hợp không có tiền mua vé máy bay về nước.

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy các vấn đề về tài chính do COVID-19 mang lại đã làm gia tăng căng thẳng trong các gia đình nhập cư, khiến trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, phải hứng chịu bạo hành. Một số trẻ thậm chí bị ép làm việc hoặc kết hôn sớm để giúp gia đình trong cơn nguy kịch về tài chính.

Theo tờ Guardian, lao động nhập cư chiếm 37% lực lượng lao động ở Singapore, 15% ở Malaysia và 11% ở Thái Lan. Trong khi đó, ở một số quốc gia như Bangladesh, Indonesia, Nepal và Philippines, lượng kiều hối đóng góp đáng kể vào GDP các nước này.

Hiệp ước toàn cầu còn trên giấy

Tháng 12-2018, hơn 150 nước, gồm phần lớn các quốc gia ở châu Á, chính thức thông qua Hiệp ước toàn cầu về di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên để bảo vệ quyền của người nhập cư. Trong đó, phương pháp tiếp cận “lấy trẻ em làm trung tâm” của hiệp ước được nhiệt liệt hoan nghênh. Ðáng chú ý, hiệp ước vạch ra cách xây dựng đất nước dựa trên lợi ích của việc di cư và đưa ra hướng giải quyết các rủi ro mà những người vượt biên phải đối mặt trong hành trình tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, tính hiệu quả mà hiệp ước mang lại chỉ nằm…trên giấy ở nhiều quốc gia, bởi đa phần hiệp ước được thực thi kém. Ðơn cử như ở Malaysia và Indonesia, trẻ em nhập cư có thể bị giam giữ tại các trung tâm giam giữ chật chội trong thời gian dài trước khi bị trục xuất. Ðiều này được xem là tàn nhẫn, gây tổn hại đến sự phát triển của trẻ, đồng thời vi phạm luật pháp quốc tế.

Do đó, chính phủ các nước được khuyến khích ban hành luật để đưa người nhập cư vào mạng lưới an sinh xã hội quốc gia, trong khi giáo viên và nhân viên y tế cần phải được tập huấn để có thể thấu hiểu nhu cầu của trẻ em nhập cư. Quan trọng hơn hết, chính phủ các nước phải chấm dứt việc hình sự hóa và giam giữ trẻ em nhập cư, qua đó cần đưa ra các biện pháp thân thiện với trẻ và ít gây hại hơn. Ðặc biệt, trẻ em nhập cư phải được đưa vào và ưu tiên trong các kế hoạch ứng phó COVID-19 quốc gia, gồm cả việc tiếp cận vaccine và cần được cung cấp hỗ trợ cần thiết để có thể sống sót qua cuộc khủng hoảng hiện nay.

 TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết