10/03/2020 - 07:04

Cuộc phiêu lưu giá dầu của Saudi Arabia 

Thay vì cắt giảm sản lượng khai thác nhằm ngăn chặn đà xuống giá của dầu mỏ, Saudi Arabia lại bất ngờ thông báo nâng hạn ngạch sản xuất và hạ giá dầu xuất khẩu, khiến thị trường “vàng đen” chao đảo nghiêm trọng nhất từ hàng thập niên qua. Điều gì dẫn đến quyết định kỳ lạ của Riyadh?

Thái tử Mohammad bin Salman Al Saud. Ảnh: Getty Images

Trong phiên giao dịch trưa 9-3 tại Luân Đôn (Anh), giá dầu Brent biển Bắc giảm 12,23 USD, tương đương 27%, còn 33,04 USD/thùng. Trên sàn giao dịch New York (Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) giảm 11,88 USD, tương đương 29%, xuống còn 29,4 USD/thùng. Thậm chí có thời điểm giá dầu WTI rớt xuống còn 27,34 USD/thùng - mức thấp nhất từ tháng 2-2016; giá dầu Brent giảm đến 31,5%, còn 31,02 USD/thùng. Đây là mức giảm đột ngột lớn nhất kể từ chiến tranh Vùng Vịnh lần 1 năm 1991. Biến cố giá dầu diễn ra sau khi tập đoàn dầu mỏ quốc gia Aramco của Saudi Arabia hôm 7-3 thông báo sẽ nâng sản lượng khai thác lên mức hơn 10 triệu thùng dầu thô/ngày vào tháng 4, đồng thời giảm giá xuất khẩu cho tất cả khách hàng. Nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới đang khai thác 9,7 triệu thùng dầu/ngày và có khả năng nâng công suất lên 12,5 triệu thùng/ngày. Nếu không có gì thay đổi, các chuyên gia dự báo giá dầu có thể giảm xuống đáy 20 USD/thùng.

Chiến thuật gây áp lực

Nhiều ý kiến cho rằng quyết định kỳ lạ của Riyadh là chiến thuật gây sức ép lên Nga, nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới, sau khi Mát-xcơ-va không chấp nhận cắt giảm thêm sản lượng dầu khai thác tại cuộc họp khẩn cấp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác tại Vienna (Áo) hôm 6-3. Tại đây, Saudi Arabia đề xuất OPEC và các nước liên kết cắt giảm sản lượng 1,5 triệu thùng/ngày vào tháng 4, đồng thời duy trì thỏa thuận giới hạn dầu khai thác có từ nhiều năm qua cho đến hết năm nay. Kiến nghị của Riyadh nhằm ngăn chặn đà tuột dốc của giá dầu dưới tác động của nền kinh tế toàn cầu co cụm do dịch COVID-19 lan rộng khắp thế giới.

Dmitry Dolgin, trưởng nhóm kinh tế của Ngân hàng ING ở Mát-xcơ-va, giải thích rằng Nga không muốn cắt giảm sản lượng dầu khai thác bởi nước này đã có kế hoạch tăng chi tiêu sau nhiều năm “thắt lưng buộc bụng” và đang được hưởng lợi trong xuất khẩu dầu mỏ vì đồng rouble giảm giá. Năm 2014, Nga và Saudi Arabia bắt tay thúc đẩy OPEC và các đối tác tăng sản lượng dầu khai thác nhằm triệt hạ các công ty dầu đá phiến của Mỹ. Cuối năm 2014, giá dầu rơi xuống dưới ngưỡng 30 USD/thùng. Mức giá này đã làm các công ty dầu đá phiến Mỹ lao đao do chi phí sản xuất cao hơn dầu mỏ thông thường.

Tuy nhiên, việc giá dầu thế giới ở mức thấp kéo dài cũng khiến nguồn thu của các nước xuất khẩu dầu mỏ, trong đó có Nga và Saudi Arabia, chịu thiệt hại nặng. Vì thế năm 2016, hai nước này lại liên kết thúc đẩy OPEC và các đối tác ký thỏa thuận cắt giảm hạn mức khai thác. Giá dầu tăng trở lại cũng giúp các công ty dầu đá phiến phát triển và nhờ đó Mỹ đã trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới.

Trước tình thế giá dầu rớt thê thảm, giới phân tích cho rằng Nga và Saudi Arabia sẽ sớm trở lại đàm phán cắt giảm sản lượng dầu.

Con dao hai lưỡi

Saudi Arabia là nước có chi phí khai thác dầu mỏ thuộc dạng thấp nhất thế giới nên nước này có thể thực hiện chiến lược gọi là “chạy đua xuống đáy” như đã từng làm và phát huy tác dụng năm 1985.  Tuy vậy, hành động này hiện nay có thể bị coi là cuộc phiêu lưu chính trị trong bối cảnh Riyadh đối mặt nhiều thách thức lớn.

Quyết định trên đã đẩy giá cổ phiếu của tập đoàn Aramco giảm 10%. Thị trường chứng khoán Riyadh cũng giảm hơn 9%. Trong khi đó, ngoài theo đuổi cuộc chiến tốn kém tại Yemen, chính quyền hoàng gia do Thái tử Mohammad bin Salman Al Saud nắm vai trò chủ đạo đang phải đối phó với dịch COVID-19 lan rộng. Bản thân Thái tử Mohammad cũng phải đối mặt với sự nghi ngại về vấn đề thanh trừng chính trị chưa có hồi kết trong nội bộ hoàng gia. Chưa hết, chính quyền Riyadh trong vài năm qua liên tục thâm hụt ngân sách do phải thực hiện các chương trình phát triển kinh tế đầy tham vọng theo tầm nhìn đa  dạng hóa nền kinh tế đến năm 2030 của Thái tử Mohammad. Ngân sách năm 2020 của Saudi Arabia là 270 tỉ USD với mức thâm hụt dự kiến 6,4%. Theo Jim Krane, nhà phân tích của Viện Kaker thuộc Đại học Rice, hoàng gia Saudi Arabia đang cần mức giá dầu ở mức 80 USD/thùng mới đủ trang trải cho chi tiêu của chính phủ.

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết