TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 12-9 xác nhận, nhà lãnh đạo Kim Jong-un chiều 11-9 (theo giờ địa phương) đã rời nước này để tới Nga bằng tàu hỏa theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin. Ðây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kim để từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và cũng là chuyến xuất ngoại lần thứ 10 của nhà lãnh đạo Triều Tiên kể từ khi lên nắm quyền hồi năm 2011.

Tổng thống Putin (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp hồi tháng 4-2019. Ảnh: CNN
Theo KCNA, ông Kim đi cùng với các quan chức hàng đầu của đảng Lao động và quân đội Triều Tiên. Dù cả KCNA và giới truyền thông Nga vẫn chưa tiết lộ thời gian và địa điểm cho cuộc gặp, nhưng nhiều khả năng ông Kim và Tổng thống Putin sẽ gặp nhau tại thành phố Vladivostok thuộc miền Viễn Ðông của Nga. Ðiện Kremlin cho biết ông Putin đã đến Vladivostok hôm 11-9. TTXVN cũng cho biết ngày 12-9, Tổng thống Putin đã gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh tại Vladivostok, nơi Nga đang tổ chức Diễn đàn Kinh tế phương Ðông (EEF).
Ông Kim Jong-un đã có cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Putin vào năm 2019 cũng tại Vladivostok và hai bên đã duy trì mối quan hệ hữu hảo chưa từng có kể từ đó, bao gồm cuộc chiến Ukraine hiện nay. Trong dịp Quốc khánh Nga hồi tháng 6 vừa qua, ông Kim cam kết sẽ “hậu thuẫn đầy đủ” cho ông Putin.
Phản ứng về chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Triều Tiên, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho rằng cuộc gặp này có thể liên quan đến kế hoạch của Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Nga. “Chúng tôi có thông tin mới rằng các cuộc đàm phán vũ khí giữa Nga và Triều Tiên đang tiến triển tích cực. Sau cuộc gặp, các cuộc thảo luận cấp cao có thể tiếp tục được diễn ra. Và với những thỏa thuận tiềm năng, Nga sẽ nhận được lượng đáng kể nhiều loại đạn dược từ Triều Tiên mà quân đội Nga dự định sử dụng tại Ukraine” - ông Kirby cho hay.
Rebekah Koffler, cựu sĩ quan tình báo quốc phòng Mỹ và là chuyên gia phân tích tình báo quân sự chiến lược, nhận định rằng mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Nga và Triều Tiên sẽ có “tác động chiến lược to lớn đối với an ninh Mỹ”. “Hai trong số những đối thủ hàng đầu của chúng ta đang hợp lực, mở rộng hợp tác công nghiệp - quân sự. Nga sở hữu một trong những bí quyết sâu rộng nhất thế giới về vũ khí hạt nhân và công nghệ vũ trụ. Việc Nga chia sẻ bí quyết này với Triều Tiên không phải là tin tốt lành đối với Mỹ và việc 2 nước này có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc khiến vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn” - ông Koffler lo ngại.
Ông Koffler tin rằng sự hợp tác giữa Triều Tiên và Nga sẽ mang lại lợi ích chung cho cả 2 nước. Theo đó, Nga có thể cung cấp thực phẩm cho Triều Tiên trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lương thực tại nước này ngày càng sâu sắc, giúp Bình Nhưỡng tăng cường cơ sở công nghệ công nghiệp quân sự, trong khi Bình Nhưỡng có thể cung cấp cho Mát-xcơ-va đạn dược để duy trì cuộc chiến ở Ukraine. “Không phải ngẫu nhiên mà Triều Tiên gần đây trình làng tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật mới. Việc Bình Nhưỡng phát triển kho vũ khí hủy diệt hàng loạt rõ ràng là không có lợi cho Mỹ” - ông Koffler cho biết thêm. Ông này tin rằng cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo sẽ gửi đi một thông điệp rõ ràng nhằm thách thức phương Tây. “Một lợi ích khác ít hữu hình hơn là cuộc gặp Putin - Kim đang khiến Washington khó chịu. Thật vậy, cả 2 đều sẽ không bỏ lỡ cơ hội khiến Mỹ khó chịu” - ông Koffler nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu mới đây cho biết Nga và Triều Tiên đang cân nhắc khả năng tổ chức một cuộc tập trận quân sự song phương. Trước đó, ông Shoigu dường như còn đề xuất một cuộc tập trận 3 bên có sự tham gia của Trung Quốc. Đây là cuộc tập trận quân sự đầu tiên của Bình Nhưỡng với nước ngoài kể từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Lâu nay, nước này theo triết lý “tự lực cánh sinh” nên đã không tham gia tập trận với bất kỳ nước nào.