14/12/2020 - 09:00

Cuộc đua phát triển siêu chiến binh 

Chuyện tưởng như chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng, nhưng thực tế là nhiều quốc gia trên thế giới đang hối hả chạy đua tạo ra siêu chiến binh thông qua chỉnh sửa gien và các kỹ thuật khác.

Các siêu chiến binh trong phim Universal Soldier (Chiến binh Vũ trụ). Ảnh: NBC News

Cải thiện năng lực sinh học để tạo ra siêu chiến binh có khả năng chiến đấu vượt xa người thường từng là đề tài trong nhiều tiểu thuyết và bộ phim viễn tưởng kiểu như Captain America, Bloodshot và Universal Soldier của Hollywood. Tuy nhiên, chưa quốc gia nào đạt được thành công trong lĩnh vực này. Do vậy, trở thành nước đầu tiên trình làng siêu chiến binh là mục tiêu các cường quốc đang hướng đến.

Từ “mình đồng da sắt”, tinh thần thép

Lực lượng vũ trang Pháp vừa được cấp phép phát triển các “chiến binh tăng cường”. Trong báo cáo hôm 8-12, Ủy ban Ðạo đức quân đội Pháp đã xem xét phương pháp điều trị y học, lắp bộ phận giả và cấy ghép để nâng cao sức mạnh tâm lý, nhận thức và thể chất cho binh sĩ. Những can thiệp này cho phép theo dõi vị trí hoặc kết nối với hệ thống vũ khí và các đồng đội. Ủy ban cũng cân nhắc việc điều trị giúp phòng tránh đau đớn, căng thẳng thần kinh, mệt mỏi và cả những hợp chất có thể cải thiện tinh thần kiên cường nếu người lính bị bắt làm tù binh.

Báo cáo công bố chỉ vài ngày sau khi Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ John Ratcliffe tiết lộ trên tờ Nhật báo Phố Wall rằng: “Thông tin tình báo Mỹ cho thấy Trung Quốc đã tiến hành các thử nghiệm trên binh sĩ với hy vọng phát triển những chiến binh có năng lực sinh học vượt trội. Không có giới hạn đạo đức nào trong nỗ lực theo đuổi quyền lực của Bắc Kinh”.

Năm ngoái, 2 học giả Mỹ Elsa Kania và Wilson VornDick cũng đã nhắc đến tham vọng của Trung Quốc trong việc ứng dụng công nghệ sinh học vào chiến trường, trong đó nói Bắc Kinh muốn sử dụng công nghệ biến đổi gien CRISPR để tăng cường năng lực của con người. Trung Quốc sở hữu lực lượng vũ trang lớn nhất thế giới, với 2,2 triệu binh sĩ. Năm nay, Bắc Kinh đã chi gần 180 tỉ USD cho ngân sách quốc phòng. Công nghệ CRISPR thường được sử dụng để điều trị các bệnh di truyền và biến đổi thực vật. Giới khoa học phương Tây cảnh báo dùng công nghệ này để tăng cường năng lực của người khỏe mạnh là vô đạo đức.

Cho đến khả năng tái tạo

Nhưng không chỉ Trung Quốc, ngay cả Mỹ cũng đã thực hiện một số dự án nghiên cứu về siêu chiến binh trong năm 2012. Theo một nguồn thạo tin, giới khoa học Mỹ tìm cách chỉnh sửa gien để cơ thể binh sĩ chuyển hóa chất béo thành năng lượng hiệu quả hơn, nhờ đó có thể hoạt động cả ngày mà không cần ăn. Tất cả nhằm mục đích nâng cao hiệu quả tạo năng lượng trong cơ thể. Người lính có thể chạy với tốc độ của vận động viên Olympic, thân hình vạm vỡ nhưng không cần nạp thức ăn. Mỹ thậm chí còn nghiên cứu khả năng tái tạo, tức những thương binh mất tứ chi hoặc bị bỏng diện rộng có thể tự lành lặn. Ý tưởng này xuất phát từ hiện tượng tự nhiên như thằn lằn có thể mọc lại đuôi bị đứt và kỳ nhông phục hồi toàn bộ các chi bị cắt lìa. “Chúng tôi muốn có khả năng phục hồi, chống nhiễm trùng và có sức bền càng cao càng tốt”, David Saunders tại Dự án Phát triển Vật liệu Y tế thuộc quân đội Mỹ tiết lộ.

Năm 2016, Kênh CNN cho biết quân đội xứ cờ hoa đã đầu tư nhiều triệu USD vào chương trình cấy ghép tiên tiến nhằm hỗ trợ não người liên lạc trực tiếp với máy tính. Lầu Năm Góc giải thích rằng công nghệ cấy ghép này giúp ích cho những người khiếm thị hoặc khiếm thính. Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Tác chiến Ðặc biệt của Mỹ năm 2018 từng cân nhắc sử dụng thực phẩm dinh dưỡng hoặc thuốc kích thích để tăng cường khả năng chịu đau, hồi phục sau chấn thương và duy trì thể lực cho lực lượng đặc nhiệm trong các môi trường tác chiến nguy hiểm, giúp họ vượt qua giới hạn thông thường của con người. Dù vậy, nó cũng đặt ra lo ngại về nguy cơ lạm dụng chất kích thích nếu chương trình “siêu chiến binh” được thực thi đại trà.

Gần đây hơn, vào tháng 1-2020, Mỹ đã vén màn những tiến bộ đáng kinh ngạc về lĩnh vực di truyền học trong quân sự. Giới nghiên cứu quân đội Mỹ đã phát triển một liệu pháp gien cho phép chuột tạo ra prôtêin, giúp cơ thể chống lại vũ khí hóa học tấn công hệ thần kinh. Về mặt lý thuyết, liệu pháp này là tấm lá chắn bảo vệ người lính trong môi trường nguy hiểm.

“Hộ chiếu di truyền”

Nga đã đưa di truyền vào chiến lược quân sự của mình. Năm ngoái, người đứng đầu Viện Hàn lâm Khoa học Nga Alexander Sergeyev cho biết lực lượng vũ trang đang nghiên cứu “hộ chiếu di truyền”. Hộ chiếu sẽ dự đoán “khả năng tác chiến về mặt thể chất và tinh thần của người lính trong điều kiện căng thẳng”. Nắm bắt được mức độ di truyền, quân đội sẽ biết ai có xu hướng phục vụ tốt hơn trong hải quân, lính dù hoặc lính tăng.

Ðược biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin rất quan tâm đến việc chỉnh sửa gien bởi con gái lớn của ông, Maria Vorontsova, là một nhà khoa học kỹ thuật di truyền và cũng đóng vai trò cố vấn cho ông về vấn đề này. Năm 2018, ông Putin đã phân bổ 2 tỉ USD cho nghiên cứu di truyền.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết