20/10/2024 - 08:21

Cuộc đấu tranh không mệt mỏi và quả cảm của Nihon Hidankyo 

Ủy ban Nobel Na Uy vừa trao giải Nobel Hòa bình 2024 cho Nihon Hidankyo, một tổ chức tự nguyện phi chính phủ gồm những nạn nhân sống sót sau vụ ném bom nguyên tử ở Nhật và được gọi chung là Hibakusha trong tiếng Nhật, vì “những nỗ lực hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.

Cụ Terumi Tanaka (giữa) cùng các thành viên Nihon Hidankyo tại một cuộc họp báo sau khi được Ủy ban Nobel Na Uy công bố giải thưởng. Ảnh: AP

Thông điệp từ giải thưởng

Khi trao giải Nobel Hòa bình cho Nihon Hidankyo, Ủy ban Nobel Na Uy nhấn mạnh đến sự tàn phá của các vụ ném bom nguyên tử ở 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản hồi tháng 8-1945, lần lượt lấy đi sinh mạng của khoảng 140.000 người và 74.000 người, cũng như nỗ lực kéo dài nhiều thập niên của tổ chức này nhằm xóa bỏ vũ khí hạt nhân khỏi thế giới. Theo Dan Smith, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Thụy Ðiển), việc trao giải cho Nihon Hidankyo là hành động nhằm thu hút sự chú ý đến “tình hình rất nguy hiểm trên thế giới”, khi mối quan hệ giữa các cường quốc hạt nhân đang trong giai đoạn rất căng thẳng. “Nihon Hidankyo thật sự là tiếng nói quan trọng để nhắc nhở chúng ta về bản chất hủy diệt của loại vũ khí này” - ông Smith nói với hãng tin Reuters.

Ðược biết, Ủy ban Nobel Na Uy trước đây từng trao giải Nobel Hòa bình cho các cá nhân, tổ chức tiên phong về giải trừ và kiểm soát vũ khí này. Lần gần nhất là vào năm 2017, khi Chiến dịch quốc tế nhằm loại bỏ vũ khí hạt nhân được trao giải. Ðặc biệt, đây là giải Nobel Hòa bình thứ hai dành cho người Nhật trong lịch sử 123 năm của giải thưởng này, diễn ra 50 năm sau khi cựu Thủ tướng Eisaku Sato giành được giải thưởng này vào năm 1974.

Cụ Terumi Tanaka, 91 tuổi và sống sót sau vụ đánh bom ở Nagasaki, coi giải Nobel Hòa bình năm nay là cơ hội cuối cùng để truyền tải thông điệp đến các thế hệ trẻ hơn. Ông Tanaka hy vọng giải thưởng sẽ giúp nâng cao nhận thức của công chúng về một thế giới không có vũ khí hạt nhân. “Bây giờ chúng ta phải đối mặt với cuộc khủng hoảng mà vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng. Do đó, chúng ta cần giao tiếp đúng mực với những người trẻ tuổi và nói với họ về vũ khí nguyên tử và công việc chúng ta đã làm để mọi người có thể nghĩ những gì họ có thể làm” - ông Tanaka phát biểu tại một cuộc họp báo.

Thống đốc Hiroshima Hidehiko Yuzaki đã gửi lời chúc mừng đến tổ chức này. “Hiểu được những tác động tàn khốc của việc sử dụng vũ khí hạt nhân là bước đầu tiên hướng tới mục tiêu xóa bỏ vũ khí hạt nhân. Những nỗ lực, hành động không ngừng của những Hibakusha nhằm hướng tới mục tiêu đó chính là nguồn sức mạnh để ủng hộ việc xóa bỏ vũ khí hạt nhân. Những đóng góp của họ cực kỳ quan trọng. Con đường xóa bỏ vũ khí hạt nhân có thể vẫn còn dài nhưng chúng tôi hy vọng rằng giải Nobel Hòa bình này sẽ là cơ hội để mọi người trên thế giới khẳng định cam kết trong việc hướng tới xóa bỏ vũ khí hạt nhân” - ông Yuzaki nhấn mạnh.

Những người khác thì cho biết họ hy vọng giải thưởng sẽ thổi luồng sinh khí mới vào chiến dịch chống lại vũ khí nguyên tử, gồm cả ở Nhật Bản, nơi từ chối ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên Hiệp Quốc (LHQ). “Tôi hy vọng rằng giải thưởng này sẽ khiến Chính phủ Nhật Bản thay đổi lập trường và cuối cùng trở nên chủ động hơn trong các nỗ lực xóa bỏ vũ khí hạt nhân khỏi bề mặt Trái đất” - Aileen Mioko Smith, nhà vận động vì môi trường ở thủ đô Tokyo, bày tỏ.

Cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ

Năm 1956, các hiệp hội Hibakusha địa phương cùng với nạn nhân các cuộc thử vũ khí hạt nhân ở Thái Bình Dương thành lập Liên đoàn các tổ chức những nạn nhân bom A (bom nguyên tử) và bom H (bom nhiệt hạch) của Nhật Bản. Tên gọi này được rút gọn thành Nihon Hidankyo trong tiếng Nhật để giúp đỡ những nạn nhân của 2 vụ tấn công hạt nhân năm 1945; cung cấp nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe hơn cho họ cũng như vận động lệnh cấm hoàn toàn việc phát triển và sử dụng vũ khí hạt nhân. Nihon Hidankyo sử dụng số phận của những nạn nhân để thức tỉnh cả thế giới về hậu quả và hệ lụy của việc sử dụng vũ khí hạt nhân; nhắc nhở nhân loại về trách nhiệm cấm phổ biến, giải trừ và kiểm soát vũ khí hạt nhân cũng như không để cho vũ khí hạt nhân được sử dụng ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Dần dần, một chuẩn mực quốc tế đã phát triển, coi việc sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận về mặt đạo đức. Chính các thành viên Nihon Hidankyo đã giúp thu thập hơn 3 triệu chữ ký ủng hộ hiệp ước và yêu cầu Chính phủ Nhật Bản ký Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân và hành động nhiều hơn nữa để dẫn đầu quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân với tư cách là quốc gia duy nhất trên thế giới phải hứng chịu các cuộc tấn công hạt nhân. Họ thẳng thừng chỉ trích cựu Thủ tướng Fumio Kishida do từ chối ký hiệp ước này với lập luận hiệp ước không khả thi vì không có quốc gia nào có vũ khí hạt nhân ký kết. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản khác nói chung cũng đã nhiều lần hứa sẽ đóng vai trò là trung gian giữa các quốc gia hạt nhân và phi hạt nhân, nhấn mạnh nhu cầu đối thoại hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân, nhưng từ chối tham gia hiệp ước ngay cả với tư cách là quan sát viên. Các nạn nhân sống sót của bom nguyên tử Mỹ không ngại phê phán rằng các nhà lãnh đạo Nhật Bản chỉ đưa ra những lời hứa suông vì Nhật Bản dựa vào ô bảo vệ hạt nhân của Mỹ và bản thân Tokyo từng bước diễn giải mới về Hiến pháp hòa bình nhằm mở rộng sức mạnh của quân đội.

Chính nỗ lực to lớn của Nihon Hidankyo và các tổ chức đại diện Hibakusha đóng góp lớn cho việc hình thành điều cấm kỵ đối với việc sử dụng hạt nhân, khi không có vũ khí hạt nhân nào được sử dụng trong chiến tranh trong gần 80 năm qua. Những chứng nhân lịch sử này đã giúp hình thành và củng cố sự phản đối rộng rãi đối với vũ khí hạt nhân trên thế giới thông qua những câu chuyện cá nhân, các chiến dịch giáo dục và những lời cảnh báo về việc phổ biến và sử dụng vũ khí hạt nhân. Nihon Hidankyo còn cung cấp hàng ngàn lời kể của nhân chứng, công bố nghị quyết và lời kêu gọi, hàng năm cử phái đoàn đến LHQ và nhiều hội nghị hòa bình khác để nhắc nhở thế giới về nhu cầu cấp thiết của việc giải trừ hạt nhân.

Tuy nhiên, điều cấm kỵ trên đang “chịu áp lực” trong bối cảnh nhiều xung đột ngày nay. “Các cường quốc hạt nhân đang hiện đại hóa và nâng cấp kho vũ khí của họ. Các quốc gia khác dường như đang chuẩn bị sở hữu vũ khí hạt nhân và đang có những lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân như một phần của cuộc chiến đang diễn ra. Vũ khí hạt nhân ngày nay có sức hủy diệt lớn hơn nhiều. Chúng có thể giết chết hàng triệu người và sẽ tác động thảm khốc đến khí hậu. Một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể hủy diệt nền văn minh của chúng ta” - Jorgen Watne Frydnes, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, lo ngại.

Ban đầu, Nihon Hidankyo có chi nhánh tại toàn bộ 47 tỉnh ở Nhật Bản nhưng hiện giảm xuống chỉ còn 36 chi nhánh. Jiro Hamasumi, Giám đốc điều hành của Nihon Hidankyo, người còn trong bụng mẹ trong vụ ném bom ở Hiroshima, cho biết tổ chức này đã phải đối mặt với khó khăn về tài chính, tình trạng số lượng thành viên Hibakusha ngày càng giảm và đang tìm cách thu hút những người ủng hộ trẻ tuổi và những Hibakusha thế hệ thứ hai để duy trì hoạt động. Tính đến tháng 3 năm nay, chỉ còn 106.823 người sống sót sau 2 vụ ném bom nguyên tử nói trên, giảm 6.824 người so với cùng kỳ năm trước và giảm gần 25% so với tổng số những người sống sót trong những năm 1980. Ðộ tuổi trung bình của những người sống sót hiện là 85,58. Số người này đã được chứng nhận đủ điều kiện nhận hỗ trợ y tế của chính phủ. Song, nhiều người khác là nạn nhân của “mưa đen” phóng xạ vẫn không được hỗ trợ.

Giấc mơ chưa thành hiện thực

Được trao giải Nobel Hòa bình 2024 là niềm vui, vinh dự to lớn của các “chiến binh” Nihon Hidankyo quả cảm sau hàng thập niên đấu tranh không mệt mỏi vì một thế giới phi hạt nhân. Tuy nhiên, theo lời Tổng Thư ký Jiro Hamasumi của Nihon Hidankyo, tổ chức này đang đối diện với tương lai không còn ngọn đuốc dẫn đường cùng những khó khăn về tài chính.

Dù một số người sống sót thế hệ thứ hai đang tiếp tục các hoạt động với sự hỗ trợ từ các nhóm liên quan, nhưng không có gì chắc chắn về việc điều đó có thể kéo dài được bao lâu. “Chúng ta chưa hoàn thành vai trò của mình cho đến khi giấc mơ về một thế giới không có vũ khí hạt nhân trở thành hiện thực”, ông Hamasumi bày tỏ. Terumi Tanaka, vị đồng chủ tịch 92 tuổi của Nihon Hidankyo, cũng thừa nhận các thách thức đang lớn dần của tổ chức này vì khó thu hút sự tham gia của thế hệ trẻ ngày nay bởi nền tảng giáo dục và trải nghiệm sống của họ hoàn toàn khác biệt. Ông chỉ hy vọng giải Nobel Hòa bình năm nay sẽ trở thành động lực lớn giúp giải trừ vũ khí hạt nhân. Ủy ban Nobel Na Uy cũng thể hiện sự lo lắng tương tự: “Một ngày nào đó, Hibakusha sẽ không còn ở giữa chúng ta như những nhân chứng của lịch sử nữa” và điều quan trọng là thế hệ trẻ phải chung tay cùng những người sống sót để giáo dục và truyền cảm hứng cho thế giới, đảm bảo rằng điều cấm kỵ về hạt nhân vẫn còn nguyên vẹn.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết