23/04/2012 - 21:24

Cuộc chiến khí đốt giữa Ai Cập và Israel

Đường ống cung cấp khí đốt sang Israel phát nổ trong một cuộc tấn công. Ảnh: AFP

Các công ty năng lượng Ai Cập vừa tuyên bố đã hủy bỏ thỏa thuận xuất khẩu khí đốt qua Israel, quốc gia lệ thuộc chủ yếu vào nguồn khí gas tự nhiên để sản xuất điện. Đây là hành động có thể gây tác động nghiêm trọng đến mối quan hệ song phương giữa hai nước láng giềng này vốn đã căng thẳng kể từ sau làn sóng biểu tình lật đổ nhà lãnh đạo thân Mỹ và Israel, Hosni Mubarak hồi năm ngoái.

Tổng công ty dầu mỏ Ai Cập (EGPC) và Tập đoàn quốc doanh khí đốt tự nhiên Ai Cập (EGAS) là hai đơn vị hợp tác xuất khẩu khí đốt sang Israel thông qua Công ty khí đốt Đông Địa Trung Hải (EMG) của Israel bằng đường dẫn khí đốt xuyên biên giới giữa hai nước do EMG điều hành.

Mohamed Shoeib, Chủ tịch EGAS, cho biết quyết định trên đã được thực thi hôm 19-4 do phía EMG đã không thanh toán chi phí đầy đủ trong nhiều tháng theo hợp đồng. Ông Shoeib cũng giải thích đây là quyết định “chỉ mang tính chất thương mại và không liên quan đến chính trị”. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Israel Yuval Steinitz đã lên tiếng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” và cho rằng điều này sẽ trở thành “một tiền lệ nguy hiểm phủ một bóng đen lên hiệp ước hòa bình và bầu không khí hữu nghị giữa hai nước”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman ngày 23-4 tuyên bố đây thuần túy là một vấn đề thương mại hơn là mâu thuẫn ngoại giao giữa hai nước.

Ai Cập hiện đang cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt cho Israel dựa trên bản thỏa thuận kéo dài 15 năm trị giá 2,5 tỉ USD được ký kết hồi năm 2005. Theo thỏa thuận, các công ty năng lượng Ai Cập mỗi năm sẽ bán cho Israel 1,7 tỉ mét khối khí đốt với cái giá không được tiết lộ nhưng bị cáo buộc là gây tổn thất cho ngân sách nhà nước Ai Cập 553 triệu USD. Nhiều người Ai Cập coi thỏa thuận này là một biểu tượng tham nhũng của chế độ Mubarak và dư luận tin rằng đó là nguyên nhân mà thời gian gần đây, đường ống dẫn khí đốt từ Ai Cập sang Israel thông qua bán đảo Sinai thường xuyên bị các thành phần cực đoan tấn công phá hoại. Kể từ sau cuộc đảo chính vào tháng 2 năm ngoái, đường ống dẫn khí này bị đánh bom 14 lần, trong đó vụ mới nhất xảy ra hôm 9-4, khiến nguồn cung cấp khí đốt đến Israel và Jordanie nhiều lần bị ngưng trệ.

Theo hãng tin Anh Reuters, các công ty nhập khẩu khí đốt ở Israel đang tìm cách đòi chính quyền Ai Cập bồi thường thiệt hại 8 tỉ USD vì không bảo vệ tài sản đầu tư của họ trong các vụ đánh bom nói trên.

Lãnh Vân (Theo Reuters, AFP, AP)

Chia sẻ bài viết