08/12/2019 - 07:54

Cuộc chiến AI giữa Mỹ và Trung Quốc 

Trong khi Trung Quốc không hề giấu tham vọng dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo (AI) trước năm 2030, Mỹ cũng không ngừng kêu gọi mọi nguồn lực trong nước để không vuột mất vị trí số 1 của mình trong lĩnh vực này. Cuộc cạnh tranh AI giữa hai cường quốc vì thế vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trung Quốc đang dùng AI để tăng cường hoạt động giám sát trong nước. Ảnh: WSJ

Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 9 đã kêu gọi dùng “sức mạnh tập thể”, từ cả chính phủ lẫn tư nhân, để duy trì vị thế dẫn trước của nước này trước Trung Quốc trong cuộc đua AI. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper gần đây cũng nhận định rằng Washington cần sự giúp sức của các công ty tư nhân và trường đại học để giành chiến thắng trong cuộc đua với Bắc Kinh. “Việc làm chủ AI đòi hỏi phải có cùng một tầm nhìn, tham vọng và cam kết. Chúng ta cần toàn bộ lực lượng trí tuệ và sự khéo léo của người Mỹ đang làm việc trên khắp các khu vực công và tư”- ông Esper nói.

Những lời kêu gọi này đến sau một cảnh báo từ Giám đốc Văn phòng Công nghệ Mỹ Michael Kratsios rằng Trung Quốc đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong cuộc đua AI trên toàn cầu. Theo ông Kratsios, Mỹ có lợi thế ở nhiều phương diện như số lượng trường học hàng đầu có chương trình nghiên cứu AI, số lượng học giả và số lượng các công ty AI. Mỹ chiếm 5 trong 10 trường đại học tốp đầu về AI, so với 3 trường của Trung Quốc. Ngân sách liên bang hằng năm dành cho nghiên cứu AI ngoài quốc phòng của Mỹ gần 1 tỉ USD. Ngoài ra, các công ty start-up AI tư nhân của Mỹ có trị giá hơn 1 tỉ USD. Thế nhưng, theo một báo cáo hồi giữa tháng 8 của Trung tâm Đổi mới dữ liệu, tuy Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới về AI, Trung Quốc đã nhanh chóng đuổi kịp với vị trí thứ 2, còn Liên minh châu Âu (EU) xếp thứ 3.

Và mặc dù Trung Quốc chưa từng đưa ra con số rõ ràng về tổng vốn đầu tư cho AI, nhưng nhiều ý kiến cho rằng nước này đang hậu thuẫn cho kế hoạch AI với các nguồn lực cần thiết. Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hong Kong (SCMP), chỉ riêng tại Thiên Tân - một thành phố cảng quan trọng ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, giới chức đang có kế hoạch gây quỹ lên tới 100 tỉ NDT (khoảng 14 tỉ USD) để tập trung phát triển ngành công nghiệp AI.

Hồi năm 2018, Tướng Không quân Mỹ VeraLinn Jamieson dự đoán rằng Trung Quốc sẽ chi hàng chục tỉ USD trong lĩnh vực AI. “Chúng tôi ước tính tổng chi tiêu cho các hệ thống AI ở Trung Quốc trong năm 2017 là 12 tỉ USD và sẽ tăng lên ít nhất 70 tỉ USD vào năm 2020”, bà Jamieson nhận định. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi (CSET-Mỹ) gần đây đánh giá rằng đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển AI chỉ khoảng vài tỉ USD vào năm 2018, tức tương tự như kế hoạch chi tiêu của Mỹ cho năm tài chính 2020, chứ không phải là hàng chục tỉ USD như các ước đoán trước đó.

Trong khi đó, SCMP nhận định rằng hy vọng thống trị lĩnh vực AI của Trung Quốc có thể phải dựa vào việc liệu có bao nhiêu du học sinh của họ hồi hương sau khi học tại Mỹ. Bởi với lợi thế là sở hữu nhiều trường đại học đứng đầu về AI cũng như môi trường văn hóa cởi mở, Mỹ đã trở thành thỏi nam châm đối với các sinh viên AI thông minh nhất trên toàn thế giới. Việc có thể lưu lại Mỹ làm việc 3 năm là điều kiện thuận lợi nhất đối với những nhà khoa học AI sau khi hoàn tất việc học tại nước này. Và ngoài việc có điều kiện cân bằng cuộc sống và công việc tốt hơn, nhiều sinh viên Trung Quốc đã tìm kiếm cơ hội việc làm tại Thung lũng Silicon vì bị hấp dẫn bởi mức lương cao hơn tại đây.

NGUYỆT CÁT

 

Chia sẻ bài viết