15/10/2023 - 09:18

Cuộc đua vệ tinh Internet 

Dựa vào tiến bộ công nghệ, một số công ty bên ngoài ngành công nghiệp vệ tinh truyền thống như SpaceX, OneWeb dần mở rộng cuộc cách mạng truy cập Internet toàn cầu thông qua việc xây dựng các "chòm sao vệ tinh" trong quỹ đạo Trái đất tầm thấp (LEO). Với sự gia nhập mới đây của Amazon, cuộc đua được dự đoán trở nên gay cấn khi thị trường băng thông rộng từ các vệ tinh LEO ước tính có giá trị lên tới hàng chục tỉ USD trong thập kỷ tới.

Học sinh ở Rwanda xem trường của họ lắp đặt thiết bị Starlink. Ảnh: GREEDY SOUTH

Không chỉ tăng cường hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, công ty công nghệ đa quốc gia Amazon của tỉ phú Mỹ Jeff Bezos đang chuyển sang thị trường Internet vệ tinh mới nổi với Dự án Kuiper trị giá 10 tỉ USD. Tham vọng của công ty là đến năm 2029 xây dựng mạng lưới 3.236 vệ tinh LEO truyền sóng Internet xuống các trạm ở mặt đất, cung cấp dịch vụ băng thông rộng nhanh chóng với giá cả phải chăng cho mọi cộng đồng dân cư trên hành tinh.

Hồi tháng 7-2022, hai công ty vận hành vệ tinh Eutelsat (Pháp) và đối thủ OneWeb (Anh) cũng đã thông báo sáp nhập và tạo ra "ông lớn" trong lĩnh vực vệ tinh Internet  đang phát triển. Thỏa thuận sẽ đặt công ty hợp nhất vào vị thế tương tự với các dự án của Elon Musk và Jeff Bezos. Eutelsat và OneWeb cho biết họ sẽ kết hợp nguồn lực từ cả hai phía, với 36 vệ tinh theo quỹ đạo địa tĩnh của Eutelsat và 648 vệ tinh LEO, để tạo ra "công ty hàng đầu thế giới" về khả năng kết nối từ ngoài không gian.

Cuộc cách mạng Internet

Việc các công ty tư nhân mở rộng phạm vi tiếp cận quỹ đạo LEO cho thấy ngành công nghiệp vũ trụ đang ở giữa một cuộc cách mạng. Trước nay, hầu hết dịch vụ viễn thông được cung cấp bởi các vệ tinh lớn và đắt tiền trên quỹ đạo địa tĩnh (GEO) cách Trái đất hàng ngàn km. Một trong những vấn đề của vệ tinh GEO là khoảng cách xa tạo ra thời gian trễ, bị hạn chế trong việc hỗ trợ các dịch vụ Internet băng rộng. Những năm 1990, đã có những nỗ lực cải thiện nhằm cung cấp Internet tốc độ cao, trực tiếp trên không gian cho người tiêu dùng. Nhưng hầu hết các dự án đều phá sản khi chi phí vượt quá lợi nhuận thu được.

Trong gần một thập kỷ trở lại đây, nhờ vào tiến bộ công nghệ mà các vệ tinh đã rẻ và có chi phí phóng thấp hơn, tạo điều kiện cho việc xây dựng các "siêu chòm sao" trên quỹ đạo LEO vốn cách Trái đất chưa đến 1.000 km. So với vệ tinh GEO cố định trên cùng một khu vực ở Trái đất và truyền tín hiệu đến một nơi nhất định, các chùm vệ tinh LEO hoạt động tầm gần và di chuyển rất nhanh nên Internet được cung cấp cho tốc độ cao với băng thông lớn hơn. Các chùm vệ tinh này còn giảm độ trễ xuống dưới 100ms - giảm gấp 5 lần so với các vệ tinh GEO. Một loại khác của vệ tinh LEO là vệ tinh cỡ nhỏ (nano-satellite) cũng sẽ mang lại kết nối rộng khắp cho các thiết bị Internet vạn vật (IoT).

Với truy cập tốc độ cao và rộng rãi như vậy, có thể nói đây cũng là một cuộc cách mạng Internet. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, gần 3 tỉ người trên toàn cầu vẫn chưa có cơ hội truy cập Internet cơ bản tính đến năm 2021. Ðó là bởi vì các hình thức dịch vụ phổ biến, chẳng hạn như cáp quang ngầm vẫn chưa đến được một số khu vực trên thế giới. Dựa vào tốc độ triển khai hiện nay của các dịch vụ vệ tinh LEO, dự báo đến năm 2024, các vệ tinh trên quỹ đạo này sẽ cung cấp dung lượng gấp 24 lần dung lượng mà các vệ tinh GEO đang cung cấp hiện nay.

Vai trò của Starlink và những tranh cãi

Hiện Dự án Kuiper của Amazon phải cạnh tranh với một đối thủ nặng ký, đó là dịch vụ Internet vệ tinh Starlink đang có hơn 4.000 vệ tinh LEO. Dịch vụ này thuộc công ty SpaceX do tỉ phú Elon Musk sáng lập. SpaceX là công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng có giá trị nhất theo vốn hóa ở phương Tây. Với giá cổ phiếu được chào bán hơn 80 USD và nâng mức định giá công ty lên khoảng 150 tỉ USD, SpaceX có rất nhiều vốn để đầu tư vào Starlink trong tương lai. Năm nay, công ty đã 70 lần phóng vệ tinh lên quỹ đạo trên tên lửa Falcon 9 do họ phát triển và có kế hoạch tăng số lượng lên 7.500 vệ tinh. Thậm chí, kế hoạch của ông Musk trong những năm tới là có tới 42.000 vệ tinh trên quỹ đạo.

Hiện tại, Starlink đang hoạt động tại hơn 60 quốc gia, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, phần lớn châu Âu và một phần châu Mỹ Latinh. Hệ thống này  có hơn 2 triệu khách hàng, ước tính doanh thu đạt khoảng 2,5 đến 3 tỉ USD. Hiện tại, ở các vùng chiến sự, vùng sâu vùng xa và những nơi bị thiên tai, Starlink gần như là cách duy nhất để truy cập Internet. Bộ Quốc phòng Mỹ là một khách hàng lớn của Starlink, trong khi các quân đội khác, chẳng hạn Nhật Bản, đang thử nghiệm công nghệ này.

Một binh sĩ Ukraine lắp đặt hệ thống vệ tinh Starlink cho hoạt động quân sự. Ảnh: Getty Images

Hồi tháng 9, công ty cũng giành được hợp đồng với Lầu Năm Góc trị giá 70 triệu USD cho hệ thống Starshield - phiên bản quân sự của Starlink. Có mô hình kinh doanh tương tự, nhưng Amazon vẫn tự tin về khả năng cạnh tranh dựa vào lợi thế cơ sở khách hàng khổng lồ cũng như hoạt động kinh doanh điện toán đám mây. Công ty cũng hy vọng sản xuất các thiết bị đầu cuối của dịch vụ Kuiper với giá tối thiểu là khoảng 400 USD/thiết bị, thấp hơn chi phí 600 USD cộng với khoản dịch vụ mà người dùng Starlink đang trả hàng tháng. Mặc dù có tiềm năng lớn, các nhà đầu tư thừa nhận Amazon sẽ phải mất vài năm để xây dựng hoàn chỉnh hệ thống để có thể gây sức ép thực sự cho tỉ phú Musk.

So với các đối thủ cạnh tranh, SpaceX đang dẫn trước trong việc phát triển dịch vụ nhưng nỗ lực của họ đôi khi đẩy công ty vào những tranh cãi về địa chính trị. Ðơn cử như trong cuộc chiến Ukraine, Starlink ban đầu được ca ngợi là công cụ giúp Kiev "xoay chuyển cuộc chơi" khi cung cấp hàng rào thông tin liên lạc đáng tin cậy mà Nga không thể phá vỡ. Tuy nhiên, tỉ phú Musk sau đó đã "chọc giận" Ukraine khi từ chối yêu cầu cho phép họ truy cập vào vệ tinh Starlink để triển khai máy bay không người lái tập kích các tàu của Nga đậu tại các cảng trên biển Ðen.

Ngoài vấn đề trên, cuộc cách mạng truy cập Internet toàn cầu cũng đang gây tranh cãi về việc "các chòm sao" cần số lượng lớn vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo LEO nhưng chúng có vòng đời từ 5-7 năm. Trong khi quỹ đạo Trái đất đã có hàng ngàn mảnh rác, việc có thêm nhiều vệ tinh khiến vấn đề trở nên trầm trọng và tăng nguy cơ va chạm thảm khốc trong không gian. Bên cạnh đó, các nhà thiên văn học cảnh báo những vệ tinh LEO này có thể xâm nhập và làm sai lệch quan sát của kính thiên văn, ảnh hưởng việc nghiên cứu vũ trụ. Mặt khác, người ta lo ngại SpaceX có khả năng tận dụng thông tin nhạy cảm mà Starlink thu thập được.

Thế giới e ngại

Việc tỉ phú Musk gần như kiểm soát hoàn toàn vệ tinh Internet đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tại nhiều quốc gia. Ngay cả vùng lãnh thổ Ðài Loan, nơi cơ sở hạ tầng Internet dễ bị tổn thương trong trường hợp có chiến tranh, không muốn sử dụng Starlink vì mối liên hệ kinh doanh của ông Musk với Trung Quốc. Năm 2022, Elon Musk cho biết Bắc Kinh đã tìm kiếm sự đảm bảo rằng ông sẽ không kích hoạt Starlink, nơi Internet bị nhà nước kiểm soát. Vào năm 2020, Trung Quốc đã đăng ký với một cơ quan quốc tế để phóng 13.000 vệ tinh Internet của riêng mình. Liên minh châu Âu (EU) cũng cảnh giác với Starlink và Elon Musk, và họ đã dành 2,4 tỉ euro vào năm 2022 để xây dựng một chùm vệ tinh cho mục đích dân sự và quân sự. Khi các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra ở Iran vào năm 2022, ông Musk đã cung cấp Starlink để giúp các nhà hoạt động duy trì kết nối mạng. Chính phủ Iran cáo buộc SpaceX vi phạm chủ quyền của họ...

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết