 |
“Bộ ba” lãnh đạo Hội đồng Lập hiến Tunisie, từ trái sang là: Hamadi Jebali, Moncef Marzouki và Mustapha Ben-Jaafar. Ảnh: AFP |
Hôm qua là một ngày trọng đại của người dân Tunisie, khi mọi ánh mắt đều dồn về vị lãnh đạo chính phủ dân chủ đầu tiên của đất nước sau cái gọi là cuộc cách mạng “mùa Xuân A-rập”. Nhân vật đó là Tổng Thư ký đảng Hồi giáo Ennahda, ông Hamadi Jebali, 63 tuổi, một chuyên gia công nghệ năng lượng sạch được đào tạo tại Tunisie và Pháp.
Liên minh chia sẻ quyền lực của ông Jebali gồm 3 đảng và có tổng cộng 139 ghế trong Hội đồng Lập hiến 217 thành viên, trong đó đứng đầu là Ennahda chiếm 87 ghế, đảng cánh tả Đại hội dân tộc vì nền Cộng hòa (CPR) 29 ghế và phe trung hữu Ettakatol 21 ghế. Người giữ cương vị tổng thống là ông Moncef Marzouki, thủ lĩnh của CPR, trong khi lãnh đạo của Ettakatol là ông Mustapha Ben-Jaafar làm chủ tịch Hội đồng Lập hiến.
Nhiệm vụ quan trọng nhất của ông Jebali là ổn định nền kinh tế đất nước trong thời gian Hội đồng Lập hiến soạn thảo hiến pháp mới dự kiến kéo dài không hơn một năm. Là một chuyên gia nghề nghiệp chứ không phải giáo sĩ, nên ông Jebali được coi là nhà lãnh đạo Hồi giáo ôn hòa, được kỳ vọng có thể xây dựng Tunisie thành một quốc gia dân chủ, thế tục và tự do. Tuy nhiên, trong một phát biểu mới đây, ông từng đề cao hệ thống Hồi giáo Caliphate dựa trên luật Sharia. Ông còn tuyên bố trước một nhà lập pháp của phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine rằng sự giải phóng của Tunisie sẽ mang lại tự do cho Jerusalem đang bị Israel chiếm đóng.
Nhưng sự “lên ngôi” của ông Jebali và đảng Hồi giáo Ennahda sẽ đưa Tunisie đến chân trời nào thì phải chờ xem mới rõ. Có điều chỉ sự kiện này thôi cũng tác động đến các nước A-rập trong cùng cảnh ngộ ở khu vực. Ai Cập là nước thứ hai trải qua cách mạng “mùa Xuân A-rập” sau Tunisie nhưng đang bị “vướng” thiết chế quân đội hùng mạnh đầy tham vọng. Nội các tạm quyền do quân đội dựng lên của Thủ tướng Essam Sharaf đã đệ đơn xin từ chức. Nhưng sự ra đi này nếu được chấp thuận cũng không làm thay đổi một thực tế là quyền hành đang nằm trong tay Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF). Cuộc tổng tuyển cử từ ngày 28-11 và có thể kéo dài trong nhiều tháng ở Ai Cập tuy có thể giúp đảng Huynh đệ Hồi giáo thắng cử như Ennahda ở Tunisie, nhưng tương lai sẽ ra sao vẫn là điều chưa thể đón trước.
Rõ ràng cùng xuất phát từ cuộc cách mạng “mùa Xuân A-rập”, nhưng con đường đi tới mục tiêu cuối cùng của lực lượng nổi dậy ở Tunisie và Ai Cập chẳng giống nhau.
KIẾN HÒA (Tổng hợp)