04/02/2018 - 18:09

Cùng chia sẻ khó khăn với cô Mai 

Chăm sóc con gái bệnh hiểm nghèo hơn chục năm nhưng cô Nguyễn Ngọc Mai chưa lần than thở với hàng xóm, láng giềng. 5 năm trước, chồng cô qua đời sau tai nạn lao động, 4 năm sau, em trai cô mất vì bệnh ung thư máu. Kế đó, ba cô qua đời sau thời gian dài bị tai biến và gần đây, mẹ cô té gãy xương đùi, phải ngồi một chỗ. Áp lực chăm sóc người thân đau ốm và kinh tế gia đình đè nặng đôi vai cùng nỗi đau mất mát liên tục, khiến cô Mai ngày một tiều tụy…

Cô Mai chăm sóc mẹ già và con gái bệnh tật. 

Thoạt nhìn căn nhà tường gọn gàng của cô Mai ở tổ 60, khu vực 3, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, nhiều người nghĩ rằng, gia đình cô khá giả hơn so với nhiều gia đình khác trong xóm. Nhưng khi hỏi về cô, bà con, láng giềng xung quanh không khỏi ái ngại. Ông Phạm Văn Mạnh, Tổ trưởng Tổ tự quản tổ 60, cho biết: “Lẽ ra, gia đình cô Mai không đến nỗi khó khăn. Trước đây, cô là công nhân sản xuất của Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, chồng làm thợ hồ, thu nhập đủ lo 2 con ăn học. Thế nhưng, nhiều chuyện không may dồn dập xảy ra khiến gia đình rơi vào túng quẫn”.

Hơn 9 giờ sáng, đi bán vé số về, cô Mai tất bật nấu nướng, chăm sóc mẹ và con gái. Em Trần Nguyễn Lan Vân, 28 tuổi, con gái đầu lòng của cô Mai, sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật, nay cơ thể chỉ còn xương với da. Căn bệnh lupus ban đỏ hệ thống biến chứng sang xơ cứng bì, hoại tử đầu chi, loãng xương, canxi hóa mô mềm, đái tháo đường type 2 và cườm đá 2 mắt. Trên tay, chân của Vân nổi chi chít các cụm da bị xơ cứng cùng những đốm áp xe thâm đen. Vì bị gãy lún nhiều đốt sống nên hơn 2 năm nay, Vân phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân phụ thuộc vào mẹ. Tuy vậy, Vân cố gắng chịu đựng, không kêu than và tự ăn những lúc mẹ quá bận rộn. Mỗi ngày, cô Mai thường đi bán vé số từ 4 giờ đến 9 giờ và từ 19 giờ đến 22 giờ. Buổi sáng chưa bán hết vé số, cô Mai tranh thủ 13 giờ chiều đi bán tiếp. Trước khi đi, cô chuẩn bị sẵn thức ăn, nước uống để trên đầu giường cho Vân. 2 mắt không còn nhìn thấy, Vân theo thói quen, với tay lấy thức ăn để trên ngực, rồi tự múc ăn được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Nhìn hoàn cảnh này, nhiều người không khỏi xót xa. Cô Mai kể: “Hồi trước, Vân rất ham học và là học sinh giỏi. Năm học lớp 10 đã phát hiện bệnh vì cứ hay sốt, ngất xỉu hoài. Tuy vậy, Vân nhất quyết không chịu nghỉ học vì chỉ có học tốt mới hết nghèo. Ai ngờ, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, Vân phải nhập viện điều trị lâu dài rồi nghỉ học đến nay”.

Cuộc sống khó khăn, người thân gặp nạn, bệnh tật liên miên khiến cô Mai sa sút sức khỏe. Năm ngoái, cô Mai vừa điều trị dứt phác đồ bệnh lao phổi vào năm ngoái, đến nay, da đen sạm, người gầy yếu, suy kiệt. Vì mẹ già, con gái bệnh tật và con trai đang học lớp 11, cô Mai tự nhủ phải cố gắng thật nhiều. Với lương hưu 3,1 triệu đồng/tháng và tiền lời bán vé số hằng ngày từ vài chục đến 100.000 đồng, cô phải cân phân các khoản ăn uống, thuốc men, tã cho mẹ, con gái và tiền học của con trai. Vì vậy, chi phí mỗi tháng đi TP Hồ Chí Minh điều trị cho con gái vượt quá khả năng của cô. Cô Mai cho biết: “Nhờ Công ty cổ phần Dược Hậu Giang cho mượn tiền sửa nhà lúc ông xã tôi mất, còn hỗ trợ thêm tiền cho con gái trị bệnh, tôi mới cầm cự được mấy năm nay. Nhưng mấy đợt điều trị cho con gần đây, tôi phải vay mượn thêm bên ngoài mới lo đủ. Riêng chuyến đi Bệnh viện Chợ Rẫy vừa qua, tôi phải vay mượn hơn 10 triệu đồng lo viện phí”.

Trong căn phòng khách chật hẹp, bên cạnh 2 người bệnh là hàng tá các loại thuốc. Gần đó, những bịch tã giấy được cô Mai mua thủ sẵn từ đầu tháng chất thành hàng dài. Cô Mai gầy guộc, mỏng manh trong bộ quần áo cũ kỹ thoăn thoắt cơm nước, quần áo, dọn dẹp vệ sinh cho 2 người thân. Ông Phạm Văn Mạnh cho biết, ông đã báo cáo hoàn cảnh gia đình cô Mai đến chính quyền địa phương để có hướng hỗ trợ thích hợp. Tuy nhiên, hiện gia đình cô Mai quá khó khăn, rất cần sự hỗ trợ của các mạnh thường quân gần xa, tiếp thêm sức mạnh giúp cô vượt khó, chăm mẹ già, con gái và lo con trai ăn học đến nơi đến chốn. 

Bài, ảnh: MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết