24/01/2017 - 10:14

Cục diện an ninh - chính trị thế giới: Biến đổi theo những cơn “địa chấn”

Chẳng phải ngẫu nhiên mà giới quan sát cho rằng nếu như Brexit (Anh rời khỏi EU) làm rung chuyển Liên hiệp châu Âu, thì sự kiện tỉ phú bất động sản Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ là một cơn "địa chấn" chính trị thật sự đối với thế giới, bởi nó đã đảo lộn mọi dự đoán, làm thay đổi cả cục diện an ninh-chính trị toàn cầu.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy

Trước khi người dân ở Anh đi bỏ phiếu, đã có không ít cảnh báo về những hậu quả, những tác động tiêu cực của Brexit đối với tương lai nước Anh. Với người dân Mỹ cũng vậy, dư luận có nhiều lo ngại việc ông Trump làm chủ nhân Nhà Trắng sẽ làm "tiêu tan" những thành quả mà chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đã đạt được, sẽ ảnh hưởng đến quan hệ của Mỹ với phần còn lại của thế giới. Nhưng Brexit vẫn xảy ra. Tỉ phú mà người ta cho rằng "chẳng nhiều kinh nghiệm chính trị" vẫn giành chiến thắng và chiến thắng một cách thuyết phục trước ứng viên kỳ cựu Hillary Clinton của đảng Dân chủ. Theo giới phân tích, đó không phải là "hiện tượng nhất thời" mà là một xu hướng – xu hướng trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy.

Biếm họa về quyết định Brexit của dân Anh. Ảnh: CagleCartoon

Thực tế cho thấy, làn sóng ấy không dừng lại mà sẽ còn có khả năng lan tỏa tới nhiều nơi, đặc biệt là ở châu Âu. Từ Ý, Áo, Hà Lan đến Pháp và Đức, thái độ bất mãn của người dân với các vấn đề từ chênh lệch giàu nghèo đến nhập cư đã và sẽ còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lá phiếu, kéo theo những hệ quả khó lường. Theo Bob Janjuah, chuyên gia của Tập đoàn Nomura, thế giới bắt đầu nhận ra rằng các cuộc thăm dò ý kiến đã đánh giá thấp các ứng viên đi theo chủ nghĩa dân túy, trong khi hiện thực chính chủ nghĩa dân túy mới chiếm phần ưu thế.

Đó là lý do vì sao Thủ tướng Pháp Manuel Valls bày tỏ lo ngại ứng viên của đảng Mặt trận quốc gia Marine Le Pen với chủ trương chống nhập cư sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở xứ Gà trống Gaulois vào tháng 5 năm nay, đồng thời cảnh báo "mô hình thành công" của Brexit và Donald Trump có thể được "nhân rộng" khắp châu Âu.

Những "điều chỉnh chiến lược"

Theo các nhà nghiên cứu, ông Donald Trump chủ trương lấy lợi ích của Mỹ làm ưu tiên hàng đầu, nên trong quan hệ với các nước sẽ có những điều chỉnh nhất định. Ông từng cho rằng EU nên tự lo lấy thân hơn là cứ núp mãi dưới cây dù Mỹ. Ông cũng nêu yêu cầu tương tự với các đồng minh của Mỹ ở châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông Trump cũng từng tuyên bố bác bỏ toàn cầu hóa và các hiệp định thương mại quốc tế, mà ông cho là đã góp phần làm mất việc làm của dân Mỹ…

Tin tức về chiến thắng của ông Trump tràn ngập trên báo chí thế giới. Ảnh: AFP

Nhưng ông Trump không hề nói rõ về các chính sách mà ông sẽ thi hành, đặc biệt là trong lĩnh vực ngoại giao. Ông chỉ trích chính sách can thiệp ra bên ngoài của Mỹ, nhưng không nói rõ ông sẽ làm bằng cách nào. Ông nhiều lần ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin là "một lãnh đạo xuất sắc", thậm chí đã có cuộc điện đàm với chủ nhân Điện Kremlin ngay sau khi giành chiến thắng trước Hillary Clinton, nhưng chẳng ai rõ nước Mỹ thời Donald Trump sẽ có quan hệ ra sao với Nga… Theo Richard Allen, cựu quan chức về chính sách đối ngoại của đảng Cộng hòa và từng là cố vấn an ninh cho Tổng thống Ronald Reagan, tất cả chỉ là "phỏng đoán".

Dẫu vậy, thế giới vẫn có điều chỉnh mang tính "chiến lược". Peter van Ham, chuyên gia an ninh châu Âu và quan hệ xuyên Đại Tây Dương, cho rằng giờ đây khi Anh bỏ phiếu để rời khỏi Liên minh châu Âu cũng như việc ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ, EU buộc phải thay đổi chính sách phù hợp hơn để củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong khối, dự phòng tình huống Washington thời Donald Trump hạn chế sự tham gia của Mỹ trong việc đảm bảo an ninh ở châu Âu. Bằng chứng là trong cuộc họp khẩn sau chiến thắng của ông Trump hồi tháng 11 năm rồi, EU đã phê duyệt kế hoạch do Cơ quan đối ngoại EU soạn thảo vạch ra chiến lược mới về chính sách phòng thủ và an ninh châu Âu…

Theo "nhịp rung" của Nhà Trắng

Giới phân tích nhận định dưới sự lãnh đạo của ông Trump, chiều hướng chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ có nhiều thay đổi nhưng sẽ không mang tính đột phá. Điều này dựa trên cơ sở việc triển khai chính sách đối ngoại khá cân bằng của Mỹ trong thời gian qua với hầu hết các khu vực và đối tác trên thế giới, cũng như sự phức tạp của một số vấn đề đối ngoại khó có thể có giải pháp lớn trong thời gian ngắn trước mắt.

Tranh chấp biển Đông trong thời gian tới vẫn sẽ căng thẳng vì tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông không đổi. Ảnh: SCMP

Còn nhớ, trong cuộc chạy đua ở vòng bầu cử sơ bộ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm rồi, ông Trump nhiều lần miêu tả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như một "thiết chế lỗi thời". Tuy nhiên, sau khi giành được đề cử chính thức của đảng Cộng hòa, ông đã khẳng định sẽ duy trì liên minh này, đồng thời nhấn mạnh chỉ có "những người ngu ngốc và căm ghét ông" mới cho rằng ông không muốn bảo vệ các đồng minh của Mỹ. Vì thế, theo David Richards, cựu chỉ huy quân đội Hoàng gia Anh, có cơ sở để tin rằng "ông ấy (Donald Trump) sẽ kiên quyết với vấn đề này như tất cả các Tổng thống Mỹ khác kể từ khi NATO được thành lập".

Tương tự, quan hệ và chính sách của Mỹ đối với châu Á – Thái Bình Dương về cơ bản sẽ vẫn nhận được sự ủng hộ khá mạnh mẽ của nội bộ và các đồng minh, đối tác của Mỹ. Theo đó, Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác tích cực với khu vực này theo hướng củng cố các mối quan hệ kinh tế - thương mại để hình thành một khu vực mậu dịch tự do mới dựa trên các thỏa thuận mà ông đã tuyên bố là "sẽ công bằng hơn (cho nước Mỹ)"; duy trì sự hiện diện quân sự (trong đó có việc tập trung 60% lực lượng hải quân tại đây vào năm 2020), tiếp tục tăng cường vai trò và ảnh hưởng của Mỹ tại các tổ chức khu vực.

Với Trung Quốc, nhiều khả năng Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy hơn nữa vai trò và trách nhiệm của Trung Quốc trong việc xử lý các vấn đề của khu vực, nhất là trong vấn đề Biển Đông, Biển Hoa Đông và vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ cũng tiếp tục tạo sức ép với Trung Quốc trong vấn đề tỷ giá đồng Nhân dân tệ, giảm thâm hụt thương mại song phương...

Chiều hướng chính sách của Mỹ trong việc xử lý vấn đề Biển Đông về cơ bản tiếp tục giữ nguyên, song Mỹ có thể có thêm nhiều hơn các hành động trong vấn đề này do những quan ngại về hành vi ngang ngược ngày càng tăng của Trung Quốc và tác động tiêu cực mà chính sách bành trướng của Trung Quốc gây ra đối với sự phát triển của khu vực cũng như lợi ích của Mỹ và các đối tác.

Trong khi đó, khu vực Trung Đông có thể chứng kiến sự điều chỉnh chính sách linh hoạt trong quan hệ của Mỹ với một số nước (như Israel, Iran...) do những tranh luận dai dẳng trong nội bộ Mỹ về vấn đề này và sự phát triển khá phức tạp của tình hình khu vực…

MAI QUYÊN-SONG VY (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết