14/01/2022 - 14:22

Cúc “chân dài” của nông dân Cần Thơ 

Với cúc Ðài Loan chưng Tết, bình thường mỗi chậu có chiều cao khoảng 50cm-60cm. Nhưng một nông dân ở Cần Thơ đã tự mày mò kỹ thuật trồng hoa, “kéo dài chân” cho cúc Ðài Loan cao đến khoảng 1,4m, tạo dáng thế cho chậu hoa rất đẹp mắt.

Người nông dân tài hoa đó là anh Trần Văn Sê, 50 tuổi, ngụ khu vực Bình Trung, phường Long Hòa, quận Bình Thủy. Anh Sê có thâm niên khoảng 20 năm làm nghề trồng hoa kiểng và đây là năm đầu tiên anh trồng thành công cúc Ðài Loan “chân dài” với số lượng nhiều, cung cấp ra thị trường dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Anh Sê bên một chậu cúc Đài Loan thông thường và chậu cúc “chân dài”. 

Thật ra, kỹ thuật “kéo dài chân” cho hoa cúc chưng Tết đã được một số nông dân ở miền Trung thực hiện thành công và có bán tại Cần Thơ trong các phiên chợ hoa Tết những năm gần đây. Anh Sê ấn tượng với loại cúc này và tìm hiểu thì mới biết đó không phải là đặc tính giống cây mà do nông dân dùng kỹ thuật xông đèn để kích thích độ vượt cây hoa. Vậy là anh tự mày mò nghiên cứu, học hỏi từ mạng internet, sách vở...

Anh Sê kể: “2 vụ hoa Tết rồi, năm nào tôi cũng thử nghiệm khoảng hơn 10 chậu cúc pha lê - như giống hoa mà các nông dân ở miền Trung làm thành công - nhưng tôi thì thất bại, tỷ lệ cúc vượt cao thành công chỉ 1-2 giỏ và bông trổ không rộ, đẹp”. Theo anh, nguyên nhân là cúc pha lê có lẽ phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của miền Trung. Vì vậy, anh chuyển sang thử nghiệm với giống cúc Ðài Loan. Vụ cúc “thẩm mỹ chân dài” năm nay, anh Sê thành công gần như 100%.

Anh Sê chia sẻ, để trồng cúc Ðài Loan chân dài, thời gian xuống giống sẽ sớm hơn 1 tháng so với cách trồng truyền thống. Cụ thể, để trồng cúc Ðài Loan chân dài, anh Sê đã xuống giống từ ngày 20-7 âm lịch, thay vì ngày 20-8 như thông lệ. Sau khi xuống giống cúc thì anh Sê tiến hành xông đèn. Mật độ đèn là cứ khoảng 7m2 mặt không gian trồng hoa sẽ xông 1 bóng đèn 40w. Thời gian xông đèn là 45 ngày, khi đó cây cúc sẽ đạt chiều cao khoảng 50cm. Việc xông đèn có tác dụng cho cây cúc “quên ban đêm”, ánh sáng 24/24 giờ sẽ giúp cây vượt cao. Sau khi ngừng xông đèn, cây cúc theo cơ chế đã được thiết lập sẽ theo đà phát triển cao thêm. Hiện nay, số giỏ hoa cúc “chân dài” của anh Sê đạt độ cao từ 1,3m-1,4m, thậm chí có chậu cao đến 1,5m, trổ bông đều tăm tắp, nhìn rất hoành tráng, đẹp mắt.

Theo kinh nghiệm của anh Sê, để trồng cúc “chân dài” thành công, mật độ để các chậu hoa sẽ thưa hơn so với trồng thông thường để cây đón luồng ánh sáng toàn diện. Do chậu hoa rất cao nên khi cây khoảng hơn 1m, cần dời cây từ trên giàn hoa xuống đất để tránh đổ ngã. Lý giải thêm về việc chọn cúc Ðài Loan để “kéo chân” thay vì cúc pha lê như các nông dân ở miền Trung, anh Sê cho biết: “Cúc pha lê trồng ở Cần Thơ khi xông đèn quá nhiều sẽ không lên chèo, bông trổ không nhiều, không đều và không đẹp”.

Việc xông đèn để tăng chiều cao cho cây cúc Ðài Loan được xem là một sáng tạo độc đáo của anh Trần Văn Sê, không chỉ giúp tạo ra sản phẩm độc, lạ cho thị trường hoa Tết mà còn giúp gia tăng giá trị nông sản. Cụ thể, mỗi chậu cúc Ðài Loan thông thường có giá bán khoảng 100.000 đồng, trong khi mỗi chậu cúc “chân dài” anh Sê dự kiến bán với giá 300.000 đồng, nhưng cảm quan của nhiều người vẫn thấy hợp lý, thậm chí rẻ, vì độ quy mô, đẹp của chậu hoa.

Anh Sê chia sẻ: “Tôi lớn lên ở Làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ, sống bằng nghề trồng hoa. Nếu so với các anh, các chú thì tôi là “hậu sinh”, kinh nghiệm ít ỏi. Vậy nên tôi tự nhắc mình phải học hỏi, ứng dụng khoa học công nghệ để gia tăng giá trị sản phẩm từ làng nghề”. Và, những chậu cúc “chân dài” ra mắt thị trường Tết năm nay chính là sản phẩm từ sự tỉ mẫn, chịu khó học hỏi và đam mê giữ nghề truyền thống của anh Sê.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết