|
Bệnh nhân nước ngoài đang được kiểm tra thị lực ở bệnh viện Pando Ferrer. Ảnh: BBC |
Phòng chờ của Bệnh viện Mắt Pando Ferrer lớn nhất ở Cuba lúc nào cũng đông nghẹt bệnh nhân. Nhiều người trong số đó đến từ các nước châu Mỹ La-tinh và vùng Caribbe với mọi chi phí khám chữa bệnh đều do chính phủ Cuba bảo trợ. Basil Ward quê ở quốc đảo Barbados và đang ở Thủ đô La Havana để được mổ cườm miễn phí. “Đáng lẽ tôi có thể làm phẫu thuật ở Barbados nhưng tôi phải đợi tới một năm do danh sách chờ mổ quá đông”, cụ Ward tâm sự. Những bệnh nhân khác thậm chí không có được sự chọn lựa như Ward do hệ thống y tế tại nhiều nước ở vùng Caribbe rất nghèo nàn và lạc hậu.
Ward là một trong vô số bệnh nhân nước ngoài tham gia chương trình Operacion Milagro (Phẫu thuật Huyền diệu) được chính phủ Cuba triển khai cách đây 5 năm. Tới nay, Operacion Milagro đã giúp phục hồi “cửa sổ tâm hồn” của hơn 1,6 triệu người. Operacion Milagro bắt nguồn từ một chương trình xóa mù chữ cho người lớn mà người dân Cuba thực hiện ở Venezuela. Họ phát hiện nhiều người không thể đọc hoặc viết do mắt của họ không thể nhìn thấy rõ.
“Lãnh tụ Fidel Castro luôn coi y tế là chính sách ưu tiên hàng đầu vì thế ông yêu cầu chúng tôi thiết kế một chương trình phẫu thuật nhanh và đơn giản, giống như một phép mầu để phục hồi thị lực của người dân”, bác sĩ Marcelino, giám đốc Bệnh viện Pando Ferrer đồng thời phụ trách chương trình Operacion Milagro, nhớ lại. Hiện nay, mỗi ngày, Bệnh viện Pando Ferrer có thể đảm nhận 300 ca phẫu thuật mắt, từ đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp cho tới ghép giác mạc.
Tham gia Operacion Milagro không chỉ có Bệnh viện Pando Ferrer mà còn có các bệnh viện trên khắp hòn đảo này. Ngoài ra, Cuba còn mở hàng chục trung tâm phẫu thuật mắt khắp các nước Mỹ La-tinh và nhiều khu vực ở châu Phi. Tuy nhiên, Operacion Milagro chỉ là một phần của chương trình trợ giúp y tế quốc tế mở rộng mà nhiều người gọi là chính sách “ngoại giao y tế” của Cuba. Năm 1963, xứ sở xì gà gửi đoàn chuyên gia y tế đầu tiên ra nước ngoài, đến Algérie trong giai đoạn quốc gia châu Phi này đấu tranh giành độc lập. Cùng thời gian, một nhóm bác sĩ khác của Cuba cũng được điều sang Angola.
Những năm gần đây, chương trình trợ giúp y tế của Cuba phát triển rất mạnh và trở thành trọng tâm trong chính sách ban giao quốc tế của đảo quốc này. Theo thống kê của chính phủ Cuba, hiện có 24.000 sinh viên từ các nước đang phát triển đang theo học ngành y ở đất nước này, trong đó có 10.000 sinh viên ở Trường Y khoa Mỹ La-tinh danh tiếng. Sinh viên nước ngoài học tập ở đây đều được nhận học bổng toàn phần với một điều kiện duy nhất khi tốt nghiệp họ trở về quê hương phục vụ. Ngoài ra, Cuba còn cử hàng nghìn chuyên gia y tế tới hoạt động nhân đạo tại 65 quốc gia trên thế giới. Khi Trung Quốc và Pakistan gặp thảm họa động đất, Cuba đã kịp thời gửi các đội phản ứng nhanh tới trợ giúp. Mặc dù Cuba không công bố kinh phí dành cho chương trình hỗ trợ y tế quốc tế nhưng con số này chắc chắn không nhỏ.
Cuba hưởng lợi rất nhiều từ chính sách “ngoại giao y tế”. Hiện có khoảng 20.000 chuyên gia y tế Cuba đang làm việc ở Venezuela. Đáp lại, Caracas cung ứng hơn 100.000 thùng dầu với giá ưu đãi. Thế nhưng cái được lớn nhất đối với Cuba, đó là chính sách ngoại giao y tế đã góp phần nâng cao hình ảnh của nước này trên khắp thế giới. Trong khi Mỹ vẫn đang cân nhắc khả năng chấm dứt bao vây cấm vận Cuba và ngỏ lời muốn đàm phán trực tiếp, tất cả các nước còn lại ở châu Mỹ đều có quan hệ ngoại giao với Cuba.
Honduras, đồng minh truyền thống của Washington ở Trung Mỹ, hiện gửi hơn 1.000 sinh viên y tới học tập tại Cuba. Ngoài ra, quốc gia này cũng được Cuba “cho mượn” bác sĩ sang làm việc tại các khu vực xa xôi hẻo lánh chưa có hệ thống y tế. “Tôi mong các nước khác trong khu vực cũng có chương trình trợ giúp y tế giống như Cuba”, Ngoại trưởng Honduras Patricia Rodas phát biểu trong một hội nghị của Phong trào Không liên kết ở La Havana gần đây. Tương tự, Cuba cũng trợ giúp y tế cho Belize, quốc gia Trung Mỹ từng là thuộc địa của Anh.
“Sinh viên y khoa của chúng tôi sẽ không bao giờ hoàn tất bằng đại học do vấn đề học phí. Tuy nhiên, họ đã được đến Cuba học miễn phí. Chúng tôi rất biết ơn về điều đó”, Badi Guerra, đại sứ Belize tại Cuba, nói.
MAI NGỌC (Theo BBC, CPV)