28/08/2009 - 07:48

Cử tri Nhật muốn thay đổi?

Thủ tướng Taro Aso (trái) và đối thủ Yukio Hatoyama.
Ảnh: Reuters

Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đối lập bước vào cuộc bầu cử Hạ viện vào ngày 30-8 tới với dự báo sẽ giành thắng lợi áp đảo, chấm dứt 54 năm cầm quyền gần như liên tục của đảng Dân chủ Tự do (LDP). Chủ tịch DPJ Yukio Hatoyama dường như chắc chắn sẽ thay thế Thủ tướng Taro Aso, bởi cử tri đất nước Mặt trời mọc muốn có sự thay đổi sau những năm trì trệ dưới thời LDP.

Các nhà lãnh đạo LDP cũng thừa nhận DPJ đang đứng trước cơ hội thắng lợi lịch sử, có thể giành được 2/3 số ghế ở Hạ viện và đủ điều kiện để tự quyết định các chính sách. Khảo sát của các báo lớn như Kyodo, Asahi công bố vào hôm qua 27-8 cho thấy DPJ có thể giành được hơn 300 trong số 480 ghế, trong khi LDP chỉ giành được khoảng 100 ghế (trong Hạ viện bị giải thể hồi tháng 7 vừa qua, DPJ chỉ có 112 ghế, so với 300 ghế của LDP). Nếu đúng như dự đoán thì DPJ sẽ kiểm soát cả lưỡng viện quốc hội vì đảng này hiện đang nắm Thượng viện.

Tuy nhiên, đảng nào giành thắng lợi trong cuộc bầu cử này cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức, trong đó nan giải nhất là tăng chi phúc lợi xã hội cho dân số già và giải quyết công nợ. Nhật hiện là quốc gia có tỷ lệ trẻ em thấp nhất thế giới, trong khi tỷ lệ người già lại cao nhất. Vấn đề này được xem là thảm họa nhân khẩu học hủy hoại dần nước Nhật mà LDP từ lâu đã không chú ý tới, trong khi DPJ xem đây là cơ hội để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri. Trong chiến dịch tranh cử, DPJ cam kết sẽ chu cấp 276 USD mỗi tháng cho cha mẹ nuôi trẻ từ nhỏ tới khi tốt nghiệp trung học. Bên cạnh đó, DPJ cho biết sẽ bỏ học phí trung học, không thu phí đường cao tốc, giảm thuế doanh nghiệp và tăng lương hưu tối thiểu, mà không cần tăng thuế tiêu dùng trong tương lai gần. DPJ cũng cam kết sẽ tìm cách ổn định công nợ, vốn đang chiếm tới 180% GDP, cao nhất trong số các nước công nghiệp.

Trong hơn 5 thập niên LDP nắm quyền, chính sách đối ngoại của Tokyo chủ yếu là hợp tác gần gũi với Washington, vốn đảm bảo an toàn cho Nhật với hơn 40.000 binh sĩ Mỹ được triển khai, chủ yếu tại đảo Okinawa. DPJ theo xu hướng trung tả tỏ ra không thích mối quan hệ lệ thuộc này. Các nhà lãnh đạo DPJ muốn có chính sách đối ngoại gần gũi hơn với châu Á. Lãnh đạo DPJ cũng cho biết sẽ xem xét chấm dứt vai trò tiếp nhiên liệu của hải quân Nhật cho tàu chiến Mỹ ở Ấn Độ Dương, và cắt giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ. Nói cách khác, nếu thắng cử, DPJ dường như sẽ tập trung nhiều hơn vào các mối quan hệ với các nước láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN, đồng thời tìm cách có vị thế cân bằng hơn với đồng minh bên kia bờ Thái Bình Dương.

NGUYỄN MINH-P.N
(Theo AP, Reuters, Bloomberg)

Hai đối thủ giành ghế thủ tướng Nhật lần này đều là những chính trị gia “con nhà nòi” Ông Taro Aso (69 tuổi) là cháu ngoại của cố Thủ tướng Shigeru Yoshida, và con rể của cố Thủ tướng Zenko Suzuki. Còn ông Yukio Hatoyama (62 tuổi) là cháu nội của cố Thủ tướng Ichiro Hatoyama, và con trai của cố Ngoại trưởng I’ichiro Hatoyama.


Thủ tướng Taro Aso (trái) và đối thủ Yukio Hatoyama. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết