30/12/2018 - 16:43

CPTPP chính thức có hiệu lực 

Ngày 30-12, Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt của 11 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, không bao gồm Mỹ, đã chính thức có hiệu lực.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh (bìa phải) tham gia lễ ký Hiệp định CPTPP tại Chile ngày 8-3. Ảnh: Reuters

 

Theo đó, Úc, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore sẽ lập tức cắt giảm 90% thuế quan đối với lượng hàng hóa trao đổi giữa 6 nước. Việt Nam phê chuẩn CPTPP ngày 12-11 và thông báo cho New Zealand (nước lưu chiểu hiệp định) ngày 15-11, nên 60 ngày sau, tức vào ngày 14-1-2019, hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực. Bốn quốc gia khác là Brunei, Chile, Malaysia và Peru sẽ nối gót theo sau vì còn chờ chính phủ của họ phê chuẩn thỏa thuận.

Reuters cho biết CPTPP là phiên bản nâng cấp của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận bao gồm cả Mỹ. Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama từng chú trọng thúc đẩy hiệp định này vì ông muốn Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, dẫn đầu về thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, Washington đã rút khỏi các cuộc đàm phán TPP hồi tháng 1-2017 ngay sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống. Trong chiến dịch tranh cử trước đó, ông Trump gọi TPP là mối nguy lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ và tuyên bố sẽ ưu tiên cho các hiệp định thương mại song phương.

Dù không có Mỹ, CPTPP vẫn được xem là một trong các thỏa thuận thương mại đa phương lớn nhất, với qui mô dân số hơn 502 triệu người, tổng giá trị GDP 10.000 tỉ USD và chiếm 14% GDP thế giới. Ngoài giảm thuế đối với sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp, giảm bớt các rào cản thương mại và đầu tư giữa 11 nước thành viên, thỏa thuận này còn tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các điều khoản nhằm nâng cao tiêu chuẩn lao động tối thiểu đối với người lao động ở các nước. Nhìn chung, CPTPP được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Thương mại New Zealand David Parker cho biết CPTPP một khi có hiệu lực sẽ giúp các nhà xuất khẩu New Zealand tiết kiệm tiền thuế ước tính lên tới 222 triệu đô-la New Zealand (hơn 149 triệu USD) mỗi năm. Trong khi đó, Úc chờ đợi hiệp định mang đến nhiều thuận lợi cho ngành xuất khẩu nông sản, bao gồm lúa mì và điều này đang khiến các đối thủ cạnh tranh từ Mỹ lo lắng. “Nhật Bản nhìn chung là một thị trường mà chúng tôi tìm cách duy trì 53% thị phần, nhưng giờ đây chúng tôi đang phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ” - Chủ tịch Hiệp hội lúa mì Mỹ Vince Peterson nêu ví dụ. Theo ông, kể từ ngày 1-4-2019, lúa mì Mỹ sẽ bị đánh thuế 14 USD/tấn, nên giá bán ra sẽ bất lợi hơn so với Úc và Canada.

Đồng quan điểm, các nhà quan sát cho rằng thỏa thuận CPTPP có thể gây tổn thất to lớn cho nông dân Mỹ. Nếu Mỹ tham gia thỏa thuận, xuất khẩu thịt heo, thịt bò và lúa mì sang các nước như Nhật Bản và Singapore sẽ tăng lên. Nhưng nay, hàng hóa của Mỹ sẽ kém cạnh tranh hơn do các sản phẩm xuất khẩu nói trên từ các thành viên CPTPP sẽ rẻ hơn ở các thị trường này.

Viện kinh tế quốc tế Peterson ước tính tổng GDP của các nước tham gia CPTPP sẽ tăng khoảng 1%, trong đó, Việt Nam và Peru là hai quốc gia có mức tăng lớn nhất. Tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận này cũng ước tính nếu tham gia thỏa thuận, GDP của Mỹ sẽ tăng khoảng 130 tỉ USD, còn bây giờ, xứ cờ hoa thiệt hại khoảng 2 tỉ USD vì hàng hóa xuất khẩu của họ sẽ cạnh tranh không lại ở các nước CPTPP. Đây có thể xem là dấu hiệu điển hình cho thấy không tham gia CPTPP là một thiệt thòi của Mỹ.

THANH TRÚC (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
CPTPP