31/03/2020 - 06:56

COVID-19 thách thức tinh thần đoàn kết trong EU 

Liên minh châu Âu (EU) lại phải chịu sức ép mới, lần này là Ý và Tây Ban Nha cầu xin sự trợ giúp khẩn cấp để chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, Đức lưỡng lự với bất cứ giải pháp mới nào.

Bộ trưởng Tài chính Đức Scholz. Ảnh: AP

Đây là thời khắc khó khăn nhất đối với EU kể từ khi thành lập và liên minh này phải sẵn sàng đối đầu với thử thách từ COVID-19” - Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhấn mạnh trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 29-3. Ông Sanchez cảnh báo EU rằng thiếu đoàn kết trong chia sẻ gánh nặng tài chính của cuộc khủng hoảng y tế và suy thoái kinh tế sắp xảy ra sẽ đe dọa tương lai của tổ chức ra đời sau Thế chiến thứ hai này. Do vậy, Thủ tướng Tây Ban Nha kêu gọi “lục địa già” phải đưa ra giải pháp đoàn kết về kinh tế và xã hội. Cùng ngày, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte cũng lên tiếng thúc giục châu Âu chứng minh họ có thể đáp lại lời kêu gọi mang tính lịch sử hiện nay. Ông Conte tuyên bố sẽ chiến đấu cho tới gram năng lượng cuối cùng để giành được sự phản ứng đoàn kết và mạnh mẽ của châu lục. Ý và Tây Ban Nha hiện là 2 nước có số người chết vì COVID-19 cao nhất thế giới.

Trong cuộc suy thoái kinh tế năm 2008, các nước như Hy Lạp và Bồ Đào Nha từng phải “ngửa tay” cầu cứu gói cứu trợ và cắt giảm ngân sách cũng như các dịch vụ xã hội.

Lần này, Tây Ban Nha, Ý, Pháp cùng với 6 thành viên khác trong EU đồng thanh kêu gọi Brussels ủng hộ cái gọi là biện pháp cứu trợ “trái phiếu corona” để giúp chống dịch COVID-19. Dù vậy, ý tưởng này lập tức nhận gáo nước lạnh.

Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz ngày 29-3 khẳng định điều quan trọng là đảm bảo các quốc gia có thể xử lý nhiệm vụ khó khăn này. Bộ trưởng Scholz cho rằng sự hợp tác trong châu Âu là cần thiết, nhưng lại né tránh câu hỏi về trái phiếu corona. Thay vào đó, ông nhấn mạnh các nước đang thảo luận về việc huy động tiền từ quỹ cứu trợ Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) mà Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tạo ra trong cuộc khủng hoảng nợ công cách đây một thập niên. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng không mặn mà với trái phiếu corona, khi ám chỉ đó “chỉ là một khẩu hiệu”. 

 Thật ra, không chỉ Đức nhắc nhở về sự thận trọng. Những nước như Hà Lan và Phần Lan cũng cho thấy sự dè dặt về việc tung ra gói cứu trợ mới, bởi nó có thể để lại tác động lâu dài đối với tài chính tập thể của châu Âu. Một số quốc gia thì muốn tiết kiệm tiền để đề phòng trường hợp khủng hoảng COVID-19 tồi tệ hơn, và cũng lo ngại về một hệ thống mà ở đó các nước vốn “thắt lưng buộc bụng” ở phía Bắc phải thường xuyên trợ cấp cho những thành viên đang vật lộn với nợ nần tại phía Nam.

Điểm yếu về tinh thần đoàn kết của EU dường như đã lộ ra từ giữa tháng này. Đó là chuyện Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic gửi yêu cầu trợ giúp đến Trung Quốc, chứ không phải bất cứ quốc gia láng giềng nào tại châu Âu. Ông Vucic thẳng thừng nói: “Ở châu Âu không tồn tại hai chữ đoàn kết. Đó chỉ là câu chuyện cổ tích trên giấy”. Được biết, Bắc Kinh đã gửi tặng Belgrade các bộ xét nghiệm COVID-19 cũng như cử đội ngũ chuyên gia y tế giàu kinh nghiệm đến hỗ trợ nước này chống dịch.

Chia rẽ giữa Nam và Bắc đã đeo bám EU trong nhiều năm, nay nổi lên giữa lúc SARS-CoV-2 tàn phá ghê gớm châu lục này. 

Na Uy tăng lượng phát hành trái phiếu chính phủ
Trong nỗ lực giảm thiểu tác động do dịch COVID-19, ngày 30-3, Ngân hàng Trung ương Na Uy thông báo tăng lượng trái phiếu chính phủ phát hành trong năm nay có giá trị lên tới khoảng 70-80 tỉ krone (6,68- 8,11 tỉ USD). Bước đi này được đưa ra sau khi Chính phủ Na Uy quyết định dành các khoản vay trị giá hàng chục tỉ krone trong quỹ khẩn cấp cho các công ty chịu thiệt hại do đại dịch COVID-19. 
Trong khi chi tiêu ngân sách tài khóa của Na Uy được lấy từ tiền thuế, nguồn thu dầu mỏ và quỹ phúc lợi quốc gia quy mô lớn, các chương trình cho vay chính phủ dành cho học sinh, sinh viên và các công ty được huy động thông qua trái phiếu chính phủ.

HẠNH NGUYÊN (Theo AP)

Chia sẻ bài viết