25/03/2013 - 22:23

GIÁO VIÊN MẦM NON

Công việc nặng, thu nhập thấp !

giáo Trường mầm non Thới Đông chăm bón cho các bé trong giờ ăn.

Mầm non là bậc học quan trọng, nền tảng và cũng là bước khởi đầu hình thành nhân cách cho học sinh. Những ghi nhận của Đoàn giám sát HĐND thành phố về chính sách đối với giáo viên mầm non vừa qua tại 2 huyện Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh cho thấy giáo viên mầm non thường phải làm việc quá giờ nhưng lại không được trả lương tương xứng với công sức và thời gian làm việc.

Cô Nguyễn Thị Thanh Ngọc, giáo viên Trường Mầm non Thới Đông (huyện Cờ Đỏ) đã có thâm niên 9 năm với nghề nuôi dạy trẻ. Cô Ngọc cho biết: “Mặc dù đã được lên lương trước hạn 1 năm nhưng cộng tất cả các khoản, từ lương đến phụ cấp, mỗi tháng tôi lãnh hơn 3 triệu đồng. Số tiền này, dành trang trải chi phí học tập của 2 đứa con ”. Với mức thu nhập như thế, đời sống giáo viên mầm non ở vùng ven gặp rất nhiều khó khăn.

Tiền lương ít ỏi tỷ lệ nghịch với áp lực công việc khá lớn nên phải yêu nghề lắm các giáo viên ở đây mới bám trụ. Giáo viên mầm non thiệt thòi hơn những ngành khác là đi sớm về trễ, được ví von là những người không thấy mặt trời. Lịch trình của cô giáo mầm non bắt đầu từ 6 giờ 30 và kết thúc khi học sinh được phụ huynh đón về hết. Theo lời cô Ngọc, một ngày làm việc của mình và đồng nghiệp khá vất vả. Sáng sớm, cô đã có mặt ở trường để dọn vệ sinh lớp học và đón học trò. Công việc liên tục đến sau 5 giờ chiều, trong khoảng thời gian đó, cô Ngọc vừa dạy học vừa trông chừng trẻ và phải làm thêm rất nhiều công việc khác. Do là lớp học bán trú nên các cô càng vất vả hơn, gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Buổi trưa, chờ học trò đi ngủ, các cô mới thay nhau vội vàng ăn cơm rồi lại đi kiểm tra gối mền, canh chừng vì trẻ có thể thức giấc hay đòi đi vệ sinh bất kỳ lúc nào...

Tối về cô Ngọc còn chuẩn bị học cụ cho ngày hôm sau. Để tiết học hiệu quả ngoài việc đầu tư cho giáo án, cô Ngọc tự bỏ tiền túi ra làm đồ dùng dạy học...

Cô Nguyễn Thị Thúy Liễu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thới Đông, cho biết: “Trường khó khăn về kinh phí và thiếu giáo viên nên chưa có điều kiện thực hiện theo Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 10 năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ làm việc với giáo viên mầm non. Vì vậy, chế độ tiền lương cho giáo viên còn thấp so với công sức lao động”. Giáo viên mầm non không chỉ lên lớp như nhiều giáo viên ở các cấp học khác mà phải “kiêm nhiều vai”: mẹ, y tá để chăm sóc trẻ. Cũng như các cô giáo khác, cô Thân Thị Mai Liên, giáo viên Trường Mầm non thị trấn Thạnh An (huyện Vĩnh Thạnh), chăm từng miếng ăn giấc ngủ cho học trò của mình. Công tác 2 năm, tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mầm non, thu nhập của cô Liên trên 3 triệu đồng/tháng, gói ghém lắm chỉ đủ trang trải tiền ăn và tiền xăng, xe, trong khi giá cả hàng hóa ngày càng tăng. Mỗi ngày, cô Liên phải chạy xe gắn máy khoảng 10 cây số, rồi qua đò để đến trường. Cô Liên cho biết: “Công việc ở trường không hề nhẹ nhàng. Các ngành khác làm 8 tiếng nhưng chúng tôi phải làm 12 tiếng. Buổi tối về nhà, tôi tranh thủ soạn giáo án, ghi chép sổ quan sát, chuẩn bị đồ chơi, dụng cụ học tập cho ngày hôm sau”.

Ban giám hiệu Trường Mầm non Thị trấn Thạnh An luôn đảm bảo các chế độ chính sách khác cho công chức viên chức theo quy định. Thực hiện Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 10 năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ làm việc với giáo viên mầm non, cô Trần Thị Tuyết Khánh, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Thạnh An, cho biết: “Thông tư chưa xác định rõ công chức, viên chức nên trường gặp khó khăn khi thực hiện giảm giờ các chức danh như: Bí thư chi bộ, Chủ tịch hội đồng trường... Hiện nay, giáo viên thực hiện giờ công từ 6 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút nhưng chưa có chế độ nào để chi vào thời gian công tác ngoài quy định. Cần có công văn hướng dẫn cụ thể thực hiện thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non và giải quyết chế độ ngoài giờ”.

Bà Trần Thị Xuân Mai, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Cần Thơ, cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của các cô giáo mầm non trong công tác dạy trẻ, ghi nhận ý kiến của giáo viên các trường sau chuyến giám sát này. Đồng thời, sẽ có báo cáo tổng hợp trình Thường trực HĐND thành phố xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, đảm bảo tốt hơn đời sống giáo viên mầm non, để các cô có thể an tâm dạy tốt, làm tròn trách nhiệm của mình”.

Bài, ảnh: MINH HOÀNG

Chia sẻ bài viết