31/08/2019 - 13:32

Công ty Mỹ bị kẹt trong thương chiến 

Khi tuyên bố nâng mức thuế mới lên hàng hóa Trung Quốc hôm 24-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rõ rằng nếu cần thiết, ông sẵn sàng cắt đứt quan hệ với Bắc Kinh để giành chiến thắng trong cuộc thương chiến  này.

Chúng ta không cần Trung Quốc và thật lòng sẽ tốt hơn nếu không có họ” – Tổng thống Trump viết trên Twitter. Tuy nhiên, một lượng lớn các công ty Mỹ đang rất cần Trung Quốc và sẽ rơi vào tình trạng khốn khó nếu như thương chiến Mỹ-Trung kéo dài quá lâu. Hiện các công ty của Mỹ như Starbucks, Nike, Boeing… “kiếm bộn” nhờ việc phục vụ tầng lớn trung lưu Trung Quốc.

Patrick Chovanec, chiến lược gia trưởng tại Công ty quản lý tài sản Silvercrest, cho hay chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh KFC bán gà rán tại Trung Quốc nhiều hơn ở Mỹ. “Tại Trung Quốc, bất kỳ nơi nào bạn đặt chân đến thì cũng có mặt KFC, Starbucks và McDonald’s” – ông Chovanec nhấn mạnh. Trong khi đó, hãng chế tạo ôtô General Motors cùng với đối tác Trung Quốc đã bán được 3,6 triệu chiếc tại nước này hồi năm ngoái, nhiều hơn cả lượng xe bán ra ở Mỹ. Đáng chú ý, khoảng 1/3 số động cơ do hãng Cummins chế tạo được bán tại Trung Quốc vào năm ngoái. “Trung Quốc đã trở thành thị trường bán hàng lớn nhất của các công ty Mỹ quy mô lớn” - Shaun Rein, Giám đốc điều hành Tập đoàn Nghiên cứu thị trường Trung Quốc (CRM), nơi từng giúp nhiều công ty Mỹ làm ăn tại đây, cho biết. Tầng lớp trung lưu Trung Quốc hiện nay lớn hơn toàn bộ dân số Mỹ và cơ hội kiếm tiền của các công ty Mỹ nằm ở đây. 

Dòng xe Cadillac của General Motors bán rất chạy tại Trung Quốc. Ảnh: NPR

Song, trong bối cảnh cuộc  chiến thương mại nổ ra, các công ty Mỹ đang đứng trước bờ vực bị trả đũa bởi Trung Quốc từng có tiền lệ nhắm mục tiêu vào các doanh nghiệp mà họ không hài lòng. Chẳng hạn, sau khi tập đoàn khách sạn Marriott gọi Đài Loan là một quốc gia trên trang web của mình, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu đóng cửa trang web đặt phòng trực tuyến của công ty này tại đây trong vòng một tuần. Ngoài ra, Trung Quốc còn nhắm vào hãng hàng không Cathay Pacific của Hong Kong giữa lúc nổ ra các cuộc biểu tình gần đây. Nghiêm trọng hơn, sau khi Hàn Quốc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ, Bắc Kinh hồi năm 2017 đã lệnh các cơ quan du lịch không cho phép du khách đến Hàn Quốc theo hình thức du lịch nhóm, khiến ngành du lịch xứ kim chi bị tổn thất nghiêm trọng.

Giới chuyên gia cho rằng Chính phủ Trung Quốc có thể dễ dàng gây khó dễ đối với các công ty Mỹ bằng cách làm chậm quá trình cấp phép hoạt động đối với các cửa hàng mới hoặc đưa ra hình phạt cứng rắn đối với các lỗi vi phạm nhỏ. Bắc Kinh thậm chí có thể khuyến khích người tiêu dùng tẩy chay các công ty, buộc họ phải về nước. 

Các tập đoàn toàn cầu, từ hãng phần mềm Microsoft cho đến nhà sản xuất xe đạp Giant Manufacturing, đang lần lượt rút khỏi Trung Quốc. Hôm 22-8 vừa qua, nhà cung cấp hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới Li & Fung trong một tuyên bố cho biết đang tích cực hỗ trợ khách hàng, gồm những “ông lớn’’ bán lẻ, di dời hoạt động từ Trung Quốc đến các khu vực khác. Được biết, Li & Fung từng giúp một hãng bán lẻ của Mỹ cắt giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc từ mức 70% xuống còn 20% chỉ trong vòng 2 năm.

TRÍ VĂN (Theo NPR, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết