BẢO LAM (Tổng hợp từ FashionUnited, Vogue)
Cũng như ở nhiều ngành nghề khác, lĩnh vực thời trang cũng đang diễn ra những thay đổi quan trọng khi công nghệ đang dần chiếm những vai trò thiết yếu. Sự kết hợp giữa công nghệ và thời trang đã tạo những bước ngoặt trong ngành, nhất là có sự ra đời của AI (Trí tuệ nhân tạo).

AI có thể nhận định được xu hướng và thiết kế ra những sản phẩm phù hợp dựa trên dữ liệu được nhập.
Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp thời trang ước tính có thể đạt 3.000 tỉ USD toàn cầu vào năm 2030. Lợi nhuận từ thời trang vẫn luôn không ngừng tăng, nhất là trong phân khúc xa xỉ phẩm. Đồng thời với đó là trong ngành công nghiệp này, công nghệ được ứng dụng phổ biến và AI xuất hiện trong hầu hết các khâu. Theo đó, các thương hiệ u, các nhà bán lẻ đã sử dụng AI để dự đoán xu hướng hay dự báo bán hàng. Thông qua AI, các nhãn hàng, các nhà bán lẻ có thể nhận biết những gì đang “hot” và xu hướng lựa chọn của từng thị trường khách hàng. Không chỉ thế, AI còn tham gia vào nhiều khâu quan trọng khác của ngành thời trang như thiết kế trang phục, xây dựng chiến lược quảng bá, bán hàng, bảo mật bản quyền… Có thể nói, AI đang trở thành yếu tố quan trọng trong lập trình lại ngành công nghiệp thời trang.
Những nhà thiết kế từ trí tuệ nhân tạo đang dần hình thành khi các nhãn hàng đang hướng đến việc sử dụng AI để thiết kế sản phẩm. Từ rất sớm, vào năm 2019, một nhà thiết kế AI có tên DeepVogue đã đứng thứ hai chung cuộc và giành được giải thưởng Sự lựa chọn của khách hàng tại cuộc thi Sáng tạo thiết kế thời trang quốc tế của Trung Quốc. DeepVogue được tạo bởi công ty công nghệ Shenlan Technology, có khả năng tạo ra các thiết kế dựa trên các từ khóa và hình ảnh được nhập theo chủ đề. Các nhà thiết kế AI có thể giúp những hãng thời trang nhanh chóng rút ngắn thời gian thiết kế từ vài tháng, vài năm xuống chỉ còn vài ngày, thậm chí theo thời gian thực. Ngoài ra, AI còn giúp phân tích thiết kế có khả thi hay không, đưa ra được hoạch toán về chi phí, thời gian sản xuất dựa trên nguồn dữ liệu được đưa vào. Hiện nhiều đơn vị đang hướng đến việc tạo ra những AI trong mảng thời trang. Cụ thể, Google, Zalando đang xây dựng và đào tạo AI thành một mạng lưới thần kinh có thể hiểu màu sắc, kết cấu, sở thích phong cách và các thông số thẩm mỹ từ các báo cáo thời trang. Từ đó, AI sẽ tạo ra thiết kế dựa trên sở thích của từng đối tượng khách hàng. Còn Amazon cũng tạo ra AI để đánh giá xem một mặt hàng có hợp với xu hướng hay không.
Ngoài AI, robot cũng đang được các công ty thời trang sử dụng nhiều. Robot giúp gia tăng sản lượng, giảm thời gian, giảm chi phí sản xuất. Các robot may vá của công ty Sewbot đã giúp công ty giảm tải nhiều khâu, từ đó giảm chi phí sản xuất áo phông của một nhà cung cấp xuống chỉ còn 0,33 USD/chiếc. Các công ty thời trang và công nghệ như Siemens của Đức, Levi’s của Mỹ đang âm thầm phát triển một loại robot có thể thay thế con người để may quần jean. Eugen Solowjow, người đứng đầu một dự án tại phòng thí nghiệm của Siemens ở San Francisco (Mỹ), cho biết: “Ý tưởng sử dụng robot để đưa nhiều hoạt động sản xuất may mặc có từ thời điểm dịch COVID-19 xảy ra khiến chuỗi cung ứng tắc nghẽn. Chúng tôi thấy rõ những rủi ro khi phụ thuộc vào các nhà máy ở xa và cần có những thay đổi”. Phòng thí nghiệm này đã nghiên cứu sản xuất áo quần tự động kể từ năm 2018. Ngày nay, việc đưa robot vào mỗi công đoạn sản xuất đang được các đơn vị chú trọng. Cụ thể như công đoạn gấp quần áo được xem là khâu tốn thời gian và nhân công nhất trong chuỗi cung ứng hàng dệt may. Do đó, những robot SpeedFolding đã ra đời. SpeedFolding có thể gấp 30-40 quần áo được sắp xếp ngẫu nhiên mỗi giờ, giúp các xưởng sản xuất giảm thiểu rất nhiều về nhân công và thời gian. Tự động hóa trong quy trình sản xuất của ngành dệt may và thời trang ngày càng được chú trọng khi có nhiều loại robot ở các khâu được ra đời.