10/05/2009 - 09:06

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện QCDC thành phố:

Công khai hóa các vấn đề có liên quan đến đời sống nhân dân

 

Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDCƠCS) theo Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. Việc thực hiện có hiệu quả chủ trương này ở nhiều địa phương, đơn vị trong TP Cần Thơ, khiến nhân dân phấn khởi, hưởng ứng nhiệt tình. Nhờ vậy, ý thức làm chủ, ý thức thực hiện nghĩa vụ công dân không ngừng được nâng cao, trách nhiệm và tình cảm với cộng đồng được thể hiện rõ nét, phát huy được sức mạnh trong nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị, cơ quan. Nhân dịp tổng kết 10 năm triển khai và thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW, phóng viên Báo Cần Thơ phỏng vấn đồng chí Trần Thanh Mẫn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC thành phố, xoay quanh vấn đề này.

* Đồng chí đánh giá như thế nào qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị?

Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở được thực tế khẳng định là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, trực tiếp thúc đẩy phát triển KT-XH, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh. QCDC ở cơ sở đã mang lại hiệu quả và ý nghĩa thiết thực về nhiều mặt, góp phần làm chuyển biến nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển KT-VH-XH, đảm bảo cho người dân có điều kiện tham gia trực tiếp xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền, đoàn thể với nhân dân. Trong 10 năm qua, thành phố đã xây dựng và thực hiện tốt QCDC, phát huy quyền làm chủ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Người dân cùng chính quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng ngành nghề, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập cho người dân. Tỷ lệ hộ giàu tăng, hộ nghèo giảm. Nhân dân tự nguyện đóng góp hơn 1.200 tỉ đồng, thực hiện 8.650 công trình lớn nhỏ. Trong thời gian qua, nhờ thực hiện tốt QCDC đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là giải quyết những điểm nóng...

Thực hiện tốt QCDC cũng góp phần tác động tích cực tới việc củng cố, đổi mới, nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thúc đẩy việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh; tạo điều kiện để người dân tự bàn việc dân, tự giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp nội bộ, xây dựng tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết, đồng thuận trong cộng đồng dân cư. Nhiều việc bức xúc của nhân dân được xem xét và giải quyết ổn thỏa. Trong cơ quan, doanh nghiệp, việc thực hiện tốt QCDC là dịp để cán bộ công chức, công nhân, người lao động được biết nhiều hơn, có cơ hội tham gia bàn bạc giải quyết khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy cơ quan, doanh nghiệp đổi mới hoạt động. Nâng cao nhận thức trong cán bộ công chức, công nhân, người lao động tự giác thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, có trách nhiệm tham gia xây dựng định mức, chỉ tiêu kế hoạch, tiêu chuẩn kỹ thuật, phát huy lao động sáng tạo, áp dụng thành tựu khoa học và công nghệ; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người lao động.

* Tuy nhiên, thời gian qua, từng lúc, từng nơi vẫn còn tình trạng vi phạm quyền làm chủ của người dân, như trong công tác quy hoạch, bồi thường, giải tỏa, triển khai một số dự án; trong các công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm; trong vận động thu các khoản quỹ, phí... Theo đồng chí, tồn tại ấy do đâu?

- Tuy thành phố đã xây dựng và thực hiện QCDC khá tốt, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề từng lúc, từng nơi phải tiếp tục chấn chỉnh, uốn nắn và nghiêm túc rút kinh nghiệm. Phương châm thực hiện dân chủ là “Dân phải được biết, được bàn, được giám sát, kiểm tra”, nhưng có những nơi, những việc người dân chưa được biết, chưa được bàn và không có điều kiện để kiểm tra, giám sát... gây bất bình trong nhân dân, có khi tạo thành điểm nóng, nhất là công tác bồi hoàn, giải tỏa, tái định cư, việc triển khai các dự án...

Có thể nói nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận cấp ủy, chính quyền, nhất là cán bộ chủ chốt, chưa nhận thức đầy đủ các quan điểm và tư tưởng chỉ đạo của Trung ương, còn quan liêu, xa rời dân, thiếu tôn trọng dân, không công khai minh bạch. Có trường hợp công khai nhưng mang tính hình thức, công khai không tới nơi tới chốn, dân không hiểu, công khai qua loa, chiếu lệ, không quan tâm tới ý kiến người dân và cũng không giải quyết thấu tình đạt lý. Có nơi chưa xin ý kiến dân (như Pháp lệnh 34 đã quy định) mà đã triển khai dự án, làm dân rất bất bình, lòng dân không yên, giảm sút lòng tin vào Đảng, chính quyền. Tuy nhiên, cũng còn yếu tố khách quan: Cần Thơ là một thành phố trẻ, nhịp độ đô thị hóa rất cao, diễn ra liên tục; cán bộ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu, từng lúc, từng nơi còn lúng túng, dẫn đến sai sót. Mặt khác, cũng công bằng mà nói, vẫn có số ít người dân chưa có thiện chí hợp tác, dân chủ quá trớn, vi phạm kỷ cương phép nước, gây rất nhiều khó khăn trong công tác bồi hoàn, giải tỏa, tái định cư...

* Đâu là bài học kinh nghiệm đã rút ra được qua 10 năm thực hiện QCDC ở cơ sở, thưa đồng chí?

- Những thành tựu quan trọng sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 30 đã chứng minh QCDC ở cơ sở trở thành động lực quan trọng trong phát triển KT-XH. Sự hưởng ứng và thực hiện một cách sáng tạo, có kết quả của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đối với một chủ trương quan trọng của Đảng, Nhà nước ta, thực hiện tốt QCDC chính là làm cho “Ý Đảng hợp với lòng dân”. Chính vì thế, trong 10 năm qua, kinh nghiệm của Cần Thơ là nơi nào cấp ủy, chính quyền (nhất là người đứng đầu) nhận thức sâu sắc và đầy đủ về tầm quan trọng của việc thực hiện QCDC theo tinh thần Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Nghị định của Chính phủ, các vấn đề có liên quan tới người dân phải đem ra bàn bạc, xin ý kiến dân, trao đổi thấu tình đạt lý; trong cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp phải thực sự dân chủ, dân chủ trong đảng, dân chủ giữa cấp trên với cấp dưới, dân chủ giữa chủ doanh nghiệp với công nhân, người lao động, thì nơi đó hiệu quả công việc cao, đoàn kết nội bộ, hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra và ngược lại những nơi chưa thực hiện QCDC hoặc thực hiện không đầy đủ, dân chủ hình thức, sớm hay muộn dẫn tới mất đoàn kết, không hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch và có khi tạo thành điểm nóng...

* Theo đồng chí, thời gian tới cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm nào để thực hiện tốt hơn nữa QCDC ở cơ sở?

- Trước hết, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương chỉ đạo của Đảng về thực hiện QCDC ở cơ sở. Tuyên truyền sâu rộng trong nội bộ Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và ra tận nhân dân. Thực hiện nghiêm túc theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng “Xác định rõ trách nhiệm hàng đầu trong việc chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tại mỗi đơn vị thuộc về cấp ủy Đảng, trước hết là Bí thư cấp ủy và thủ trưởng đơn vị...”.

Các cấp ủy Đảng cần cụ thể hóa chủ trương, quy định các hình thức giám sát của dân đối với tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên. Xây dựng quy chế mở rộng dân chủ trong sinh hoạt Đảng, đoàn thể. Gắn việc thực hiện QCDC với cải cách hành chính, tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến và giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của nhân dân, đổi mới phong cách phục vụ nhân dân “Trọng dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu và làm dân tin”.

Công khai hóa các vấn đề có liên quan tới dân như thuế, hải quan, các khoản thu, chi trong dân, việc triển khai các dự án, bồi hoàn, giải tỏa, tái định cư... tạo điều kiện để dân được biết, được bàn, được giám sát, kiểm tra. Đối với cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp phải tổ chức tốt hội nghị cán bộ công chức, hội nghị cổ đông hàng năm, các vấn đề có liên quan tới cán bộ công chức, công nhân, người lao động phải được đưa ra bàn bạc, công khai, dân chủ. Kiện toàn và phát huy vai trò hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân.

Ban Chỉ đạo QCDC các cấp phải được kiện toàn, củng cố, bổ sung thêm thành viên để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Phân công cụ thể trách nhiệm từng thành viên, định kỳ họp rút kinh nghiệm và báo cáo về ban Chỉ đạo thành phố. Hàng năm, các cấp ủy có tổng kết, biểu dương khen thưởng những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt QCDC và nghiêm túc phê bình, chấn chỉnh, uốn nắn những đơn vị, cá nhân sai phạm.

Tăng cường vai trò giám sát thực hiện QCDC của Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân. Xây dựng và ban hành quy chế giám sát đầu tư tại cộng đồng dân cư, giám sát việc thực hiện chương trình dự án ở cơ sở. Ban Chỉ đạo QCDC các cấp kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất các địa phương, đơn vị khi có vấn đề bức xúc trong dân, trong cán bộ công chức, công nhân, người lao động.

* Xin cảm ơn đồng chí!

THANH THY (thực hiện)

Chia sẻ bài viết