14/07/2021 - 12:39

Công cụ “ảo”, kết quả chẩn bệnh thật 

Đối với nhiều căn bệnh, chẩn đoán sớm vừa giúp cải thiện kết quả điều trị vừa tăng cơ hội sống cho bệnh nhân. Nhờ sự hỗ trợ từ công nghệ máy tính tiên tiến và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), các nhà khoa học thế giới đang mang đến những phương pháp giúp chẩn bệnh nhanh và chính xác hơn các phương pháp tầm soát truyền thống.

Công cụ AI cho phép nhận diện nhanh và sớm ung thư tuyến tiền liệt ngay cả khi người bệnh chưa có triệu chứng.

Công cụ AI cho phép nhận diện nhanh và sớm ung thư tuyến tiền liệt ngay cả khi người bệnh chưa có triệu chứng.

Đơn cử, nhóm nghiên cứu tại Đại học Cambridge (Anh) vừa giới thiệu một kỹ thuật sinh thiết “ảo” cho phép các bác sĩ lấy ít mô khối u hơn, nhưng có thể chẩn đoán chính xác hơn phương pháp sinh thiết hiện tại. Thành tựu này hứa hẹn giúp bệnh nhân ít đau đớn và ít căng thẳng hơn.

Thông thường, đa số bệnh nhân ung thư phải trải qua ít nhất 1 hoặc nhiều lần lấy mẫu mô làm sinh thiết để các bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác và lập phác đồ điều trị. Tuy nhiên, do đây là một thủ thuật xâm lấn gây đau đớn, nên cần tính toán giảm thiểu số lần thực hiện và đảm bảo lấy mẫu chính xác các tế bào bất thường về mặt di truyền trong khối u, đặc biệt là đối với bệnh nhân ung thư buồng trứng.

Trong khi đó, kỹ thuật do Giáo sư Evis Sala và nhóm cộng sự đa ngành phát triển sử dụng các kỹ thuật tính toán tiên tiến để phát hiện “tính không đồng nhất” của khối u từ những hình ảnh siêu âm tiêu chuẩn. Được biết, “tính không đồng nhất” (chứa thông tin về các tế bào ung thư khác biệt) trong khối u là yếu tố quan trọng để bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất, bởi các tế bào khác nhau sẽ phản ứng khác nhau với các liệu pháp.

Để thực hiện sinh thiết “ảo”, các bệnh nhân ung thư vú tiến triển ở giai đoạn muộn được chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) để tạo ra hình ảnh 3D của khối u. Sau đó, các nhà nghiên cứu sử dụng một quy trình được gọi là “xạ hình” để lập bản đồ các khu vực và đặc điểm riêng biệt của khối u. Bản đồ khối u sau đó được chồng lên hình ảnh siêu âm của khối u để đưa ra hình ảnh kết hợp cuối cùng, giúp bác sĩ quyết định quy trình sinh thiết phù hợp nhất cho bệnh nhân. 

Bằng phương pháp sinh thiết “ảo” mới, nhóm nghiên cứu xác định được sự đa dạng của các tế bào ung thư trong khối u mà không cần “đụng tới dao kéo”. Hơn nữa, kỹ thuật này còn cho phép họ lấy mẫu khối u phức tạp với lượng mô ít hơn, giảm thiểu đau đớn cho người bệnh.

Trong khi đó, các nhà khoa học tại Đại học RMIT và Bệnh viện St Vincent’s (Úc) gần đây tạo ra một công cụ AI có khả năng phân tích ảnh chụp CT để phát hiện ung thư tuyến tiền liệt trong vài giây. Trước đó, nhóm nhiên cứu nhận thấy tuy chụp CT rất hữu ích trong việc phát hiện các bệnh về xương khớp, nhưng rất khó phát hiện ung thư tuyến tiền liệt. Vì thế, họ phát triển phần mềm sử dụng AI để tìm kiếm các chỉ dấu bất thường về bệnh này.

Nhờ sự cải thiện qua mỗi lần chụp quét, công cụ AI có thể tự tinh chỉnh để phân tích các hình ảnh từ các máy chụp CT khác nhau, cuối cùng là tìm ra các đặc điểm nhỏ nhất giúp nhận biết một người mắc ung thư tuyến tiền liệt, thậm chí trước khi bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng nào. Đáng chú ý, nó có thể phát hiện sự phát triển của ung thư trong vòng vài giây.

Cũng bằng cách ứng dụng AI, các chuyên gia Anh vừa tạo ra một công cụ đo mỡ tích tụ màng ngoài tim (PAT) và đánh giá nguy cơ mắc bệnh tiểu đường từ hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) tim đơn giản. Được biết, lượng PAT cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch vành. Nhằm đánh giá hiệu quả, nhóm nghiên cứu dùng công cụ mới để đo lượng PAT và đánh giá mối liên hệ giữa PAT và tiểu đường trên hơn 40.000 người từng tham gia nghiên cứu UK Biobank. Công cụ AI sau đó cho kết quả đánh giá chính xác nguy cơ tiểu đường dựa trên lượng PAT đo được của các đối tượng.

AN NHIÊN (Theo Study Finds, New Atlas)

Chia sẻ bài viết