20/10/2011 - 16:06

Đọc “Kỳ nghỉ của mỗi người”

Con người luôn ý thức được giá trị của bản thân

 

Chủ đề tập truyện ngắn “Kỳ nghỉ của mỗi người” phản ánh cuộc sống của những người trẻ tuổi với sự trải nghiệm thú vị trong tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình... Truyện là một bức tranh tươi trẻ, sinh động, giàu cảm xúc.
Tập truyện gồm 18 truyện của cây bút trẻ Thiên Ngân, NXB Thời Đại phát hành quý II năm 2011.

Hầu hết những nhân vật chính trong tập truyện ngắn này là những người trẻ nhiệt huyết, cá tính, sống có lý tưởng và biết trân trọng tình yêu thương... Họ va chạm với cuộc sống thực tế và không ít lần vấp ngã trên đường đời. Nhưng tuyệt nhiên họ không buông xuôi, họ biết tự xoa dịu nổi đau, tự động viên chính mình để tiếp tục đi về phía trước.

Truyện “Rồi sẽ qua đi” là tâm trạng hoang mang của một cô gái trẻ yêu người đàn ông đã có vợ. Nhiều khi cô đắm chìm trong ảo tưởng về mái ấm với người đàn ông cô yêu. Nhưng cũng nhiều lần cô tự vấn lương tâm, nghĩ về người vợ đáng thương kia và cảm thấy day dứt. Sự đồng cảm về thân phận phụ nữ khiến cô không thể sống ích kỷ và nhẫn tâm. Cô gái đã mạnh dạn từ bỏ tình yêu sai lầm... “Tôi không rõ như thế là tốt hay xấu, nhưng tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng. Chỉ có nổi ám ảnh mơ hồ vẫn còn ở lại trong tôi... “ (trang 60).

Ở một góc nhìn khác về cuộc sống, “Bản luân vũ cuối cùng” là câu chuyện cảm động về H.- một chàng trai mồ côi, sống trong đoàn xiếc. Anh vì chịu ơn người chủ đã cưu mang mình, nên không thể từ bỏ đoàn xiếc để theo đuổi ước mơ vào đại học. Hạnh phúc rồi cũng đến với chàng trai nghĩa tình, khi anh can đảm bày tỏ nguyện vọng của mình...

Tập truyện đã gởi đến bạn đọc những bài học sâu sắc về ý nghĩa thật sự của hạnh phúc. Khi tập nhìn cuộc sống bằng tấm lòng rộng mở, mỗi người chúng ta sẽ nhận ra hạnh phúc ngay bên cạnh mình.

Qua các truyện “Ăn tết một mình”, “Con sẻ bạc” tác giả lại gởi gắm một thông điệp giản dị về giá trị của tình yêu thương gia đình. Ni trong “Ăn tết một mình” từ quê lên Sài Gòn lập nghiệp. Những tiện nghi , hào nhoáng nơi phố thị đẩy Ni xa dần với nếp sinh hoạt ở quê nhà. Trong những ngày cuối năm trơ trọi nơi đất khách làm Ni sực tỉnh, cô biết mình cần phải trở về nhà, nơi có người mẹ đang đợi cô từng ngày... “Con sẻ bạc” lại tràn ngập yêu thương với câu chuyện cảm động về cô bé Amy. Amy thấy cha đau buồn khi nhìn con sẻ bạc- một kỷ vật của mẹ nên cô bé đã âm thầm nhờ một người bạn mang “con sẻ bạc” giấu đi...

Trong cuộc sống xô bồ, bon chen của xã hội hiện đại, những người trẻ dù mạnh mẽ, đầy nhiệt huyết nhưng vẫn có lúc họ trở nên yếu đuối, hụt hẫng và hoài nghi... Nhưng họ vẫn ý thức được giá trị của bản thân, vẫn giàu lòng yêu thương, không buông thả hay dễ dãi trước những áp lực và trở ngại của cuộc sống.

HÀ DƯƠNG

Chia sẻ bài viết