29/04/2013 - 20:26

Có một dòng kinh mang tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Ngay trung tâm xã Lạc Quới (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) có tượng đài cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tấm bia dưới tượng ông ghi: "Người nhớ đất để sống. Đất nhớ người có tên (...) Kinh Võ Văn Kiệt nối tiếp kinh Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế. Lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy cuộn tràn sức sống trên vùng đất phương Nam".

Đầu kinh Võ Văn Kiệt, nhìn từ cầu T5. 

Kinh Vĩnh Tế đào từ năm 1819 đến năm 1824, là con kinh nổi tiếng trong cả nước. Kinh bắt đầu đào từ dòng sông Hậu trên địa phận Châu Đốc, đến sông Giang Thành (Hà Tiên, Kiên Giang). Người chủ trương đào kinh này là ông Thoại Ngọc Hầu, nhằm mục đích quốc phòng và khẩn hoang lập ấp.

Noi gương tiền nhân, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã để lại dấu ấn của mình trong việc cho đào kinh T5, bắt nguồn từ kinh Vĩnh Tế, nơi chảy qua địa phận xã Lạc Quới. Trước khi tiến hành đào kinh này, ngày 25-7-1996, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt bắt đầu đến đây khảo sát và ông đã về đây nhiều lần. Ông Huỳnh Ngọc Ân, khoảng 50 tuổi, nhớ lại: "Khi cố Thủ tướng tới khảo sát, nhà tui là căn chòi ngay giữa kinh bây giờ". Bà Hứa Thị Thanh Vân, Bí thư Đảng ủy xã Lạc Quới, cho biết: "Khi đó cố Thủ tướng đi xe Jeep từ đầu con kinh chưa đào, sâu vô một đoạn, phần còn lại ông lội bộ khảo sát. Bấy giờ, Lạc Quới là vùng đất hoang vu mọc toàn cây đế". Khi thấy việc đào kinh T5 sẽ giúp chống ngập lụt, tháo chua rửa phèn, giúp phát triển nông thôn cho đầu nguồn Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là khu Tứ giác Long Xuyên, cố Thủ tướng quyết định cho bắt tay vào việc đào kinh T5 vào ngày 22-4-1997. Tháng 7-2009, Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang chính thức quyết định đặt tên kinh Võ Văn Kiệt, như người dân địa phương đã gọi.

Kinh Võ Văn Kiệt rộng 30m-36m, sâu 3m so với mặt nước biển (khoảng 4m-4,5m sâu từ mặt đất), đáy rộng 20m, đủ sức cho ghe lớn qua lại. Trước khi đào kinh, các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong việc khai hoang phục hóa vùng Đồng Tháp Mười đều khuyên trồng tràm, không nên trồng lúa. Nhưng ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, người có kinh nghiệm về địa mạo nơi đây đã mạnh dạn lãnh trách nhiệm với cố Thủ tướng rằng trồng lúa vẫn có hiệu quả. Từ đó, 500.000ha đất hoang hóa vùng Tứ giác Long Xuyên (thuộc 3 tỉnh An Giang, Kiên Giang và một phần Cần Thơ) được khai phá, bố trí hàng ngàn hộ dân sống an toàn với lũ, sản xuất 2-3 vụ lúa một năm và trở thành vựa lúa quan trọng, đưa kinh tế xã hội ngày càng phát triển toàn diện. Riêng xã Lạc Quới đạt nhiều thành quả lớn, chuyển 580ha đất hoang hóa thành đất sản xuất 2 vụ, năng suất bình quân của năm 2011 khoảng 7 tấn/ha, 128 hộ dân được sống an toàn với lũ, tạo nên tuyến giao thông nối tiếp với các xã, huyện lân cận. Đường thủy (kinh) mùa khô ghe 60 tấn qua lại, mùa nước lưu thông được ghe tàu trên 100 tấn. Đường bộ tuy còn đất đá nhưng mặt lộ rộng khoảng 6m. Sắp tới, lộ sẽ được tráng nhựa, chạy tới địa phận tỉnh Kiên Giang, dọc dài đến cuối con kinh Võ Văn Kiệt, nơi đổ ra biển. Ngày nay, bên cạnh kinh Võ Văn Kiệt là những con kinh xương cá, đem nước tưới tiêu cho ruộng đồng khắp nơi.

Ông Huỳnh Ngọc Anh, 60 tuổi, tâm sự: "Tui về quê vợ ở đây vào năm 1994, cất chòi làm ruộng. Mà lúc đó ở đây có bao nhiêu ruộng đâu, lại làm lúa mùa, năm được năm không. Mùa nước nổi lênh láng nước. Năm 2009, tui cất căn nhà tường rộng khoảng 120m2. Vợ chồng tui có 1 con đang học lớp 10 ở Trường THPT Ba Chúc, Tri Tôn. Tất cả nhờ dòng chảy của kinh Võ Văn Kiệt đem "phù sa" bồi đắp gia đình tui". Ông Lê Quốc Thanh, 76 tuổi, kể: "Trước, ở đây đất phèn, toàn rừng bụi, không có chủ. Con tui không dám lùa bò đi đâu hết. Từ Lạc Quới ra Tri Tôn một ngày có 1 chuyến đò duy nhất đi về, trễ là nằm lại chờ. Bây giờ, sau khi có kinh T5, dân về nhiều, nhờ được cấp đất. Dân làm ruộng 2-3 vụ, chủ yếu trồng lúa IR50404, vì nó thích nghi thổ nhưỡng, năng suất cao, giá hợp lý". Đất đã thuần, xã Lạc Quới có 200ha trồng lúa chất lượng cao, hạt dài như OM50496, IR4218 để xuất khẩu. Hiện nay, xã đang nổi lên việc trồng dưa hấu trên diện tích khoảng 50 - 70ha, kết quả khả quan. Riêng huyện Tri Tôn thì khuyến khích bà con xã Lạc Quới trồng bắp non, ngoài việc bán bắp non cho một công ty huyện đã ký hợp đồng, bà con tận dụng đọt bắp non nuôi bò - cũng là một cách làm kinh tế khép kín, nâng cao đời sống. Nhưng "ngon" nhất là dân ở trong sâu kinh Võ Văn Kiệt, miệt Kiên Giang.

Bên đầu kinh Võ Văn Kiệt hiện nay là trung tâm xã Lạc Quới, với trụ sở Đảng ủy xã, UBND, công an, chợ, điện sinh hoạt, trạm bơm. Riêng giáo dục, xã có 1 trường mẫu giáo, 1 trường điểm phụ tiểu học. Điểm phụ này dạy từ 1ớp 1 đến lớp 4, với 5 lớp, 100 học sinh. Lên lớp 5, các em ra điểm chính học... Đặc biệt, khi đến cầu T5, ai cũng bị thu hút bởi một công viên đẹp nằm bên cạnh trụ sở UBND xã Lạc Quới, cách một con đường cặp kinh Võ Văn Kiệt: Công viên văn hóa Võ Văn Kiệt, rộng 4.628m2 với các hạng mục: phần tượng đài, sân lễ, đường đi, thềm, nơi trồng hoa, cây xanh... Toàn bộ công trình này do tỉnh An Giang đầu tư với tổng kinh phí 4,72 tỉ đồng. Sau hơn 4 tháng thi công, công viên được tổ chức khánh thành vào ngay ngày giỗ thứ ba của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, 11-6-2011. Bên dưới tượng đài cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là tấm bia, đầu bia ghi dòng chữ: "Người nhớ đất để sống. Đất nhớ người có tên. Người nhớ người dẫn lối. Uống nước nhớ nguồn là đạo lý của ông cha ta... Ông đã ghi dấu ấn trên đồng đất miền Tây Nam Bộ. Người dân gọi đó là dấu ấn Võ Văn Kiệt. Kinh Võ Văn Kiệt nối tiếp kinh Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế. Lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy cuộn tràn sức sống trên vùng đất phương Nam. Thế hệ hôm nay nương dòng chảy ấy, hiên ngang ra biển lớn với tất cả đức tính, niềm tự hào mà lòng biết ơn sâu sắc".

Những ngày tháng 4 lịch sử, kỷ niệm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi đến UBND xã Lạc Quới. Đứng trước tượng đài cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ai cũng bồi hồi nhớ công đức của ông đã tận lực lo cho đời sống ấm no của người dân. Trước khi đến xã Lạc Quới, hồi ở UBND huyện Tri Tôn, khi nghe chúng tôi đến đây, một vị trong UBND huyện cười vui cho biết: ban đêm, Công viên văn hóa Võ Văn Kiệt sáng rực đèn với bao nhiêu người tụ tập vui chơi, giải trí, tập thể dục..., là nét văn hóa hiếm có của vùng sâu. Đặc biệt, ngày 11-6 hằng năm, tại tượng đài cố Thủ tướng, nhân dân đều tổ chức lễ giỗ trọng thể tưởng niệm ông. Ở vùng sâu này, Lạc Quới còn có 1 câu lạc bộ đờn ca tài tử gồm 4 nhạc công và 6-7 nghệ nhân ca. Ban ngày họ đi làm đồng, tối tụ hợp lại chơi nhạc tài tử. Khi xã có người qua đời hoặc có đám tiệc, đều được câu lạc bộ này đến phục vụ, cũng là nét văn hóa nhân văn.

Bài, ảnh: CÁT LỘC

Chia sẻ bài viết