05/11/2017 - 13:13

Cơ hội tái định hình tầm nhìn và chính sách khu vực

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP.

Chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới châu Á-Thái Bình Dương với 5 chặng dừng chân Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines được dư luận khu vực và thế giới đặc biệt quan tâm, trong bối cảnh lãnh đạo Nhà Trắng đã khiến một số đồng minh và đối tác tại châu Á hoài nghi cam kết của Washington trên hầu hết các phương diện, từ kinh tế-chính trị cho tới an ninh-quốc phòng.

Bởi vậy, chuyến thăm kéo dài hơn 10 ngày của Tổng thống Trump được coi là sẽ phần nào giúp giải tỏa các quan ngại, đồng thời cũng là dịp để Mỹ có thể xác định châu Á-Thái Bình Dương có vị thế như thế nào trên bản đồ địa chiến lược của Washington.

Kể từ khi trở thành Tổng thống Mỹ vào tháng 1-2017, ông Donald Trump đã có 43 cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương, cũng như gặp gỡ lãnh đạo các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia.

Dù vậy, khu vực này có còn nằm trong ưu tiên của Mỹ hay không vẫn là dấu hỏi lớn chưa có lời đáp sau khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), quyết liệt theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ thương mại, đồng thời để ngỏ khả năng tiếp tục giảm sự can dự tại các thể chế khu vực.

Phát biểu với báo giới trước thềm chuyến thăm của ông Trump, Cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster tuyên bố chuyến công du đầu tiên Tổng thống Trump tới châu Á-Thái Bình Dương là cơ hội không thể tốt hơn để tái khẳng định cam kết của Washington đối với khu vực, củng cố quan hệ với các đồng minh truyền thống và mở rộng các liên minh-đối tác mới.

Ông McMaster cho biết 3 trọng tâm trong chuyến thăm này là đẩy mạnh giải pháp quốc tế nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do-cởi mở và tăng cường sự thịnh vượng của Mỹ thông qua những hoạt động thương mại tự do và công bằng tại khu vực này. 

Châu Á-Thái Bình Dương là nơi hội tụ các đầu tàu kinh tế, là khu vực phát triển năng động nhất và có ý nghĩa chiến lược về địa chính trị bậc nhất thế giới. Lợi ích quốc gia của Mỹ gắn liền với một khu vực châu Á-Thái Bình Dương tự do và ổn định. Đây là một thực tế không thể phủ nhận.

Dù theo đuổi đường lối “Nước Mỹ trên hết”, song chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Donald Trump chứng tỏ tầm quan trọng chiến lược của khu vực này đối với an ninh và thịnh vượng của chính nước Mỹ.

Chuyến thăm có lẽ sẽ giúp làm sáng tỏ tầm nhìn và định hình chính sách đối ngoại của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương trong thời gian tới.

THANH TUẤN (Phóng viên TTXVN tại Mỹ)  

Chia sẻ bài viết