22/03/2009 - 21:43

Đồng bằng sông Cửu Long

Cơ hội khẳng định thương hiệu sản phẩm cá tra

10 năm qua, từ một loài cá bản địa, con cá tra đã trở thành sản phẩm chiến lược quốc gia của Việt Nam, đóng góp khoảng 2% GDP cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển quá nóng về diện tích, thiếu chiến lược và kiểm soát đồng bộ từ khâu giống, thức ăn, sản phẩm thành phẩm chưa được quan tâm đúng mức đã làm phát sinh nhiều bất cập trong nghề nuôi cá tra. Mới đây, tại Hội nghị bàn về giải pháp sản xuất và tiêu thụ cá tra, ba sa vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương thành lập đề án về sản xuất và tiêu thụ cá tra với sự tham gia của các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh thành nuôi cá tra nhằm phát triển thương hiệu cá tra Việt Nam.

THỰC TRẠNG

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2008 tổng diện tích nuôi cá tra toàn khu vực ĐBSCL trên 6.160 ha với sản lượng đạt trên 1,1 triệu tấn. Tập trung chủ yếu ở 8 tỉnh, thành gồm: An Giang, TP Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng và Hậu Giang. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ cá tra trong năm 2008 gặp nhiều khó khăn, cao điểm tồn đọng cá lên đến 170.000 tấn. Từ tháng 1 đến tháng 5- 2008, diện tích nuôi toàn vùng dao động 5.800- 5.950 ha; nhiều nhất là An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ và Tiền Giang. Song, đến giữa tháng 6, diện tích nuôi toàn vùng chỉ còn 4.342 ha; giảm 1.500 ha so với đầu năm 2008 (tỉnh Đồng Tháp giảm nhiều nhất 450 ha). Bên cạnh đó, giá thức ăn nuôi thủy sản cũng tăng cao (dao động ở mức 9.500- 10.500 đồng/kg), kéo theo giá thành nuôi cá tra tăng 40% so với năm 2007.

Năm 2008, sản phẩm cá tra của Việt Nam đã có mặt ở 130 thị trường và tập trung chủ yếu là: Nga, Ucraina, Hà Lan, Mỹ, Ba Lan, Singapore, Mexico, Nhật Bản, Đức, Canada, Tây Ban Nha, Hàn Quốc... Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,4 tỉ USD với 633.728 tấn sản phẩm thành phẩm. Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) trong 10 năm qua, cá tra đã trở thành sản phẩm chiến lược quốc gia, sản lượng nuôi tăng gấp 50 lần, vượt ngưỡng 1 triệu tấn mỗi năm, giá trị xuất khẩu tăng 65 lần, đóng góp 2% GDP cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển này chưa mang tính bền vững, do không theo quy hoạch của ngành nông nghiệp và thiếu thông tin thị trường; mối liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp (DN) chưa chặt chẽ. Hiện tại, vẫn chưa có qui chế để các hộ nuôi đăng ký địa điểm, qui mô, sản lượng với chính quyền địa phương, cũng như không có hợp đồng với doanh nghiệp chế biến, nên “không kịp trở tay” khi có biến động về thị trường tiêu thụ.

 Chế biến cá tra xuất khẩu ở An Giang. Ảnh: VŨ HÀ

Tại hội nghị bàn giải pháp sản xuất và tiêu thụ cá tra, cá ba sa vùng ĐBSCL ở An Giang (ngày 18-3-2009), PGS. TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực VASEP, cho biết: “Hiện chúng ta đang đứng đầu thế giới về xuất khẩu sản phẩm cá tra, ba sa. Thế nhưng, chúng ta chưa có những chính sách phát triển nghề này mang tính bền vững. Con giống và thức ăn chưa được quan tâm kiểm tra, kiểm soát đúng mức; đàn giống bố mẹ đã xuống cấp, chưa có chương trình cải tạo và hoàn thiện ở qui mô quốc gia”. Giá thức ăn còn quá cao và phụ thuộc nhiều vào các công ty nước ngoài; chi phí về thức ăn và giống đã chiếm trên 85% giá thành nuôi. Đại diện Hội nghề cá Việt Nam đồng tình với quan điểm của PGS. TS Nguyễn Hữu Dũng về thực trạng tồn tại lâu nay của nghề nuôi cá tra và cho rằng: cần tập trung đầu tư vào công nghệ sản xuất giống để tránh tình trạng thoái hóa giống bố mẹ trong thời gian tới.

Ông Lê Vĩnh Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, kiến nghị: “Ít nhất, cần phải thành lập trung tâm giống cá tra, ba sa cấp vùng. Đồng thời, cũng cần có chính sách ràng buộc DN phải có hợp đồng mua cá với nông dân mới cho vay vốn. Làm sao đảm bảo cho người nuôi có lời 7 - 10% thì sẽ không lo về số lượng”. Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, việc quan trọng cần làm ngay là kiểm soát vùng nuôi cũng như chất lượng đầu ra của sản phẩm. Theo ông Năng, vấn đề này không khó nếu các ngành, các cấp cũng quyết tâm nhằm đưa con cá tra, ba sa trở thành sản phẩm chiến lược quốc gia (tách ra khỏi những mặt hàng thủy sản chung chung) để có những chính sách phát triển mang tính bền vững.

CẦN CÓ GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ

Tại hội nghị bàn giải pháp sản xuất và tiêu thụ cá tra, cá ba sa vùng ĐBSCL, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, mặt hàng cá tra là sản phẩm chiến lược của ĐBSCL, nhưng công tác quản lý nhà nước chưa đáp ứng kịp yêu cầu mới, thiếu qui hoạch và thiếu ban chỉ đạo thống nhất; thiếu sự hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất giống, thức ăn, thu mua chế biến... Thủ tướng đồng ý cho chủ trương thành lập đề án về sản xuất và tiêu thụ cá tra, đồng bộ, có quyết định phê duyệt Chính phủ để thực hiện. Thủ tướng giao cho Bộ NN&PTNT chủ trì việc thành lập Ban chỉ đạo về sản xuất và tiêu thụ cá tra với sự tham gia của các bộ, ngành: Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, VASEP, hội nghề cá... cùng lãnh đạo các tỉnh có quy hoạch nuôi cá tra.

Tính đến đầu tháng 3-2009, toàn vùng thả nuôi khoảng 4.304 ha, đạt 40% kế hoạch năm, nhưng 30% diện tích ao nuôi của vùng đang bị bỏ không do không vay được vốn, nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất và giảm bớt công nhân do thiếu nguyên liệu. Theo phản ánh của một số địa phương, phần lớn ao chưa thả giống là hộ nuôi nhỏ lẻ, chưa có hợp đồng bán cá nguyên liệu. Tại ĐBSCL vùng nuôi cá tra đã được Bộ NN&PTNT xác định ở 10 tỉnh, thành với diện tích 6.000 ha ao nuôi, sản lượng 1,2 -1,5 triệu tấn/năm; trong đó 60- 70% của DN sản xuất tập trung quy mô lớn, còn 30- 40% là quy mô nông hộ. Từ nay đến năm 2010, diện tích nuôi toàn vùng đạt 8.600 ha, sản lượng 1,2 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu 1,3- 1,5 tỉ USD và đến năm 2020, diện tích sẽ được nâng lên 13.000 ha.

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đề xuất: “Cần có những chính sách khoanh nợ, đáo nợ cho DN chế biến xuất khẩu và người nuôi; đồng thời tiếp tục cho vay tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp; nâng cao hơn nữa vai trò của hiệp hội thủy sản. Chính phủ cần hỗ trợ vốn cho các DN đầu tư xây dựng hệ thống kho đông lạnh dự trữ để tránh tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu và đảm bảo kế hoạch sản xuất cũng như tiêu thụ”. VASEP cũng kiến nghị, năm 2009 các tỉnh phấn đấu duy trì diện tích nuôi cá theo qui hoạch (khoảng 6.500 ha mặt nước) và sản lượng cá tra nguyên liệu khoảng 1,5 triệu tấn, chưa nên tăng hơn mức nuôi năm 2008.

Theo ước tính của Bộ NN&PTNT, năm 2009 để có 1,2 triệu tấn cá tra cần đến 2 triệu tấn thức ăn. Trong đó, hơn 90 nhà máy sản xuất thức ăn cho cá tra với sản lượng 1,2 triệu tấn nên phải nhập khẩu 600.000 tấn, còn lại 200.000 tấn do người nuôi tự chế biến. Từ cuối tháng 2- 2009 giá thức ăn thủy sản giảm, những hộ nuôi cá lâu năm bắt đầu thả nuôi lại, nhưng đầu tháng 3, giá thức ăn lại tăng. Đây sẽ là bài toán nan giải cho việc kiểm soát giá cả, chất lượng của nguồn thức ăn của các ngành chức năng. Mặc dù con cá tra đã có mặt tại 130 thị trường trên thế giới, nhưng những rào cản thương mại và những rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe trong bối cảnh suy giảm kinh tế, các nước đều muốn bảo hộ sản phẩm của mình. Do vậy, sự kiểm soát đồng bộ từ khâu giống đến thức ăn, chế biến thành phẩm nhằm đảm bảo an toàn về sinh thực phẩm ngoài sự nỗ lực của các ngành chức năng cũng cần sự hợp sức, đồng tình của người nuôi và DN.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết