01/06/2019 - 12:02

Cơ hội hợp tác đầu tư với Bờ Biển Ngà trong lĩnh vực nông nghiệp 

TP Cần Thơ, trung tâm của vùng ÐBSCL, là đầu mối kết nối vùng với trung tâm kinh tế lớn của cả nước, vùng Ðông Nam Á và quốc tế. Cần Thơ có lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp phong phú. Tỷ trọng nông nghiệp chỉ ở mức 10% GRDP (tổng sản phẩm bình quân đầu người trên địa bàn) nhưng sản phẩm nông nghiệp đóng góp cho xuất khẩu 60%. Thành phố còn có các Viện, trường  đại học, cao đẳng, nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chuyên về nông nghiệp... Từ những thế mạnh này đã hấp dẫn đoàn cán bộ cao cấp Cộng hòa Côte d’Ivoire (Bờ Biển Ngà) xem Cần Thơ là đối tác phù hợp để hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.

Sản xuất lúa tại Cần Thơ.

► Nông nghiệp công nghệ cao

TP Cần Thơ với thế mạnh phát triển kinh tế là lúa, tôm, cá, cây ăn trái, thương mại dịch vụ, du lịch và công nghiệp. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Cần Thơ đứng đầu ĐBSCL về số lượng nhà máy xay xát với 400 cơ sở và hơn 36 đơn vị chuyên chế biến xuất khẩu gạo. Thành phố hiện có diện tích đất lúa khoảng 88.000ha,  tổ chức dưới hình thức hợp tác xã (96 hợp tác xã), sản xuất quy mô lớn, liên kết với 24 doanh nghiệp xuất khẩu. Chuỗi giá trị lúa hàng hóa đang hoàn thiện với sản lượng hằng năm trên 1,3 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu trên 500 triệu USD/năm. Trong đó, trên 75% là lúa chất lượng cao và lúa thơm đặc sản. Cần Thơ đang đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, xây dựng nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, đưa tỷ lệ diện tích sử dụng giống lúa chất lượng cao đạt lên trên 95% vào năm 2020. Cùng với đó, TP Cần Thơ cũng phấn đấu đến năm 2020, diện tích đất lúa là 81.688ha.

 Những năm qua, ngành nông nghiệp Cần Thơ đã tích cực triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm định hướng giúp nông dân sản xuất lúa theo hướng bền vững, ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, cải thiện thu nhập cho nông dân. Mục tiêu tái cơ cấu nâng cao giá trị gia tăng bằng biện pháp tổ chức xây dựng cánh đồng lớn và ứng dụng kỹ thuật theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế, đó là phát triển chế biến theo phân khúc thị trường. Về cây ăn trái, Cần Thơ có trên 20 chủng loại trái cây nhiệt đới (vú sữa, sầu riêng, xoài, nhãn, dâu Hạ Châu...) với diện tích trồng gần 19.000ha, sản lượng hằng năm trên 150.000 tấn. 1.404ha diện tích trồng rau sản xuất theo GAP, liên kết với các điểm tại chợ, siêu thị. 

Thủy sản cũng là thế mạnh của Cần Thơ, phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường. Hiện tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của Cần Thơ đạt 10.055ha, vượt 18,29% kế hoạch; tổng sản lượng thủy sản hơn 217.000 tấn, trong đó, diện tích cá tra 754ha đạt sản lượng hơn 169.000 tấn. Đẩy mạnh triển khai xây dựng vùng nuôi thủy sản áp dụng các tiêu chuẩn: GlobalGAP, ASC, SQF, BMP, Metro GAP… nhằm cung cấp nguồn sản phẩm hàng hóa chất lượng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm.

Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, thời gian tới, Cần Thơ kêu gọi khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển liên kết sản xuất, chế biến theo chuỗi giá trị cao và bền vững. Thúc đẩy phát triển chế biến đa dạng sản phẩm tiêu dùng đáp ứng phân khúc thị trường. 

► Nhiều triển vọng hợp tác

Ông Achi Patrick, Bộ trưởng, Tổng Thư ký của Tổng thống cho biết, khi nghiên cứu tìm đối tác để hợp tác đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB) đã giới thiệu đến Việt Nam với những điều kiện phát triển tương đồng Bờ Biển Ngà. Việt Nam đã đạt  được tốc độ phát triển rất ấn tượng nên chúng tôi đề nghị WB hỗ trợ đến Việt Nam với mục tiêu tham khảo đặc biệt là phát triển ngành nông nghiệp tại các địa phương ở Việt Nam, trong đó có TP Cần Thơ.

Trong  lĩnh vực nông nghiệp, Bờ Biển Ngà đứng đầu thế giới về sản phẩm hạt điều thô, ca cao… Tuy nhiên, giá trị sản phẩm chưa cao. Mặc dù có lợi thế về bờ biển dài nhưng ngành thủy sản không phát triển đúng tiềm năng, hiện 90% cá đông lạnh tiêu thụ tại quốc gia là hàng nhập khẩu. Theo ông Achi Patrick, khó khăn của Bờ Biển Ngà là ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm nông sản. Là Bộ trưởng, Tổng Thư ký của Tổng thống, giữ vai trò chủ trì xây dựng định hướng phát triển của Bờ Biển Ngà đến năm 2030, ông Achi Patrick đề xuất hướng hợp tác với Cần Thơ về phát triển ngành nông nghiệp là đẩy mạnh nghiên cứu con giống (cá, gà), cây trồng (lúa). Đặc biệt, hy vọng có doanh nghiệp Cần Thơ sang đầu tư tại Bờ Biển Ngà trong lĩnh vực giống, nuôi trồng, chế biến nông sản. Nếu làm tốt, sản phẩm không chỉ tiêu thụ tại Bờ Biển Ngà mà còn phục vụ xuất khẩu cho các nước châu Phi lân cận, bởi đây là những thị trường rất giàu tiềm năng.

Viện Lúa ĐBSCL trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đóng trên địa bàn TP Cần Thơ). Viện thành lập từ năm 1977, với nhiệm vụ là khai thác tiềm năng ĐBSCL, góp phần cùng ngành nông nghiệp đảm bảo lương thực và xuất khẩu lúa gạo. Ông Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết, ĐBSCL chiếm 50% diện tích gieo trồng, sản lượng bình quân 6 tấn/vụ, đạt trên 90% lượng lúa xuất khẩu của cả nước. Hiện nay 100% giống lúa do Viện tự lai tạo phát triển cho vùng ĐBSCL. Viện cũng tham gia phát triển lúa gạo ở Venezuela, Cuba và một số nước ở châu Phi.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết, đất nước Bờ Biển Ngà với diện tích 300.000km2, hơn 21 triệu dân. Với điều kiện trên, rất thuận lợi để với phát triển nông nghiệp. Trước đề xuất lĩnh vực chọn giống nông nghiệp, cho thấy khả năng hợp tác thành công giữa hai bên là rất cao do Cần Thơ có Viện Lúa ĐBSCL, đây là điều kiện để cùng nhau nghiên cứu, phát triển các giống lúa. Trong lĩnh vực sản xuất giống thủy sản (cá tra, tôm càng xanh...), cây ăn trái Cần Thơ cũng đủ điều kiện để hợp tác với chất lượng tốt nhất. Với mặt hàng cá, Cần Thơ có đủ khả năng để hỗ trợ các doanh nghiệp Bờ Biển Ngà về chế biến, bảo quản nguồn hàng này...

Bà Karen Cecilie Sjetnan, Cán bộ cao cấp WB cho rằng, WB muốn giới thiệu những mô hình thành công của Việt Nam trong vòng 30 năm qua không chỉ với Bờ Biển Ngà mà còn với các nước khác trên thế giới để các quốc gia khác có thể học tập và phát triển như Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy, hợp tác giữa Bờ Biển Ngà với Việt Nam tập trung ở mảng giáo dục, chính phủ điện tử và nông nghiệp, trong đó, Cần Thơ là địa phương phù hợp để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Hy vọng, chuyến công tác tại Cần Thơ lần này là khởi đầu sự hợp tác giữa 2 quốc gia Việt Nam - Bờ Biển Ngà nói chung, giữa Cần Thơ với các địa phương Bờ Biển Ngà nói riêng. WB đánh giá cao triển vọng hợp tác và sẵn sàng hỗ trợ cho các dự án hợp tác giữa 2 bên trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết