10/12/2017 - 07:33

Cơ hội đón sóng đầu tư mới

Trong 11 tháng năm 2017, theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp (DN) thành lập mới tại các vùng trong cả nước đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Tổng số DN thành lập mới là 116.045 DN, vốn đăng ký 1.131.819 tỉ đồng. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cả nước có 2.293 dự án mới, với tổng vốn đăng ký 19,8 tỉ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2016. Đồng thời 1.100 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn, vốn tăng thêm xấp xỉ 8 tỉ USD, tăng 57,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Nhật Bản đã vượt qua Hàn Quốc để trở thành nhà đầu tư dẫn đầu các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Trong 11 tháng, nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư một loạt dự án quy mô lớn, vốn trên 1 tỉ USD như: Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, vốn đăng ký 2,79 tỉ USD, Dự án đường ống dẫn khí Lô B- Ô Môn, vốn đầu tư 1,27 tỉ USD. Tính đến hết tháng 11-2017, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 8,49 tỉ USD.

Trong thời gian 3 năm trở lại đây, DN Nhật Bản rất quan tâm đến thị trường và môi trường đầu tư của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Mặc dù vốn đầu tư và dự án của DN Nhật Bản đầu tư tại ĐBSCL còn khiêm tốn, nhưng các chuỗi kết nối đầu tư tại vùng đang thực hiện khá hiệu quả. Thông qua chương trình giao lưu văn hóa, thương mại Việt Nam- Nhật Bản (đã tổ chức 3 lần tại TP Cần Thơ) và Hội nghị xúc tiến đầu tư thường viên vào ĐBSCL do VCCI Cần Thơ tổ chức, các nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp tại vùng. Một số địa phương trong vùng, như: TP Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre, Long An, An Giang… đã có những ký kết hợp tác, kết nghĩa với các tỉnh, thành phố của Nhật Bản. Hiện một số DN Nhật Bản đã triển khai trồng lúa, rau màu… và xây dựng nhà máy chế biến nông sản tại vùng.

Và đặc biệt trong các sự kiện APEC tổ chức tại Việt Nam, lãnh đạo Chính phủ Nhật Bản cũng rất quan tâm và cam kết dành các gói vay ưu đãi cho Việt Nam, kết nối DN Nhật Bản đến Việt Nam đầu tư. Trong một số khảo sát đầu tư của DN Nhật Bản tại vùng, nhiều DN cho biết tiềm năng nông nghiệp của vùng ĐBSCL rất lớn và cơ hội hợp tác còn rất nhiều. Tuy nhiên, các địa phương cần quy hoạch lại vùng sản xuất, thay đổi tập quán canh tác và làm ăn hợp tác xã, tổ hợp tác… để có thể làm đối tác, gia công cho DN Nhật Bản.

Trong 11 tháng năm 2017, khu vực ĐBSCL có 8.300 DN thành lập mới, tăng 14,5% (vốn đăng ký 60,3 nghìn tỉ đồng, tăng 17,3%). Riêng thu hút vốn FDI, vùng ĐBSCL thu hút thêm 121 dự án FDI mới, tổng vốn đăng ký hơn 2,06 tỉ USD. Long An dẫn đầu vùng về số dự án với 84 dự án, Kiên Giang dẫn đầu vùng về vốn đăng ký với hơn 1,34 tỉ USD. Tính đến hết tháng 11-2017, toàn vùng có 1.421 dự án FDI, vốn đăng ký trên 20 tỉ USD. Kỳ vọng rằng, với những tiềm năng và lợi thế mà các nhà đầu tư Nhật Bản nhận định về vùng ĐBSCL, thời gian tới sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư xứ sở mặt trời mọc đến vùng đất này.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết