26/10/2010 - 21:24

Có được chuyển người lao động làm công việc khác trái nghề?

Hỏi: Tôi làm việc tại một công ty tư nhân với nhiệm vụ kế toán, ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Tôi đã làm việc trên 3 năm, không có vi phạm gì, nhưng mới đây giám đốc công ty chuyển tôi sang làm công việc hành chính, trái với chuyên môn và mức lương thấp hơn. Giám đốc công ty làm vậy có đúng không? Tôi phải làm gì để không bị thiệt thòi quyền lợi?

N.T (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ)

Xung quanh vấn đề này, ông Trần Vinh Quang, Chánh Thanh tra Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, trả lời như sau: Điều 34 Bộ luật Lao động, quy định: Khi gặp khó khăn đột xuất hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác trái nghề, nhưng không được quá 60 ngày trong một năm. Khi tạm thời chuyển người lao động làm việc khác trái nghề, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất ba ngày, phải báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe và giới tính của người lao động. Người lao động tạm thời làm công việc khác theo quy định nêu trên, được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 70% mức tiền lương cũ nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Điều 9, chương III, Nghị định 44/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về Hợp đồng lao động quy định: Khi người sử dụng lao động gặp khó khăn đột xuất do khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; áp dụng các biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; sự cố điện, nước hoặc nhu cầu sản xuất kinh doanh thì người sử dụng lao động có quyền tạm thời chuyển người lao động làm việc khác, trái nghề, nhưng không được quá 60 ngày (cộng dồn) trong một năm. Trong thời gian này, nếu người lao động không chấp hành quyết định của người sử dụng lao động thì có thể bị xử lý kỷ luật lao động và không được hưởng lương ngừng việc theo quy định tại khoản 2, điều 62 của Bộ luật Lao động và tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định tại điều 84 của Bộ luật Lao động đã sửa đổi, bổ sung.

Trong trường hợp người sử dụng lao động tạm thời chuyển người lao động làm việc khác, trái nghề quá 60 ngày (cộng dồn) trong một năm thì phải có sự thỏa thuận của người lao động; nếu người lao động không chấp thuận mà họ phải ngừng việc thì người đó được hưởng lương theo quy định tại khoản 1, điều 62 của Bộ luật Lao động.

Trường hợp của bạn, trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động, người sử dụng lao động chuyển bạn sang làm công việc khác không rõ lý do và không được sự đồng ý của bạn là trái với quy định của Bộ luật Lao động. Trường hợp này, bạn có quyền khiếu nại với cơ quan nhà nước quản lý về lao động để được giải quyết.

Lan Phương (thực hiện)

Chia sẻ bài viết