19/06/2020 - 10:08

Cô đơn làm tăng nguy cơ hút thuốc và khó bỏ 

Các khoa học Anh phát hiện cô đơn trong thời gian dài dễ khiến người ta tập tành hút thuốc, hút thường xuyên và cũng khó cai hơn.

 Ảnh: Daily Mail

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Bristol giải thích rằng gien của chúng ta ảnh hưởng tới mức độ ăn ngủ, “nhậu nhẹt” và hút thuốc cũng như nhiều hành vi thường ngày khác. Do những ảnh hưởng này không bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài (yếu tố ngẫu nhiên), nên chúng là cách hay để nghiên cứu về nguyên nhân và hậu quả. Trong nghiên cứu, Tiến sĩ Robyn Wootton và các cộng sự đã sử dụng kỹ thuật này để phân tích gien của hàng trăm ngàn người, để rồi kết luận cô đơn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hút thuốc. Một số giả thuyết đặt ra bao gồm thuốc lá là nguồn gốc của sự thoải mái hoặc xoa dịu lo lắng hay đơn giản là tạo ra một hoạt động quen thuộc để “giết thời gian”.

Nhưng trong cái vòng luẩn quẩn đó, hút thuốc cũng làm tăng cảm giác cô đơn, nhiều khả năng là do chất nicotine tác động lên chất dẫn truyền thần kinh dopamine trong não. Khảo sát của Hãng YouGov cho thấy 2,2 triệu người Anh đã “phì phèo” nhiều hơn so với trước khi bị phong tỏa nhằm kiềm chế dịch COVID-19, trong khi cô đơn cũng tăng cao tại nhiều gia đình.

Cũng liên quan đến thói quen hút thuốc, gần đây các nhà khoa học Mỹ cảnh báo những bệnh nhân ung thư phổi rằng nicotine có thể khiến bệnh di căn lên não.

Khoảng 40% bệnh nhân ung thư phổi di căn não, nhưng nghiên cứu của Đại học Wake Forest phát hiện tỷ lệ này cao đáng kể ở những người hút thuốc. Nhóm nghiên cứu tin rằng nicotine trong thuốc lá điện tử lẫn truyền thống, miếng dán nicotine và kẹo cao su nicotine không chỉ là chất gây nghiện mạnh mà còn gây di căn. Khi ung thư di căn lên não, tuổi thọ trung bình của những bệnh nhân này giảm xuống còn dưới 6 tháng.

Trong thí nghiệm trên chuột, các nhà khoa học nhận thấy nicotine thúc đẩy sự hình thành các M2 microglia - tế bào miễn dịch sản sinh và giải phóng hóa chất kích thích khối u phát triển. Loại bỏ microglia khỏi não loài gặm nhấm này đã ngăn cản nicotine gây di căn não và tăng khả năng sống sót ở những con chuột ung thư phổi.

Sau đó, nhóm của Giáo sư Kounosuke Watabe cũng đã xác định chất parthenolide có trong cúc thơm là liệu pháp có thể giúp đảo ngược tác động của nicotine. Từ lâu, parthenolide được dùng để điều trị chứng đau đầu/sưng viêm và nay nó còn ức chế cả nicotine gây di căn não ở chuột.

HẠNH NGUYÊN (Theo Daily Mail)

Chia sẻ bài viết