09/07/2019 - 10:25

Có con rồi, sao lại hiếm muộn? 

Nhiều cặp vợ chồng đã có một con hay chủ quan, họ tập trung lo công việc và phát triển kinh tế gia đình. Ðến lúc muốn có thêm con thì trông chờ mãi không thấy. Nguyên nhân vì sao “có con rồi, sao lại hiếm muộn?”. 

Bác sĩ Dư Huỳnh Hồng Ngọc tư vấn hiếm muộn cho khách hàng. Ảnh: CTV

► Hiếm muộn thứ phát

Bác sĩ chuyên khoa I Dư Huỳnh Hồng Ngọc, Trưởng Đơn vị Hỗ trợ sinh sản IVF Phương Châu, giải thích: Trường hợp này khoa học gọi là hiếm muộn thứ phát và nguyên nhân sâu xa của dạng hiếm muộn này đa phần là do quá trình lão hóa tự nhiên, môi trường sống và bệnh lý đi kèm.

Về yếu tố lão hóa: Số lượng và chất lượng trứng của người phụ nữ chắc chắn giảm dần theo độ tuổi (số lượng trứng “chết theo chương trình” đã được gien quy định). Bên cạnh đó, chất lượng tinh trùng cũng gặp vấn đề tương tự. Thậm chí với những cặp vợ chồng may mắn có con thì sự thoái hóa này cũng dễ dẫn đến sẩy thai, sinh non hay thậm chí bất thường về sự phát triển của trẻ (theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)).

Môi trường sống: Thời gian tiếp xúc với khói thuốc lá, bia, rượu, môi trường ô nhiễm, hóa chất độc hại, sóng wifi, sóng điện thoại cũng không nhiều thì ít làm đột biến gien và cấu trúc bộ nhiễm sắc thể dẫn đến khả năng có con của các cặp vợ chồng ngày càng khó khăn hơn.

Khi tuổi càng lớn, chúng ta ngày càng đối diện với rất nhiều căn bệnh có thể khiến phụ nữ không dễ mang thai và sinh sản nữa. Ví dụ như người phụ nữ lớn tuổi tỷ lệ bị các bệnh lý lạc nội mạc tử cung, nhân xơ tử cung, u tuyến yên, rối loạn nội tiết tố, hay tắc vòi trứng sau nạo hút thai, phẫu thuật vùng bụng chậu, đặt vòng tránh thai, viêm nhiễm âm đạo và hai phần phụ. Về phía nam giới do bị quai bị, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm tuyến sinh dục, giãn tĩnh mạch thừng tinh, các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, ung thư... mà trước đó người chồng chưa mắc phải nên có con dễ dàng.

Theo khuyến cáo của WHO: khi một cặp vợ chồng không ngừa thai và quan hệ vợ chồng 2-3 lần/tuần mà không có thai tự nhiên thì nên đi khám để đánh giá khả năng sinh sản của cả hai vợ chồng. Thời gian mong con (quan hệ mà không có thai) tùy thuộc tuổi vợ: dưới 35 tuổi thì sau 1 năm; từ 35-40 tuổi thì sau 6 tháng; trên 40 tuổi thì 3 tháng nên đi khám.

► Nên điều trị sớm

Mỗi gia đình sẽ có hoàn cảnh kinh tế khác nhau, nhưng chúng ta không chủ quan mà nên cân nhắc về tuổi tác của người mẹ và không may rơi vào trường hợp hiếm muộn thì nên thực hiện hỗ trợ sinh sản sớm để có kết quả tốt nhất.

Khi đi khám hiếm muộn: Về phía vợ, bác sĩ sẽ siêu âm phụ khoa khảo sát tử cung và hai buồng trứng; xét nghiệm nội tiết để kiểm tra hoạt động của buồng trứng; chụp X-quang tử cung vòi trứng (HSG) để xem có tắc vòi trứng hay tổn thương buồng tử cung. Về phía chồng, làm xét nghiệm tinh dịch đồ để đánh giá số lượng và chất lượng tinh trùng, xét nghiệm nội tiết để kiểm tra hoạt động sinh tinh của tinh hoàn.

Tại Đơn vị Hỗ trợ Sinh sản IVF Phương Châu, tỷ lệ hiếm muộn thứ phát chiếm khoảng từ 40-45% các cặp vợ chồng đến khám và điều trị. Nguyên nhân thường do một trong hai hoặc cả hai, như chồng tinh trùng ít và yếu (do giãn tĩnh mạch thừng tinh), vợ bị lạc nội mạc tử cung, tắc vòi trứng và giảm chất lượng trứng. Điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân và quan trọng là thời gian phát hiện “vấn đề” sớm hay muộn. Có 3 mức độ điều trị: Một là thay đổi thói quen sinh hoạt của cả hai vợ chồng; hai là bơm tinh trùng vào buồng tử cung và ba là thụ tinh trong ống nghiệm. Chi phí từ hơn 1 triệu đồng – 90 triệu đồng (tùy nguyên nhân và phương pháp điều trị).

Thay đổi thói quen sinh hoạt vợ chồng, hạn chế hoặc không sử dụng rượu, bia, thuốc lá, tập thể dục, giảm cân (nếu có thừa cân, béo phì), không sử dụng chất kích thích… để tăng cơ hội có  thai. Do đã từng có con nên việc can thiệp sớm sẽ giúp khả năng có con dễ hơn nhóm hiếm muộn nguyên phát (chưa mang thai lần nào). Tuy nhiên, người vợ trên 40 tuổi thì việc điều trị khó khăn hơn do chất lượng trứng suy giảm cho dù chất lượng tinh trùng tốt.

Tỷ lệ thành công điều trị hiếm muộn thứ phát khá cao, theo thống kê tại IVF Phương Châu, về độ tuổi mẹ, nếu dưới 30 tuổi, tỷ lệ thành công 60% -70%; 30-35 tuổi, tỷ lệ 50% - 60%; trên 35 tuổi, tỷ lệ dưới 50%. Chuyên gia y tế khuyên rằng, nếu các cặp vợ chồng rơi vào trường hợp hiếm muộn thứ phát, nên điều trị sớm, cơ hội thành công cao. 

H.HOA

Chia sẻ bài viết