ĐĂNG HUỲNH
Bài cuối: Những dấu tích của voi
Trong 2 bài biên khảo đã đăng (“Voi trong tâm thức người xưa” ngày 15-8 và “Ở nơi vương quốc của loài voi” ngày 22-8) chúng tôi đã đi tìm những bằng chứng về tâm thức dân gian, địa danh, sự tích và những tư liệu để cho thấy sự góp mặt của loài voi trong buổi khẩn hoang vùng đất ÐBSCL. Bài viết cuối này sẽ là những dấu tích khảo cổ và hình ảnh thực tế.
Bưu ảnh “Săn bắt voi ở tỉnh Cần Thơ (Nam Kỳ) - Người thợ săn và chiến lợi phẩm”. Ảnh tư liệu
Từ những bưu ảnh xưa...
Cách đây hơn 100 năm, người Pháp thường phát hành bưu ảnh chụp cảnh Ðông Dương (trong đó có Việt Nam). Những bức ảnh này do các nhiếp ảnh gia người Pháp chụp, ghi lại cảnh sắc, sinh hoạt đời thường của người dân xứ Ðông Dương... Ðây là những bức ảnh tư liệu quý báu, miêu tả thực tế bối cảnh nước ta thời bấy giờ.
Trong số những bức bưu ảnh này, chúng tôi tìm được 3 bức với những hình ảnh và chú thích rất đặc biệt. Có 2 bức ảnh được đánh mã số 173 và 174; và 1 bức bị tem bưu chính che mất mã số; nhưng có thể khẳng định đây là những bức ảnh liền mạch về một chủ đề: săn voi ở Cần Thơ. Bức ảnh 173 chú thích “Chasse à Eléphant dans la Province de Cantho (Cochinchine) - Le Chasseur et sa Victime”. Bức ảnh 174 ghi “Chasse à Eléphant dans la Province de Cantho (Cochinchine) - Equipe de Coolies pour le dépeçage”. Bức ảnh còn lại ghi: “Chasse à Eléphant dans la Province de Cantho (Cochinchine) - Le dépeçage de la Bête”. Tạm dịch, lần lượt là: “Săn bắt voi ở tỉnh Cần Thơ (Nam Kỳ) - Người thợ săn và chiến lợi phẩm”, “Săn bắt voi ở tỉnh Cần Thơ (Nam Kỳ) - Ðội thợ săn voi làm nghề mổ thịt” và “Săn bắt voi ở tỉnh Cần Thơ (Nam Kỳ) - Làm thịt con voi”. Theo thứ tự ngữ cảnh, có thể đoán bức ảnh bị con tem che mất mã số là 175.
Như chú thích của các bức ảnh, ảnh ghi lại cảnh một chú voi rất lớn bị bắt giữ và làm thịt tại một cánh đồng sậy rất lớn. Trong đó, bức ảnh 173 “Người thợ săn và chiến lợi phẩm”, chụp cảnh thợ săn bên con voi bị bắn gục, tay người thợ vẫn còn cầm một khẩu súng, cho thấy cách săn voi của thời điểm này đã hiện đại.
Nhìn khung cảnh đồng sậy và những chú voi bị bắn hạ, không khó để suy đoán đây là cánh đồng sậy - “vương quốc” của loài voi mà chúng tôi đã trình bày trong bài 2. Câu hỏi đặt ra là những bức ảnh quý này được chụp khi nào? Phân tích dữ liệu từ những bức bưu ảnh này và bước đầu xác định như sau: 2/3 bức bưu ảnh đều đã sử dụng, tức là có dán tem và đóng mộc bưu chính. Ðiều dễ nhận diện là con tem độc đáo sử dụng trên bức bưu ảnh này, mà những ai thích sưu tầm tem đều nhận ra, đó là tem Indo-Chine với hình ảnh “Cô gái Annam”, 1 tem mệnh giá 5 cent và 1 tem mệnh giá 10 cent. Tìm hiểu được biết, mẫu tem này ra đời và lưu hành vào năm 1907. Xin nói thêm một chi tiết thú vị, cô gái trong con tem được nhiều người cho là nhân vật Cô Ba Trà hay Cô Ba Xà Bông nổi tiếng mà nhiều người nhắc đến với những giai thoại hấp dẫn.
Như vậy, có thể khẳng định, những bức bưu ảnh được chụp gần nhất phải là năm 1907, hoặc trước đó. Một dữ liệu thứ hai để xác định thời gian chụp ảnh là trong bức bưu ảnh tạm xem là mã số 175, có chữ ký của chủ nhân bưu ảnh và ghi thời gian: 12/12/09. Có thể suy đoán “09” ở đây là “1909” như cách viết tắt mà đến nay ta vẫn thường dùng. Từ hai dữ liệu thời gian này, ứng vào mốc thời gian voi ở Ngã Bảy - Phụng Hiệp dần bị săn bắn để khẩn hoang vùng đất là hoàn toàn trùng khớp.
Đến bằng chứng khảo cổ
Theo nhà nghiên cứu Nhâm Hùng, vào những năm 1970, 1980, người dân đi làm thủy lợi ở vùng Ðại Thành, Ngã Bảy, thường đào lên được xương voi. Tại khu vực Bưng Tượng, xã Ðại Thành, người dân đào gặp cả một bộ xương voi to. Cũng thời điểm này, phía bên kia kinh xáng Cái Côn, tại ấp Mang Cá, xã Ðại Thạnh, người đi làm thủy lợi cũng đào gặp thêm 1 bộ xương voi nữa. Nhưng ông Nhâm Hùng cho biết, rất tiếc thời đó công tác bảo tồn khảo cổ chưa được chú trọng nên những bộ xương voi này không còn được lưu giữ, đã hư mục mất.
Bưu ảnh “Săn bắt voi ở tỉnh Cần Thơ (Nam Kỳ) - Đội thợ săn voi làm nghề mổ thịt”. Ảnh tư liệu
Ðến thời điểm này, dấu tích về voi ở vùng Ngã Bảy - Phụng Hiệp xưa còn sót lại là những chiếc răng voi, đang được Bảo tàng TP Cần Thơ sưu tầm, bảo quản. Tiêu biểu nhất là bộ sưu tập mảnh răng voi, với 23 chiếc. Hiện vật răng voi này do ông Phan Tấn Tài, ngụ ấp Mới, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, tìm được vào năm 2000, trong quá trình lao động. Ông Tài mang đến Bảo tàng tỉnh Cần Thơ (lúc bấy giờ) để nhờ xác định đây là răng loài thú gì. Bảo tàng tiếp nhận và nhờ Phó Giáo sư Lê Trung Khá, chuyên gia Cổ sinh vật học giám định, kết quả cho thấy đây là răng của một con voi đã trưởng thành (tuổi đời từ 60-70 năm), đã mọc đủ hết các răng. Ðiều đáng nói, địa điểm mà ông Tài tìm thấy mảnh răng voi này là cặp kinh Búng Tàu, giáp ranh với vùng Phụng Hiệp - Ngã Bảy.
Bảo tàng TP Cần Thơ cũng đang giữ một mảnh răng voi khác dài 14cm. Mảnh răng được ông Nguyễn Văn Hoàng, ngụ ấp Phước Thuận, xã Ðông Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ tìm thấy trong quá trình đào đất nạo vét mương vào năm 2001. Ðặc biệt hơn, vào năm 2006, ngay tại vùng đất Phụng Hiệp - Ngã Bảy, ông Nguyễn Văn Bế, ngụ ấp Mỹ Hưng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, tìm thấy trong vườn nhà mảnh răng voi gồm 4 miếng, với 2 khối, khối lớn dài 15cm và khối nhỏ dài 12cm. Các hiện vật này đang được Bảo tàng TP Cần Thơ lưu giữ.
Hơn 10 năm qua, thỉnh thoảng báo chí vẫn đưa tin về việc người dân ở một số nơi như Cần Thơ, Ðồng Tháp, Hậu Giang... trong quá trình lao động đã phát lộ nhiều xương voi. Ðiều này cho thấy voi có nhiều ở rải rác các vùng đất khác nhau ở miền Tây Nam Bộ.
***
“Chiều chiều vịt lội cò bay
Ông voi bẻ mía chạy ngay vô rừng
Vô rừng bứt một sợi mây
Ðem về thắt gióng cho nàng đi buôn
Ði buôn không lỗ thì lời
Ði buôn cho thấy mặt trời mặt trăng”
Ðiệu hát ru Nam Bộ man mác một thời “Ông voi bẻ mía chạy ngay vô rừng”. Qua những tư liệu của loạt bài viết này, chúng tôi xin góp một chút tư liệu về quá trình khẩn hoang, khai phá vùng đất ÐBSCL. Ðó cũng là cách để chúng ta làm dày thêm truyền thống, lịch sử của quê hương miền Tây sông nước, để thêm hiểu, thêm yêu xứ sở này.