ÐĂNG HUỲNH
“Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”, “Khỉ ho, cò gáy”, “Muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lềnh tựa bánh canh”, “Cỏ mọc thành tinh, rắn đồng biết gáy”... là cảnh tượng thuở khẩn hoang châu thổ Cửu Long. Ðó cũng là những loài vật tiêu biểu cho khung cảnh hoang vu, rừng rậm một thời của vùng đất này. Vậy nhưng, có một loài vật từng xuất hiện rất nhiều ở ÐBSCL nhưng lại ít được nhắc đến, đó là con voi.
Loạt bài viết 3 kỳ (trên trang “Sáng tác - Biên khảo” Báo Cần Thơ số Chủ nhật các ngày 15, 22 và 29 tháng 8) sẽ minh chứng cho sự xuất hiện của loài voi ở miền Tây Nam Bộ ngày trước.
|
Bài 1: Voi trong tâm thức người xưa
Những truyền thuyết dân gian về địa danh, những câu chuyện thuở khai hoang vùng đất ÐBSCL cho thấy có sự xuất hiện của loài voi. Nhiều trang sách xưa cũng thuật lại điều này.
Những địa danh liên quan đến voi
Khám phá ÐBSCL, thỉnh thoảng lại bắt gặp những địa danh như Bưng Tượng, Lung Tượng, Láng Tượng, Rạch Ông Tượng... Ðây đều là những địa danh có liên quan đến sự xuất hiện của loài voi ở nơi ấy. Nếu như hổ được người dân Nam Bộ kính nể gọi là Ông Hổ, Ông Ba Mươi, Thầy... thì voi cũng vậy, bà con gọi là Ông Tượng, Ông Voi.
Voi thời nay. Ảnh: DUY KHÔI
Theo thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi, toàn ÐBSCL có không dưới 20 địa danh có thành tố “Tượng”, và đều được định danh theo mô-típ: địa hình/hình thái tự nhiên của vùng đất (láng, lung, bưng, bàu...) + “Tượng”. Tại tỉnh Kiên Giang, có địa danh Láng Tượng, thuộc xã Giục Tượng, huyện Châu Thành. Ðịa danh này trong sách “Ðại Nam thực lục” ghi là “Lãng Tượng” với chú giải rằng nơi này ngày trước có voi rừng đi thành từng bầy, lâu ngày làm thành một vùng đầm lầy. Ngay cả tên gọi xã Giục Tượng, dù có truyền thuyết kể rằng, xưa kia do 2 đầu con kinh có nhà ông Giục và bà Tượng nên gọi kinh Giục Tượng, nhưng lý giải này không được giới khoa học đánh giá cao. Nhiều người vẫn cho rằng, vùng này xưa kia voi rừng đi nhiều, lâu ngày tạo thành láng, lung...
Ðiền dã ở ấp Láng Tượng, xã Tân Hưng Ðông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, chúng tôi cũng được bà con kể về truyền thuyết voi xuất hiện rất nhiều ở vùng đất này thuở xưa. Ðịa danh Láng Tượng vì thế ra đời. Ở xã Ðại Phước, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh có địa danh Bãi Xan, còn được gọi là Giồng Tượng. Nơi đây có nhà thờ Công giáo Bãi Xan, quen được gọi là nhà thờ Giồng Tượng. Theo lịch sử nhà thờ Giồng Tượng, vùng đất này còn hoang vu, rừng rậm, có nhiều thú rừng sinh sống. Ðặc biệt, voi ở đây rất nhiều, đi thành từng bầy ra sông cái uống nước rồi về nằm nghỉ ở một bãi đất trống, nay gọi là khu Bàu Tượng. Con đường mà voi đi lâu ngày dần dần thành con rạch nhỏ, sau gọi là rạch Giồng Tượng. Rạch Giồng Tượng bây giờ dài khoảng 2 cây số, bắt đầu từ bờ sông Cái và điểm cuối gần nhà thờ Giồng Tượng.
Một con kinh nhỏ ở xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, tương truyền hồi xưa do voi đi mà thành. Ảnh: DUY KHÔI
Còn rạch Láng Tượng Lớn chảy qua ấp Tân Thuận B, xã Tân Phú, huyện Thanh Bình, tỉnh Ðồng Tháp, ngoài được lý giải do voi đi mà thành, còn nói rõ thêm: “Do voi (tượng) từ trong rừng ra rạch Ðốc Vàng Hạ uống nước, lâu ngày tạo thành”. Sách “Từ điển Ðịa danh Ðồng Tháp” (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2016) còn chú giải thêm về địa danh này: “Trong quá trình khẩn hoang, thỉnh thoảng người dân phát hiện xương voi”.
Dấu ấn loài voi thời khẩn hoang
Trong quá trình điền dã về lịch sử khẩn hoang các vùng đất ở ÐBSCL, chúng tôi ghi nhận khá nhiều câu chuyện về sự xuất hiện của loài voi. Nhiều người lý giải, voi ở đồng bằng quen sống ở nơi ngập nước, nhất là nơi có các cánh đồng sậy, vì đây là thức ăn khoái khẩu của chúng, khác với voi của vùng rừng núi, hoặc bán sơn địa.
Lão nông Nguyễn Văn Buôl, 86 tuổi, gắn bó cả đời với vùng đất Long Mỹ - Vị Thanh, cho rằng: Những con rạch ở Vị Thanh bây giờ như Tràm Cửa, Cái Nhum... đều do voi đi thành bầy, lâu ngày mà thành. Những con rạch này được hình thành tự nhiên, từ nhỏ rồi lở dần ra, sau này có xáng cạp nạo vét nên thông thương hơn nữa.
Khi tìm hiểu về địa danh Mương Củi ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Ðiền - con rạch cách kinh xáng Xà No chừng 1 cây số - chúng tôi được nghe: Ngày xưa, vùng này có nhiều đàn voi rừng. Voi thường di chuyển thành từng bầy đông đến mấy mươi con. Trên đường di chuyển, chúng quật đổ cây cối tạo thành những lối mòn, lâu ngày thành con mương nước, với nhiều thân cây, nhánh cây ngã rạp chồng chất trầm thủy lâu ngày, gọi là củi lụt. Người dân hay vô đây lấy củi về xài nên quen gọi Mương Củi. Truyện này cũng được ghi lại trong cuốn “Truyện dân gian Cần Thơ” (NXB Ðại học Cần Thơ, 2019). Từ câu chuyện này, nhiều người suy luận câu ca dao: “Xứ đâu bằng xứ Kinh Cùng. Tràm xanh, củi lụt, anh hùng thiếu chi”, cũng cho thấy “củi lụt” là voi bầy quật đổ, trầm thủy mà thành.
Vùng Bạc Liêu xưa cũng có dấu ấn loài voi. Ở xứ Xã Thoàn, huyện Phước Long ngày nay, xưa kia còn được gọi là vùng Kinh Nhỏ. Ông Phạm Ngọc Hiển, sinh năm 1938, một lão nông bản xứ, thuật rằng, Kinh Nhỏ xưa là vùng đất rộng lớn, hoang vu, rừng rậm mọc đầy tràm, đước... Có những bầy voi hàng trăm con đi ngang vùng này, lâu ngày tạo thành đường nước, gọi là Kinh Nhỏ (dẫn theo “Văn học dân gian Bạc Liêu”, NXB Ðại học Quốc gia Hà Nội, 2011).
Sách xưa kể lại
Trong quá trình tìm hiểu về sự có mặt của loài voi ở ÐBSCL thuở khẩn hoang, chúng tôi may mắn tiếp cận một cuốn sách cổ xuất bản cách đây 110 năm (năm 1911). Ðó là sách tiếng Pháp “Ma Chère Cochinchine: trente années d’impressions et de souvenirs février 1881-1910” của tác giả George Dürrwell, La Renaissance du livre ấn tống. Ông George Dürrwell là luật sư, Chủ tịch Hội Etudes Indochinoises de Saigon, từng sống ở Nam Kỳ nước ta từ năm 1881 đến 1910. Cuốn sách này được viết dưới dạng hồi ký hành trình, thuật lại những chuyện tác giả nghe và thấy ở Việt Nam, Campuchia và Thái Lan. Trong đó, ông dành nhiều tình cảm cho Nam Kỳ.
Bìa cuốn “Ma Chère Cochinchine: trente années d’impressions et de souvenirs février 1881-1910” của tác giả George Dürrwell và trang có ghi chép về việc bắt voi ở Cần Thơ (đoạn tô đỏ). Ảnh: DUY KHÔI
Ở trang 172 của quyển sách này, có một đoạn miêu tả voi ở tỉnh Cần Thơ rất thú vị. Xin lược dịch như sau: Gần đây, người ta vẫn hay nhắc về những đàn voi to lớn, khi xuất hiện những đàn voi đi vào vùng Cần Thơ, phá hoại sạch trơn những gì trên đường chúng đi qua. Những cuộc săn bắt, khống chế voi ở Cần Thơ tuy được tổ chức nhiều nhưng xem ra không hiệu quả. Dưới đoạn văn này, tác giả George Dürrwell còn chú thích, dịch đại khái: Phải nói kỹ, không thì tôi sẽ quên mất khi viết những điều này, đó là những thợ săn voi ở đây đều là hợp pháp. Ðịa bàn hoạt động của những thợ săn voi là một số tỉnh, nhưng tôi nghe nói nhiều nhất là ở Nam Kỳ. Ðây là chi tiết rất thú vị và mới lạ, minh chứng cho nghề săn voi mà chúng tôi sẽ trình bày kỹ ở những bài sau.
Trong cuốn “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, nhà văn Sơn Nam cũng nói về một tài liệu mà ông tiếp cận được. Tài liệu đó ghi về một hộ thợ săn, tập trung săn thú rừng, gọi là “Thuộc Tỉnh Biệt Nạp Lạp Hộ”, được hưởng quy chế của một làng, nhưng không có đất đai. Cầm đầu hộ thợ săn là ông Nguyễn Văn Luật, người ở kinh Vĩnh Tế, gia nhập còn có người ở Chợ Gạo, ở Cái Thia, Ðịnh Tường... Nhà văn Sơn Nam thuật lại: “Hộ trưởng phải chịu trách nhiệm về thuế vụ cho 7 người ông ta bảo lãnh, thuế đóng bằng ngà voi, 150 cân mỗi năm”. 150 cân ngà voi đóng thuế trong 1 năm là con số lớn. Dĩ nhiên, hộ thợ săn ấy phải có lời mới làm. Ðiều này cho thấy voi ở ÐBSCL thuở ấy rất nhiều.
Cũng trong “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, trong phần kể về chuyện lập làng mới ở tỉnh Rạch Giá, có chi tiết xin lập làng Vĩnh Hưng (nay thuộc Bạc Liêu) vào năm 1894. Hai Bá hộ nổi danh vùng đó nạp đơn giành quyền lập làng là Bá hộ Bì - Phan Hộ Biết và Bá hộ Bành Trấn. Ðiểm đáng chú ý là trong đơn xin lập làng, Bành Trấn nêu: “Vùng đất này còn nhiều voi và trộm cắp, lập làng thì đất trở thành tốt, thú rừng và bọn bất lương không còn lai vãng”.
***
Từ những dữ liệu trên, có thể khẳng định vùng đất Tây Nam Bộ xưa vốn có loài voi sinh sống. Voi đồng bằng với những đặc tính riêng, đã ghi dấu một phần quan trọng trong công cuộc mở đất của tiền nhân.
Trong bài viết tiếp theo vào Chủ nhật tuần sau (ngày 22-8), chúng tôi sẽ kể về một vùng đất thuộc Cần Thơ xưa được xem là “vương quốc” của loài voi, một “ổ voi” với lời thuật: “Dậm bờ đạp lúa cả đàn hơn trăm!”.